TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  16/08/2021     |  Lượt xem 26408   

CAO TRÀO KHÁNG NHẬT CỨU NƯỚC, GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở PHÙ CỪ (14/8/1945)

Đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô đang tiến vào nước Đức truy đuổi quân phát xít. Quân Nhật đang bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, mâu thuẫn Nhật - Pháp trở nên gay gắt, tất xảy ra xung đột. Ngày 09-3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Tất cả những điều kiện đó tạo ra tình thế thuận lợi cho cách mạng nước ta, thổi bùng cao trào kháng Nhật cứu nước trên phạm vi toàn quốc. Nắm chắc thời cơ, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” làm kim chỉ nam hành động cho các đảng bộ tích cực xây đựng lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Trước những diễn biến tích cực đó, tác động đến tình hình cách mạng ở Phù Cừ, nhất là khi nhận được tin Việt Minh khu Bãi Sậy đánh đồn Bần (12-3-1945), làm cho bọn quan lại ở huyện lỵ và hào lý các địa phương hoang mang, phát sinh mâu thuẫn. Bọn thân Nhật lên mặt lộng quyền được trọng dụng và hăm hở hoạt động cho chủ mới. Bọn thân Pháp bị lép vế, rệu rã, chỉ lo cho an bài yên phận. Chúng lo đối phó nhau hơn là chống phá cách mạng. Việc điều hành bộ máy và kiểm soát các tổng - xã không được thường xuyên như trước, là điều kiện tốt để các tổ chức Việt Minh các làng - xã hoạt động. Mặt khác, bọn tay sai thân Nhật đưa vào việc đốc thuế, cướp thóc để áp bức và bóc lột dân nghèo và trút gánh nặng lên những người giàu bị lép vế. Thông qua việc khai man diện tích, hạng ruộng để nộp thuế và "bán thóc tạ", làm cho họ bất bình với bọn tay sai thân Nhật. Đến lúc này tạo ra sự rạn nứt ngay trong hàng ngũ kẻ thù, tầng lớp trung gian và cả những người thuộc tầng lớp trên đã ngả về phía cách mạng. Như ông Lý Chi ở Đoàn Đào và một số người giàu có trong huyện đã ngả về phía Việt Minh. Trong khi đó, nhân dân đang bị nạn đói hoành hành và sục sôi cách mạng, chán ghét chế độ thực dân - phong kiến và chính quyền thân Nhật, tham gia các tổ chức Cứu quốc ngày một đông. Với tình hình đó, tạo ra bước chuyển biến mới thành cao trào cách mạng ở Phù Cừ.

Chủ động đón bắt những diễn biến nhanh chóng, chi bộ Đảng cụ thể hoá sự chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh và đề ra chủ trương: Thường xuyên tổ chức những cuộc nói chuyện, mít tinh và diễn thuyết xung phong", tuyên truyền Mặt trận Việt Minh, vạch mặt kẻ thù, đấu tranh chống thuế, phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói, vận động nhân dân và mỗi hội viên Cứu quốc sắm một thứ vũ khí thành lập đội tự vệ tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Thực hiện chủ trương trên, lực lượng Việt Minh huyện tổ chức "diễn thuyết xung phong" ở Chợ Cáp, đình Nại Khê, chợ Từa, chợ La Tiến và những nơi có đông người qua lại. Trong các đợt diễn thuyết, đồng chí Lương Phần thay mặt lực lượng Việt Minh huyện vạch mặt kẻ thù, mà trực tiếp là phát xít Nhật và bọn tay sai gây ra nạn đói khủng khiếp, kêu gọi nhân dân chống thuế, phá kho thóc của Nhật để cứu đói. Với khẩu hiệu: “không một xu thuế nộp cho Nhật”. Đồng thời, vận động nhân dân tự sắm vũ khí gia nhập các tổ chức Cứu quốc, lập các đội tự vệ để chuẩn bị khởi nghĩa. Qua đó, uy tín của Việt Minh huyện ngày càng một nâng cao, đông đảo nhân dân tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Đẩy cao trào cách mạng lên cao hơn nữa, lực lượng Việt Minh huyện còn phối hợp với Việt Minh tỉnh và huyện bạn tổ chức những cuộc “diễn thuyết xung phong” và mít tinh với quy mô lớn. Đáng kể nhất là cuộc “diễn thuyết xung phong” tại chợ Trương Xá huyện Kim Động, đồng chí Đoàn Năng Triển (người thôn Đình Cao) đóng giả người bán thuốc mau lẹ đứng lên gò cao nhất, với đôi thanh la vang động thu hút mọi người hướng về nơi diễn thuyết. Nhân dân vô cùng sung sướng ào tới, ai cũng muốn tận mắt trông thấy và nghe lời kêu gọi của Việt Minh. Tiếp đó là cuộc mít tinh vào ngày 8 - 4 - 1945 (Ất Dậu) nhân ngày hội Đậu An ở huyện Tiên Lữ để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Giữa dòng người đông đúc của ngày hội, các đồng chí Lương Phần (Trần Văn Phần), Lương Hiền và nữ đồng chí Hưng thay phiên nhau diễn thuyết, tuyên truyền chương trình của Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh đã thu hút hàng nghìn người của 4 huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động được chứng kiến cán bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân sắm vũ khí, chờ thời cơ khởi nghĩa, làm cho không khí ngày hội náo nhiệt hẳn lên và biến thành cuộc mít tinh tuần hành của quần chúng. Đoàn tuần hành từ Đậu An diễu qua Nghĩa Chế lên đến Phố Giác mới giải tán. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:

