Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ cùng các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức
Nội dung chuyên đề do Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ trình bày gồm 3 phần, cụ thể là: Khái quát về tỉnh Hưng Yên; Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên từ sau tái lập tỉnh (1.1.1997) đến nay; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2010 – 2020, một số định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Tại phần thứ nhất, Bí thư Tỉnh ủy đã khái quát có tính hệ thống về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân cư của tỉnh; Quá trình hình thành và phát triển tỉnh ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước cho đến nay; Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân trong tỉnh từ nửa cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX (1831 – 1928), việc Chi bộ Cộng sản Đông Dương Sài Thị ra đời và sự thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (1929 – 1941), Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1945 – nay).
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tỉnh Hưng Yên là một vùng đất văn hiến, cách mạng, là nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, các nhà văn hóa lớn được ghi danh trong sử sách, đặc biệt trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên là quê hương của nhiều nhà chính trị nổi tiếng, các chiến sỹ cách mạng kiên trung góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước… Đây là những điều kiện thuận lợi và là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong phần đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ sau tái lập tỉnh đến nay, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Từ sau ngày tỉnh Hưng Yên được tái lập (1.1.1997), Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn của một tỉnh thuần nông mới tái lập, với điểm xuất phát thấp về kinh tế. Đến nay, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, vượt bậc và có ý nghĩa nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện trong giai đoạn mới. Nổi bật là: Sau hơn 20 năm tái lập, đến năm 2017- năm đầu tiên tỉnh thực hiện tự cân đối thu – chi ngân sách nhà nước, trở thành một trong 16 địa phương có điều tiết đóng góp ngân sách về Trung ương, tỉnh đã đạt số thu ngân sách trên 12 nghìn tỷ đồng, gấp gần 200 lần so với số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khi mới tái lập; hàng năm kinh tế (GRDP) tăng trưởng ổn định và cao hơn bình quân chung của cả nước…
Đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2010 – 2020, một số định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Bí thư Tỉnh ủy khái quát một số quan điểm, định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Các đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, giai đoạn 2011 – 2020; Những quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ngày 28.11.2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2111/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 (Quyết định số 2111). Trong quá trình thực hiện, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã tích cực triển khai nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Quyết định số 2111; đồng thời xác định, bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp bảo đảm bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ và tình hình thực tế phát triển của tỉnh. Về quan điểm phát triển, tỉnh xác định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT – XH của cả nước, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới để phát triển KT- XH nhanh, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh CNH –HĐH; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực có lợi thế, có giá trị tăng cao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gắn phát triển của nền kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển KT – XH gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường; xây dựng đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học công nghệ; phát huy truyền thống văn hiến, khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp để xây dựng tỉnh thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT – XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Về mục tiêu phát triển, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để xây dựng Hưng Yên đến năm 2020 là tỉnh đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, theo hướng hiện đại. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhất là tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại. Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ giữa các cấp và luân chuyển ở các ngành trong cùng cấp.
Trên tinh thần thảo luận, tương tác với các học viên tại lớp bồi dưỡng, Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở nhiều phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2016 – 2020; Phương hướng quy hoạch hệ thống đô thị Hưng Yên đến năm 2020; Định hướng bố trí không gian phát triển công nghiệp; Định hướng bố trí không gian phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nêu các giải pháp chủ yếu như: Giải pháp về huy động vốn đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực; Về cơ chế chính sách; Phát triển khoa học công nghệ; Vai trò và yêu cầu nhiệm vụ đối với các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện…
Về một số định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; kiên trì và tập trung cao thực hiện đồng bộ các quy hoạch có tính động lực và mang tầm chiến lược nhằm đưa Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2030 và phấn đấu sớm đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035. Bên cạnh đó, các chương trình của Tỉnh ủy, đề án và kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII đã ban hành để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 về phát triển lĩnh vực kinh tế - xã hội đều cơ bản có định hướng phát triển đến năm 2025, một số quy hoạch lớn như trong ngành giao thông, công nghiệp… có định hướng đến năm 2030, trong đó đều xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cùng hệ thống giải pháp khá đồng bộ.
Nguồn: baohungyen.vn