Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), tháng 7-1958. Ảnh tư liệu
Nhận thức sâu sắc tình hình trên, dù bận trăm công nghìn việc và dành nhiều tâm lực, trí lực lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh X.Y.Z, đã viết và hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào tháng 10-1947, làm tài liệu cho tổ chức đảng các cấp và các CB, ĐV học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Tác phẩm gồm 6 phần, đề cập đến việc đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức…, nhằm sửa chữa các khuyết điểm, phát huy những ưu điểm. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề và trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. 70 năm qua, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thực sự là “cẩm nang cách mạng”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng và giáo dục, rèn luyện đội ngũ CB, ĐV.
1. Nhấn mạnh yêu cầu “phải sửa đổi lối làm việc”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận diện và phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đó vừa là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để Đảng luôn giữ vững bản chất của một Đảng chân chính cách mạng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang và to lớn mà dân tộc giao phó.
Tiếp nối tinh thần trong các bức thư, bài nói, bài viết sau ngày nước nhà giành được độc lập, tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, với “ba chứng bệnh rất nguy hiểm”: Thứ nhất là “khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan”; thứ hai là “khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi”; thứ ba là “khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”. Tự phê bình và phê bình là nội dung xuyên suốt trong tác phẩm. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Người nhấn mạnh yêu cầu “phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”. Đây là cách thức tốt nhất để phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng, khi trở thành Đảng cầm quyền.
2. Coi trọng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác tư tưởng, lý luận. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tư tưởng, lý luận là một mặt trận rất quan trọng nhằm đấu tranh chống những thói hư, tật xấu trong Đảng, chống âm mưu phá hoại của kẻ địch trên lĩnh vực tư tưởng, đồng thời nghiên cứu cách thức hữu hiệu đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc sớm đi đến thắng lợi và khẳng định tính tất thắng của công cuộc đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa, Sở Nông lâm Hà Nội (tháng 7-1960). Ảnh tư liệu
“Sửa đổi lối làm việc” đã góp phần xốc lại đội ngũ CB, ĐV, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm, trước hết là khuyết điểm về tư tưởng, đồng thời phát huy các ưu điểm để Đảng ngày càng phát triển, sự nghiệp cách mạng ngày càng thành công. Tác phẩm cũng nhắc nhở, phải tránh tình trạng có những CB, ĐV và quần chúng nhân dân, vì không được góp ý cho cấp trên nên sinh ra “uất ức, chán nản”, rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”... Mỗi CB, ĐV phải nhận rõ, bất kỳ khi nào, bất kỳ việc gì, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết; nhận rõ và đấu tranh chống các thế lực phản động phá hoại Đảng trên lĩnh vực tư tưởng.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” cũng phê phán căn bệnh “kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông” là nguyên nhân gây ra căn bệnh chủ quan, tức khuyết điểm về tư tưởng. Nếu không có lý luận dẫn đường sẽ dẫn đến tình trạng “lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Nếu chỉ dừng lại ở chú trọng một vài kinh nghiệm trong quá trình hoạt động thực tiễn, coi thường lý luận thì “cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Nếu học lý luận, biết lý luận nhưng không áp dụng vào thực tiễn thì đó là lý luận suông, giống như “một cái hòm đựng sách”. Vì vậy, phải không ngừng nâng cao nhận thức tư tưởng, giáo dục lý luận khoa học cho CB, ĐV.
3. Xây dựng Đảng về đạo đức là nền tảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Người coi đạo đức là nền tảng, gốc rễ của một đảng chân chính cách mạng và của mỗi CB, ĐV. “Sửa đổi lối làm việc” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Người đề cập đến xây dựng Đảng về đạo đức trên cả hai phương diện: Tổ chức Đảng và cá nhân mỗi CB, ĐV. Đảng chỉ thực sự xứng đáng là một đảng chân chính cách mạng khi bảo đảm được các tiêu chí: Đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết; phải gắn bó mật thiết với nhân dân; chú trọng giáo dục, lãnh đạo và học hỏi nhân dân; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình; loại bỏ những phần tử thoái hóa; thống nhất giữa nói và làm… Với mỗi CB, ĐV, tinh thần chung là phải thực hiện “chí công vô tư”, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng.
4. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã đặt ra và giải quyết một cách khoa học vấn đề công tác cán bộ của Đảng, đồng thời khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Công tác cán bộ của Đảng có vai trò hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc và đã chỉ rõ các khâu của công tác cán bộ. Đó là, lựa chọn cán bộ; huấn luyện một cách toàn diện; phải biết rõ (đánh giá đúng) cán bộ; phải cất nhắc cán bộ cho đúng; phải khéo dùng cán bộ; phải phân phối cán bộ và giúp cán bộ cho đúng; phải giữ gìn cán bộ...; trong đó, huấn luyện cán bộ được xác định là “công việc gốc của Đảng”. Người cũng lưu ý, phải phòng tránh một số sai lầm, khuyết điểm thường gặp trong công tác cán bộ, trên tinh thần phải xuất phát từ công việc; từ phẩm chất đạo đức, năng lực thực tế của cán bộ; sự tin tưởng, yêu thương cán bộ.
5. Để Đảng “lãnh đạo đúng”
Khi trở thành Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng có sự thay đổi căn bản. Từ một Đảng phải hoạt động bí mật, Đảng trở thành người lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các nội dung chủ yếu: Lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát; bằng công tác cán bộ và hành động gương mẫu của đảng viên. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, để Đảng thực sự đáp ứng vai trò của Đảng cầm quyền là tinh thần nổi bật trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tập trung ở mục V-“Cách lãnh đạo”. Người quan niệm lãnh đạo đúng là: “Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng; Phải tổ chức sự thi hành cho đúng; Phải kiểm soát cho đúng”.
Để quyết định đúng và tổ chức thi hành đúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, bàn bạc với nhân dân, đúc kết thành đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người hết sức coi trọng vai trò của công tác kiểm tra, giám sát. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người nhấn mạnh, phải “khéo kiểm soát”. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Qua kiểm soát mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; và mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết của Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra “hai cách thức lãnh đạo” căn bản giúp mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn. Theo Người: “Bất kỳ công việc gì cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”. Đó là sự kết hợp đúng đắn giữa đường lối, chính sách chung với tình hình cụ thể, giữa cái chung và cái riêng; giữa vai trò của cán bộ lãnh đạo và vai trò của quần chúng nhân dân.
6. Cẩm nang về xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách công tác khoa học, dân chủ, quần chúng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ ra những cách thức hiệu quả để CB, ĐV sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đồng thời nêu những cách làm việc, công tác một cách khoa học, mang lại kết quả cao nhất. Người cho rằng, phong cách làm việc khoa học nhất, hiệu quả nhất chính là dân chủ, gắn bó mật thiết với quần chúng. Đảng phải giữ chặt mối liên hệ với dân chúng, luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng; phong cách làm việc của CB, ĐV là “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”; nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
*
* *
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng hơn 87 năm qua, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không ngăn chặn, đẩy lùi sẽ là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Ra đời cách đây tròn 70 năm, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn vẹn nguyên giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, là một trong những văn kiện hết sức quan trọng, là cẩm nang và nền tảng tư tưởng chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Việc học tập và làm theo tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, luôn mang tính thời sự đối với toàn Đảng và mỗi CB, ĐV, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
GS,TS NGUYỄN XUÂN THẮNG (Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)