- Ủng hộ Việt Minh!

- Đả đảo phát xít Nhật và chính phủ Nam triều!

- Đả đảo bọn bù nhìn Trần Trọng Kim!

Thông qua những đợt tuyên truyền, uy tín của Việt Minh ngày một lên cao, kẻ thù càng tỏ ra hoang mang rệu rã, nhân dân hăng hái gia nhập các tổ chức Cứu quốc ngày càng đông. Trong đó mạnh nhất là Hội Thanh niên Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc và Phụ nữ Cứu quốc. Riêng hội Thanh niên Cứu quốc thu hút được nhiều hương sư tham gia. Yêu cầu cấp thiết trong lúc này là phải xây đựng đội tự vệ trong các làng - xã.

Sau khi dự lớp quân sự ở Mạc Thượng (Hà Nam), chi bộ Đảng tổ chức được 3 lớp huấn luyện cho cán bộ Việt Minh ở cơ sở. Lớp thứ nhất có 30 hội viên học tại chùa Cát Dương. Lớp thứ hai có 20 hội viên học tại nhà đồng chí Mai Cảng thôn Ba Đông. Lớp thứ ba có 25 hội viên học tại nhà đồng chí Phan Chưởng thôn Trần Xá Thượng. Tại các lớp học, ban ngày học chính trị và thảo luận, ban đêm ra các gò đống ngoài đồng tập quân sự. Học xong trở về, các đồng chí đều là cán bộ Việt Minh ở cơ sở, đảm nhận đội trưởng đội tự vệ ở các làng xã. Những nơi mạnh xây dựng được 3 đội tự vệ, nơi yếu nhất cũng xây dựng được 1 đội tự vệ. Còn đa số các xã đều xây dựng được 2 đội tự vệ. Nhiều thôn còn vô hiệu các đội Bảo An của địch, do bọn tay sai thân Nhật lập ra và tuyên truyền hiểu dụ họ trở về với cách mạng, biến đội Bảo An của chúng thành đội tự vệ của ta. Các đội tự vệ sắm vũ khí gồm: gươm, côn, kiếm, gậy và các thứ vũ khí thô sơ khác. Để có súng cho chuẩn bị khởi nghĩa, chi bộ Đảng có chủ trương: Vận động những người có điều kiện ủng hộ và tịch thu số tiền của Nhật đang đong thóc trong dân để lấy tiền mua súng.

Thực hiện chủ trương trên, đồng chí Đoàn Năng Triển và ông Thụ là hội viên Cứu quốc (người Đình Cao) của huyện, do đồng chí Kim Quang phụ trách đã thực hiện thành công ở một số địa điểm. Khi đến thôn Dị Chế (Tiên Lữ) thuyết phục tên Bá Xá nộp số tiền của Nhật đưa về đong thóc nhưng không thành, hắn vu cáo là cướp, cho tuần đinh đuổi theo rồi gây ra án mạng. Đồng chí Đoàn Năng Triển hy sinh trên cánh đồng gần thôn Đặng Cầu. ông Thụ bị thương nặng, đưa về đến nhà rồi hy sinh. Đây là hai liệt sĩ đầu tiên của huyện Phù Cừ hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc[1]. Sau vụ Bá Xá, đồng chí Kim Quang bị địch bắt đi tù, đồng chí Lương Phần được Ban cán sự chỉ định làm Bí thư chi bộ Đảng.

