TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  06/02/2020     |  Lượt xem 1528   

Bảo vệ sức khỏe nhân dân và có ngay đối sách giảm thiểu tác động kinh tế do dịch bệnh

Ngày 5-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.

Ảnh: TRẦN HẢI
Ảnh: TRẦN HẢI


Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã báo cáo cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tới các lĩnh vực, các kịch bản tác động và giải pháp ứng phó, theo tinh thần được Thủ tướng yêu cầu là tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang, dao động.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, quốc tế đánh giá về tình hình dịch nCoV là khá nghiêm trọng, tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy, cần có thái độ bình tĩnh, tránh hoang mang. Về các tác động trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại các loại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch; hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó tác động ngành nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân. Bộ trưởng khẳng định, trong mọi tình huống, Chính phủ luôn sẵn sàng các giải pháp để ứng phó.
 

Ảnh: TRẦN HẢI
Ảnh: TRẦN HẢI

 

Còn theo Bộ Công thương, với vị trí là một quốc gia láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương trên nhiều mặt (thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập cảnh...) với mức độ và quy mô lớn với Trung Quốc nên Việt Nam khó tránh khỏi những tác động cả trực tiếp và gián tiếp, trên diện rộng của dịch. Thực tiễn hai tuần qua cho thấy, bên cạnh tác động lớn nhất của dịch nCoV đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch này cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam như: xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải, thị trường chứng khoán, thương mại nội địa, du lịch, sản xuất. Trong đó, xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải và thị trường chứng khoán là các lĩnh vực đã chịu tác động ngay và rõ rệt; đầu tư nước ngoài, thương mại nội địa và sản xuất công nghiệp tuy có chịu tác động nhưng là gián tiếp và chỉ cục bộ ở một số ngành hàng, lĩnh vực đầu tư nhất định, địa phương cụ thể.


Bộ Công Thương cho rằng, mức độ tác động của dịch nCoV tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Trước mắt, hiệu ứng tác động của dịch đến một số mặt của nền kinh tế tuy khá nhanh nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và kéo dài đến hết quý II năm 2020, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ là nghiêm trọng.

 

Dự báo dịch nCoV sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phân tích kỹ từng mặt hàng, kiên quyết nhưng bình tĩnh. Trong đó, Bộ lưu ý đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết. Theo đánh giá ban đầu, tình hình sản xuất nông nghiệp các ngành thủy sản, gỗ, rau quả, gạo, nhất là ngành hàng rau quả (trong đó đối tượng chính là một số loại trái cây như thanh long ruột đỏ, dưa hấu) sẽ bị ảnh hưởng trực diện từ các diễn biến phức tạp của dịch nCoV từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động có những giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, chủ động phối hợp Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Về phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.


Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB) viêm đường hô hấp cấp do nCoV đạt kết quả tốt, bước đầu, được quốc tế, trong nước đồng tình, đánh giá cao. Thủ tướng đặc biệt biểu dương ngành y tế, các lực lượng y tế, quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ trong công tác PCDB. Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Ban Chỉ đạo), các Ban Chỉ đạo địa phương, các cơ quan, đơn vị, chủ động, tích cực thực hiện nghiêm đồng bộ các biện pháp PCDB. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, khó lường, theo nhận định có thể bùng phát đỉnh điểm trong tuần tới và có thể kéo dài.


Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, người dân tuyệt đối không chủ quan, không bi quan, hoang mang dao động; bảo đảm ổn định xã hội; chủ động ứng phó trên các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế…. Chính phủ chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ. Yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nghiêm các giải pháp PCDB, không được để dịch bệnh lây lan, coi “chống dịch như chống giặc”; có kịch bản ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân tinh thần quyết tâm, không chủ quan, không gây hoang mang, lo lắng. Triển khai thực hiện ngay các đối sách giảm thiểu tác động kinh tế do dịch bệnh. Có kế hoạch, lộ trình, biện pháp trong từng lĩnh vực, địa bàn trên tinh thần phấn đấu đạt, vượt chỉ tiêu phát triển KTXH năm nay.


Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo, các BNĐP thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo trong phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 4-2: vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm; đồng thời phải đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu. Các Bộ Công thương, Y tế thống nhất với các địa phương có cửa khẩu biên giới triển khai đồng bộ các biện pháp này; không để lợi dụng chủ trương này mà gây ra lây nhiễm. Các bộ liên quan phải có kế hoạch, chủ trương, biện pháp cụ thể tái cơ cấu lĩnh vực bộ, ngành mình phụ trách để giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh. Thủ tướng cũng biểu dương các bộ, ngành thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ, có nhiều sáng kiến xử lý tình huống. Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động giải quyết vấn đề đặt ra đối với từng địa phương như giải quyết nông sản ứ đọng ở cửa khẩu. Ban Chỉ đạo, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo nghiêm các giải pháp PCDB; tăng cường khuyến cáo nhân dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tăng cường khử trùng, tiêu độc tại các chợ, nhà ga, bến xe, chung cư cao tầng…; hạn chế các cuộc họp không cần thiết để PCDB. Các địa phương bên cạnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về PCDB thì cần bảo đảm không gây xáo trộn ở địa phương mình.


Đề cập tình hình hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, Thủ tướng nêu rõ, kết quả tháng 1 có nhiều điểm sáng, tạo niềm tin cho xã hội. Tuy vậy, do số ngày làm việc ngắn vì có Tết Nguyên đán, lại do dịch bệnh, các nước nói chung, kể cả các nước lớn đều bị ảnh hưởng, giảm sút tăng trưởng. Do đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ năm nay chủ động và quyết liệt với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là rất quan trọng. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, đây là thử thách bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của chúng ta. Giữ nguyên các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu xuất khẩu, lạm phát, ổn định vĩ mô; phấn đấu đạt toàn diện các đạt mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, thực hiện tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển KTXH theo kịch bản mới; chủ động tìm kiếm thị trường; chỉ đạo mạnh mẽ để doanh nghiệp, nhân dân yên tâm phát triển SXKD. Phải vượt mọi khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đây là nguyện vọng của nhân dân và trách nhiệm của chúng ta.


Vì vậy, cùng với nhiệm vụ PCDB là nhiệm vụ quan trọng nhất, chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không quên các nhiệm vụ phát triển KTXH. Chính phủ yêu cầu các BNĐP tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp theo tinh thần Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Cả hệ thống chính trị, hành chính từ T.Ư đến địa phương thực hiện cao độ các công việc, bám sát kịch bản tăng trưởng từng lĩnh vực, ngành theo từng quý, cả năm để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển SXKD, tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Tiếp tục xây dựng pháp luật, cải cách hành chính; các chính sách, quy định nào nào cản trở sự phát triển cần phải được sửa đổi, bổ sung ngay; không để tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0… Tăng cường làm tốt công tác thanh tra, giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo, giải quyết các điểm nóng, tạo niềm tin cho nhân dân.


Thủ tướng đặc biệt yêu cầu kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong từng cấp, từng ngành, nhất là các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ khẳng định quan điểm chỉ đạo, điều hành là cùng với nhiệm vụ PCDB, chúng ta tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ kinh tế vĩ mô, Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, Ban Chỉ đạo điều hành giá đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh đưa ra những kịch bản mới tăng trưởng năm nay, có giải pháp thực hiện mạnh mẽ. Điều hành, vận hành linh hoạt những giải pháp vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ lạm phát, đưa giá thịt lợn giảm xuống mức bình thường; theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, hạn chế sự tăng giá bất thường. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, nâng giá. Thủ tướng cũng khẳng định trước mắt không tăng giá điện và dịch vụ công; tiếp tục giảm giá xăng dầu theo thị trường; tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho SXKD; thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh trong thanh toán. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu công khai qua mạng. Kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm đang bùng phát; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực để EC gỡ “thẻ vàng” đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam.


* Chiều cùng ngày, phiên họp Chính phủ thường kỳ tiếp tục với nội dung chuyên đề xây dựng pháp luật.

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7004205