|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự chủ, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 70 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đến nay, hơn 9 triệu lượt người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng huân chương, huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng, Nhà nước ta còn luôn quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khoẻ, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình liệt sĩ thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang...
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Chỉ trong gần một thập kỷ gần đây, từ năm 2007 đến năm 2016, cả nước đã xây dựng và sửa chữa hơn 182.000 căn nhà tình nghĩa, trao hơn 133.000 sổ tiết kiệm tặng các gia đình người có công.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sôi nổi tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng"; nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong suốt 70 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
|
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thao đại diện cho người có công phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.
Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh... Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá công tác người có công với cách mạng. Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, bằng những việc làm cụ thể, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cần tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng"; chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta.
“Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam, là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.