Khi cao trào kháng Nhật cứu nước đang dâng lên mạnh mẽ ở Phù Cừ cũng như các địa phương trong cả nước, thì nạn đói diễn ra ngày càng trầm trọng. Đại bộ phận nhân dân phải lấy rau má, lá sung, củ chuối, dây rau muống để ăn thay bữa. Nhưng lượng dự trữ cũng cạn đần rồi đứt bữa, gây ra bao cái chết thê thảm trong nhân dân. Đồng bào Nam Định, Thái Bình tràn sang ngày một đông, kiệt sức chết gục trên các ngả đường đi kiếm sống. Dưới lùm cây ven đường, bên lều quán đều có người chết đói hoặc nằm rên rỉ chờ chết. Có đứa trẻ không một tấc vải che thân, miệng vẫn ngậm vú, nằm thoi thóp bên xác chết người mẹ. Lực lượng Việt Minh và nhân dân các xã thường gom những xác chết vô thừa nhận đem chôn. Trong thảm hoạ đó, Phù Cừ có gần nghìn người chết đói và chết dịch tả, cùng hàng nghìn người khác đang bị giặc đói hành hạ.

Nạn đói khủng khiếp đó càng lộ rõ dã tâm quân xâm lược và bè lũ tay sai, đẩy nhanh tính gay gắt các mâu thuẫn vốn có trong lòng chế độ Thực dân - Phong kiến. Trong đó, mâu thuẫn dân tộc bao trùm lên tất cả. Quần chúng và những người tha thiết với vận mệnh dân tộc chán ghét chế độ Thực dân - Phong kiến, căm thù giặc Nhật và tay sai đến cực điểm.

Trước tình hình ấy, chi bộ Đảng lãnh đạo lực lượng Việt Minh và nhân dân trong huyện chống thuế. Cuộc đấu tranh lớn nhất có sức quy tụ phong trào là nhân dân các thôn Đại Duy - Đông Cáp, Đoàn Đào, Long Cầu, Đồng Minh và các thôn thuộc tổng Hoàng Tranh kéo lên huyện đường đấu tranh trực diện với tri huyện. Trước áp lực của quần chúng và lực lượng Việt Minh, y buộc phải chấp thuận cho nhân dân khất thuế. Tin thắng lợi cuộc đấu tranh chống thuế vang dội trong toàn huyện làm cho bọn hào lý các tổng - xã sợ hãi, kính phục Việt Minh. Những thôn Trà Bồ, Cát Dương chính quyền tay sai phải đến xin ý kiến Việt Minh về cách đối phó với cấp trên của chúng. Các thôn Phú Mãn, Trần Xá chúng phải đem tiền thuế nộp cho Việt Minh để trả lại nhân dân. Làng Quế Lâm và Ải Quan, lực lượng Việt Minh làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh chống thuế, làm chúng không thu được, tên chánh Đình bị giết hụt rất hoảng sợ tự vệ Việt Minh. Nhân dân An Cầu, La Tiến, Võng Phan đấu tranh với bọn Nhật, thậm chí phải xảy ra xô xát để bảo vệ ngô, màu làm thất bại việc trồng đay của chúng.

Tin chống thuế ở Phù Cừ lan rộng trong tỉnh, bọn Nhật ở Hưng Yên điều một trung đội lính Nhật tăng cường về Phù Cừ làm áp lực để lấy lại uy thế của chúng. Được sự chi viện của quan thày, bọn thân Nhật ở huyện - tổng - xã ngóc đầu dậy phản công cách mạng, chống lại lực lượng Việt Minh các làng – xã. Chúng đưa một trung đội lính Nhật cùng tay sai về Đông Cáp, Đoàn Đào, Đại Duy, Cát Dương làm áp lực cho việc đốc thuế. Tại các thôn Đoàn Đào, Đại Duy, Cát Dương ta khôn khéo đưa một số người ra đấu tranh với chúng, rồi khất thuế, chúng không thu được gì rồi rút lui, mặc dù có bắn mấy phát súng vào làng để uy hiếp. Khó khăn hơn là thôn Đông Cáp có tên Lý Thanh thân Nhật phản công quyết liệt làm cho một số người hoang mang phải nộp mất một chút, song không thu được gì thêm, chúng buộc phải rút lui.

Qua thực tiễn đưa quần chúng vào đấu tranh giành thắng lợi là cơ bản, tuy nhiên còn mặt hạn chế như ở Đông Cáp. Song, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Việt Minh Phù Cừ dũng cảm và có phương pháp đấu tranh thích hợp, trực diện với chính quyền Thực dân - Phong kiến, đẩy cao trào kháng Nhật cứu nước lên bước phát triển cao hơn - tịch thu thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân.

Trước tình thế đó, lực lượng Việt Minh huyện thực hiện sự chỉ đạo của chi bộ đảng vận động các tổ chức cứu quốc và nhân dân một số làng đã tịch thu thóc liên đoàn của Nhật để cứu đói. Tại Văn Sa còn thu số thóc của địa chủ Tám. Các xã ven sông như An Cầu, Võng Phan còn phối hợp với Nhâm Lang (Thái Bình) tịch thu một thuyền thóc của Nhật vận chuyển trên sông Luộc. Ngoài ra, nhân dân các thôn xông đến nhà những tên tay sai có chứa thóc liên đoàn của Nhật tịch thu để cứu đói.

Khẩu hiệu “Tịch thu thóc của Nhật để cứu đói” đáp ứng nguyện vọng của toàn dân được nhân dân hưởng ứng, khí thế cách mạng ngày càng sục sôi, đón chờ ngày khởi nghĩa.

Chuẩn bị cho khởi nghĩa, chi bộ Đảng thực hiện sự chỉ đạo của Ban cán sự đã kết nạp đồng chí Châu Hán (Đoàn Đào) để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Đồng thời, chi bộ Đảng chịu sự điều động của cấp trên, đồng chí Doãn Độ tăng cường cho chi bộ Tiên Lữ. Vì vậy, chi bộ lúc này vẫn có 3 đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn huyện.

Thông qua hai hội viên Cứu quốc: Vạn Quốc và Nguyễn Hữu Nghị nắm chắc tình hình địch, các đồng chí liên hệ trực tiếp với đồng chí Lương Phần - bí thư chi bộ Đảng (tại nhà đồng chí Phần) và nói rõ lính Nhật đã chuyển về Hưng Yên, ở đó chỉ còn lại khoảng ngót 60 lính cơ. Mặt khác, chúng mới chuyển về hơn 20 vạn đồng (tiền Đông Dương) để tiếp tục vét thóc trong dân.

Trước tình hình đó, chi bộ Đảng có chủ trương: Đây là thời cơ khởi nghĩa (lúc đó gọi là cướp huyện), nếu chậm trễ thì nguy hại hơn, vì chúng vét hết thóc, dân sẽ chết đói nhiều. Do đó, chúng ta phải khẩn trương giành chính quyền.

Thực hiện chủ trương trên, chi bộ Đảng tổ chức hội nghị (cuộc họp) các lực lượng Việt Minh huyện vào tối 13-8-1945, tại nhà cụ Vương Văn Cân thôn Đông Cáp. Hội nghị gồm 8 người: Đồng chí Doãn Độ, đồng chí Châu Hán, đồng chí Lương Phần và 5 hội viên Cứu quốc: ông Nguyễn Hữu Nghị, ông Vạn Quốc, ông Soang, ông Vân (Đông Cáp), ông Đạo (Nại Khê), dưới sự chủ trì của đồng chí Lương Phần - Bí thư chi bộ Đảng.

Tại hội nghị lịch sử này bàn 3 vấn đề chính:

+ Khó khăn nhất là phải có súng để áp đảo kẻ thù, vấn đề này giao cho tự vệ Đoàn Đào và ông Nguyễn Hữu Nghị chịu trách nhiệm, có thể tranh thủ Nghị Tạo. Đồng thời giao nhiệm vụ cho ông Vạn Quốc tiếp tục nắm tình hình dịch.

+ Huy động lực lượng, chủ yếu lấy những đội tự vệ mạnh của làng có phong trào Việt Minh mạnh.

+ Thời điểm tấn công vào huyện đường là: rạng sáng ngày 14-8-1945 (tức ngày 7 tháng 7 âm lịch - trúng phiên chợ Cáp). Tất cả các bộ phận được giao nhiệm vụ phải tích cực thực hiện và tuyệt đối giữ bí mật.

Sau hội nghị này, ông Vạn Quốc có quen ông Nguyễn Xuân Tham làm việc trong huyện đường để vẽ sơ đồ, nơi để tài liệu, kho bạc, két bạc, trại lính và nắm lại số súng. ông Nguyễn Hữu Nghị vận động Nghị Tạo cho mượn khẩu súng chim. Tự vệ Đoàn Đào - Đông Cáp chuẩn bị được một khẩu súng Mút - Cô - Tông, một khẩu súng lục do tự vệ cướp được của địch ở chợ Thi và mượn được một khẩu súng chim của ông Lý Chi.

Như kế hoạch đã định, lực lượng Việt Minh được huy động gồm các thôn: Đông Cáp, Đoàn Đào, Đại Duy, Khả Duy, Long Cầu, Đồng Minh, Trần Xá, Nguyên Xá, Viên Quang, Ba Đông, Cát Dương, La Tiến, Phạm Xá, Trà Bồ, An Nhuế, Nại Khê cùng một số nơi khác[2]. Trong đó, đông nhất là tự vệ Cát Dương, sau đó là Đình Cao. Với tổng số khoảng 50 người, vũ khí có hai súng chim, một súng Mút - Cô - Tông, một súng lục, còn lại là giáo, mác và các thứ vũ khí thô sơ khác được tập trung đầy đủ tại nhà ông Thường ở thôn Đình Cao để nhận lệnh tấn công đánh vào huyện đường.

Tại đây, đồng chí Lương Phần - Bí thư chi bộ Đảng là Tổng chỉ huy đã chia làm 2 bộ phận chính:

+ Bộ phận thứ nhất: Vào dưới ánh đèn gác, dù nó có bắn cũng hạn chế hơn, do ông Nguyễn Hữu Nghị chỉ huy.

+ Bộ phận thứ hai: Bao gồm cổng đường, lấy cổng chắn, nếu địch bắn cũng không việc gì, do ông Vạn Quốc chỉ huy.

Khi hai bộ phận tiến sát huyện đường, đồng chí Lương Phần gặp được ông Tài là nhân mối của ta (ở trong huyện đường) thấy Việt Minh ít súng ông ta nghi ngại, hẹn đến giờ đổi gác sẽ vào. Nhưng không được, không thể chậm trễ, sẽ thất bại lớn. Thấy vậy, đồng chí Lương Phần kiên quyết, nói gay gắt: "Anh phải đưa vào, nếu không, chúng tôi sẽ trói anh lại!” Trước sự kiên quyết đó, ông Tài phải chấp thuận, hai bộ phận tiến vào. Nhanh như cắt, ông Nghị xông lên kêu gọi binh lính đầu hàng và hô lớn: Súng máy Hải Dương, đại liên Bắc Giang bắn! Liền sau đó, hai bên đều nổ súng, nên ông Ba Tạo (Nại Khê) từ phía lô cốt chạy ra, trúng đạn địch đã bị thương.

Sau đó, ông Châu (người Cát Dương) kêu gọi binh lính địch ngừng nổ súng sẽ tha cho về! Lập tức súng nổ thưa đần, rồi ngừng hẳn. Bộ phận đánh vào trại lính, dùng búa chim không cậy được cửa, thấy động quân địch mở cửa, ta hô to: "Giơ tay lên sẽ tha cho về!", rồi chúng làm theo yêu cầu của Việt Minh.  Nhiều tên nộp súng cho cách mạng rồi ra hàng. Có tên còn ngoan cố tháo quy lát súng vứt xuống hào nước gần đó. Một số tên quá hoang mang chạy tán loạn, ngay cả tên lục sự ta định bắt, nó cũng trốn thoát[3].

Bộ phận do ông Vạn Quốc chỉ huy xông vào huyện đường tịch thu đồng triện, thu tài liệu sổ sách đốt ngay giữa công đường, phá két bạc thu 12 vạn đồng (tiền Đông Dương toàn loại 300 đồng) và một máy chữ. Bộ phận của ông Nguyễn Hữu Nghị chỉ huy đánh thẳng vào trại lính, thu được 32 súng trường và một số đạn dược. Sau đó, Việt Minh huyện tập trung binh lính lại nói rõ lệnh khoan hồng của cách mạng, tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, rồi phóng thích cho về quê cũ làm ăn.

Cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở huyện Phù Cừ giành thắng lợi, đồng chí Lương Phần thay mặt lực lượng Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền Thực dân - Phong kiến từ huyện đến tổng - xã và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Do chưa nhận được chỉ thị của tỉnh, nên chưa thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, nhưng thực chất chính quyền đã về tay nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng. Mọi hoạt động ở Phù Cừ, do lực lượng Việt Minh hoàn toàn điều khiển, tất cả tập trung vào nhiệm vụ hộ đê phòng lụt.

Đối với chiến lợi phẩm thu được có 32 khẩu súng trang bị ngay cho các đội tự vệ có tham gia chiến đấu là các đơn vị: Đoàn Đào, Đông Cáp, Đình Cao, Cát Dương, Nại Khê, Phạm Xá, Trà Bồ và một số đơn vị khác. Riêng số tiền và các thứ còn lại cùng một số tài sản do tự vệ Đoàn Đào thu được của tên công sứ Sa-Pô-La giao cho ông Lý Chi cất giữ để nộp về tỉnh[4].

Mặc dù thắng lợi lớn nhưng trong tình thế lúc bấy giờ, Phù Cừ là huyện giành chính quyền sớm nhất tỉnh, nên kẻ thù có thể tập trung khủng bố.

Để chủ động đối phó với tình hình đó, lực lượng Việt Minh huyện quyết định rút khỏi huyện đường và chia làm hai ngả, chặn địch tại Cầu Cáp và Cầu Vóc, nhưng không thấy chúng tiếp viện, quân ta rút về cơ sở. Sau đó, chúng điều bọn giám binh ở tỉnh về lập biên bản rồi để mặc tên tri huyện ở huyện đường trống vắng[5].

Trong những ngày tháng Tám, thời cơ khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc ngày một đến gần. Ngày 09-8-1945, Hồng quân Liên Xô đánh vào Mãn Châu như vũ bão, làm cho quân Nhật vô cùng nguy ngập, hơn một triệu quân Quan Đông đang đặt trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Trước tình hình khẩn cấp ấy, thời cơ ngàn năm có một đã mang lại, ngay đêm 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và truyền đi lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15-8-1945, hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, giữa lúc đó nhận được tin Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Hội nghị quyết định phải khẩn trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Phát xít Nhật và đánh đổ chế độ Thực dân Phong kiến - tay sai trước khi quân Đồng Minh tiến vào. Ngày 16 và 17-8-1945, Đại hội Quốc dân tổ chức tại Tân Trào thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam đứng đầu là cụ Hồ Chí Minh. Người đã kêu gọi đồng bào cả nước đem sức ta mà giải phóng cho ta. Với thời gian đó ngày 16-8-1945, Kỳ bộ Việt Minh thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Bắc kỳ (15-8-1945) đã khẩn cấp ra thông báo gửi lực lượng Việt Minh các tỉnh: Phải tập trung quân các phủ, huyện để công kích tỉnh lỵ, bắt tỉnh trưởng phải giao lại khí giới cho ta.

Trước tình hình diễn ra nhanh chóng và dồn dập ấy, nhưng giao thông liên lạc lúc đó lại rất khó khăn, nên không nhận được Lệnh tổng khởi nghĩa, các chỉ thị của Trung ương và Kỳ bộ Việt Minh. Khi thời cơ đến, tổ chức Đảng các huyện Phù Cừ, Mỹ Hào, Tiên Lữ, Văn Lâm dựa vào chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" để lãnh đạo khởi nghĩa. Với khí thế cách mạng của quần chúng như nước triều dâng. Ngày 18-8-1945, ban cán sự tỉnh mở hội nghị ở Thổ Cốc (Yên Mỹ) để bàn việc khởi nghĩa. Giữa lúc đó, hội nghị nhận được thông báo của Kỳ bộ Việt Minh (16-8-1945) và lệnh tổng khởi nghĩa. Đồng chí Lương Phần vô cùng phấn khởi trở về địa phương, triệu tập cuộc mít tinh ở huyện để thành lập chính quyền cách mạng.

Thực hiện chủ trương của ban lãnh đạo tỉnh và lệnh Tổng khởi nghĩa, ngày 19-8-1945, chi bộ Đảng lãnh đạo cuộc mít tinh tại khu vực gác Tam Quan chùa Đình Cao để thành lập ủy ban giải phóng huyện.

Từ sáng sớm tinh mơ, các tổ chức Cứu quốc và nhân dân trong huyện đều nô nức phấn khởi đổ về đông nghịt khu Tam Quan chùa. Các đội tự vệ hàng ngũ chỉnh tề có súng và đầy đủ vũ khí thô sơ biểu thị sức mạnh, uy thế của lực lượng Việt Minh. Giữa rừng người thắm sắc cờ đỏ sao vàng, đồng chí Lương Phần tuyên bố thành lập Uỷ ban Giải phóng Dân tộc huyện Phù cừ gồm các đồng chí: Lương Phần, Nguyễn Hữu Nghị và Vạn Quốc, do đồng chí Lương Phần làm Chủ tịch. Lập tức cả rừng người chuyển động, vang lên những đợt hô không ngớt:

- Ủng hộ Việt Minh!

- Đả đảo phát xít Nhật!

- Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

    Giữa những tiếng hô vang đậy, mười một cán bộ Việt Minh huyện lần lượt xuất hiện trước công chúng là các ông: Lương Phần, Vạn Quốc, Nguyễn Hữu Nghị, Châu Hán, ông Vân người Đông Cáp, ông Bùi Ngọc Lâm (Nội Nhuế), ông Châu (Cát Dương), ông Vân Kính và ông Nguyễn Văn Đáng (Phạm Xá), ông Đặng Hồng Soang (La Tiến), ông Đinh Trọng Doãn (tức Quang Doãn ở Quế Lâm), đều được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh. Đồng chí Lương Phần, thay mặt Uỷ ban Giải phóng huyện tuyên bố. Việc xoá bỏ chính quyền Thực dân Phong kiến và tay sai từ huyện đến tổng, xã (làng) chúng ta đã làm ngay đêm khởi nghĩa. Nay theo lệnh tổng khởi nghĩa, lực lượng Việt Minh các làng cùng toàn dân đến tịch thu đồng triện, sổ sách của chúng và thành lập chính quyền cách mạng để ngày 22-8-1945 cùng nhân dân các huyện giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Đồng chí Vạn Quốc được phân công giải thích 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Trong khi đó, nước sông Luộc còn lớn, nên cuộc mít tinh dừng lại để tập trung lực lượng cho hộ đê phòng lụt.

    Trước nhiệm vụ khẩn cấp đó, Uỷ ban giải phóng vận động nhân dân ở những làng gần đó trở về nhà lấy phương tiện hộ đê. Đoàn người có mặt ở những đoạn đê sung yếu nhất thi hành nhiệm vụ được phân công. Với sự lao động khẩn trương hăng say của toàn dân trong hào khí cách mạng tháng Tám, chả mấy chốc những đoạn sạt lở đã được tu bổ, nơi thấp được gỡ hàng con trạch cao hơn để khắc phục tình trạng trước mắt. Khi công việc tạm ổn định, ông Vạn Quốc được phân công cùng lực lượng Việt Minh vào những nhà giàu ở An Cầu và Võng Phan vận động họ ủng hộ gạo, rồi giao cho các chị em thôn nữ nấu cơm nắm đem ra mặt đê cho dân công ăn. Qua thời gian ngắn, hàng ngàn dân công lao động cật lực, có sự cổ vũ của lá cờ cách mạng nên con đê được giữ vững, đoạn sung yếu nhất từ cuối dốc An Cầu đến Võng Phan đã bỏ kè kịp thời, giữ vững thân đê.

    Với sức mạnh của lực lượng Việt Minh và toàn dân làm cho bọn hào lý ở một số địa phương cũng tham gia hộ đê. Trong khi đó, tên tỉnh trưởng Trần Lưu Vị và tên Bùi Tân Liên tri huyện cũ đi đến đoạn nhân dân đang hộ đê, chúng rất sợ Việt Minh. Giữa lúc đó, đồng chí Lương Phần và lực lượng Việt Minh xông tới rút "thẻ bài Ngà" của tên Vị vứt xuống sông, bắt tên huyện Liên vác cờ đỏ sao vàng cho quần chúng hộ đê. Mãi sau mới cho chúng quay xe về thị xã Hưng Yên, còn tên huyện Liên vẫn bắt y phải canh đê.

    Ngày 20-8-1945 lực lượng Việt Minh từ trên đê về huyện đường trống vắng, ông Vạn Quốc phụ trách lực lượng Việt Minh cho niêm phong toàn bộ số thóc của Nhật chưa kịp chuyển, còn để đầy ở trường học Đình Cao[6].

     Ngay sau đó, chi bộ Đảng nhận được thư của đồng chí Lương Hiền, đồng chí Trần Văn Phần đã khẩn trương lệnh cho Việt Minh các làng - xã phải khẩn trương tập trung lực lượng để cùng các huyện tiến về tỉnh lỵ giành chính quyền.

    Thực hiện chủ trương của Ban cán sự tỉnh, sáng ngày 22-8-1945, lực lượng Việt Minh và đông đảo nhân dân Phù Cừ đội ngũ chỉnh tề trong sắc cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cùng nhân dân các huyện tiến về thị xã Hưng Yên, người nào cũng lăm lăm trong tay một thứ vũ khí, hăm hở, hân hoan, kiên nghị vừa đi vừa hát bài: "Cùng nhau đi hùng binh" và hô vang những khẩu hiệu:

    - Đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

    - Đả đảo Phát xít Nhật.

    - Đả đảo chính phủ Nam Triều.

    - Việt Nam Độc lập muôn năm.

    - Ủng hộ Việt Minh.

Đoàn người đi đến chợ Gạo, rồi hoà cùng dòng người các huyện bạn tiến vào khu trung tâm thị xã. Với không khí tưng bừng của ngày hội giải phóng, đoàn người tuần hành qua các khu phố, qua dinh tỉnh trưởng, rồi mít tinh tại sân vận động. Dưới sắc cờ đỏ sao vàng tươi rói, ta tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Sau đó, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập đã kêu gọi nhân dân đoàn kết bảo vệ chính quyền cách mạng.

Sau cuộc mít tinh giành chính quyền ở tỉnh, chi bộ Đảng chỉ đạo lực lượng Việt Minh huyện củng cố chính quyền cách mạng, từ Uỷ ban giải phóng chuyển thành Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Phù Cừ (gọi tắt là Uỷ ban cách mạng lâm thời) gồm 5 ông được phân công như sau:

1- ông Trần Văn Phần (Lương Phần) - Chủ tịch Uỷ ban lâm thời.

2- ông Nguyễn Hữu Nghị - Uỷ viên Quân sự.

3- ông Giáo Quyến (Quế Ải) - Uỷ viên Tư pháp.

4- ông Lý Chi (quê Đoàn Đào) - Uỷ viên Tài chính.

5- ông Giáo Huy[7](quê Vũ Xá) - Uỷ viên Thư ký.

Sau đó, chi bộ Đảng chỉ đạo việc thành lập Ban Việt Minh huyện, gồm các cán bộ Việt Minh phụ trách khu vực, là các ông: ông Vạn Quốc (Đình Cao), ông Châu Hán (Đoàn Đào), ông Vân (Đông Cáp), ông Đặng Hồng Soang (La Tiến), ông Vân Kính (Phạm Xá).

Từ đây, Uỷ ban Lâm thời và ban Việt Minh huyện đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng[8]. Vì vậy, việc thành lập chính quyền ở cơ sở sau ngày 23-8-1945 mới có điều kiện thực hiện, do phải tập trung cho nhiệm vụ cấp bách trọng tâm là hộ đê phòng lụt, giành chính quyền ở tỉnh lỵ và củng cố chính quyền ở huyện.

Trong 2 ngày 24 và 25-8-1945, huyện Phù Cừ thành lập chính quyền ở 56 làng - xã đều nhất loạt tịch thu triện, bạ, giấy tờ sổ sách của bọn hào lý ở tổng xã cũ và mít tinh ở đình làng để tuyên bố việc thành lập Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời (gọi tắt là Uỷ ban lâm thời).

Hết ngày 25-8-1945, kết thúc toàn bộ quá trình giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 14-8-1945 là mốc son lịch sử vô cùng trọng đại mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Phù Cừ ghi nhớ trong tâm trí của mình và phát huy truyền thống đó trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ quê hương đất nước.

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Phù Cừ (1938-1945)


[1]- Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Hữu Nghị, đồng chí Bằng Sen và một số vị lão thành cánh mạng.

[2]- Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ ghi người tham gia mà các đồng chí Vạn Quốc, Lương Phần, Nguyễn Hữu Nghị còn nhớ. Cát Dương có ba Việt Minh: ông Nghị, ông Châu, ông Vũ. An Nhuế có ông Lâm. Phạm Xá có ông Sa, ông Kinh. Nại Khê có hai anh em ông Đạo. Trà Bồ có ông Phấn, ông Chỉnh. Nguyên Xá có ông Biểu. Ba Đông có ông Cảng, Viên Quang - ông Hùng. Đoàn Đào có ông Hán, Đông Cáp có ông Phần, ông Tuyên, ông Vận. La Tiến có ông Soang. Đình Cao có ông Thường, ông Xuyên, Đại Duy có ông Khiêm. Trần Xá Thượng có ông Chưởng .v.v.

- Về thời gian giành chính quyền ở Huyện, còn có ý kiến của đồng chí Lê Thanh Vân và đồng chí Phạm Văn Giáp cho biết phải trước đó một tháng. Vấn đề này chúng tôi đã xác minh không phải như vậy, đúng ngày l4-8-1945.

- Ngày thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở huyện là ngày l9-8-1945 là đúng vì theo các đồng chí trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa cho biết. Phải sau hội nghị ở Thổ Cốt (Yên Mỹ 18-8-1945) có lệnh khởi nghĩa mới về tổ chức mít tinh và lên hộ đê.

[3]- Hôm đó, tri huyện đi vắng, còn một bộ phận nữa do hai hội viên Cứu quốc là đồng chí Doãn Thường và đồng chí Bích dụ lính đánh bạc để giữ chân chúng. Do đó, phần nào đã hạn chế hoả lực của địch.

[4]- Theo hồi ký của đồng chí Lương Phần, Vạn Quốc, Nguyễn Hữu Nghị, Đặng Hồng Soang và một số đồng chí đã tham dự cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện, số tiền thu dược giao cho đồng chí Tuyên ở Đông Cáp chuyển về cho ông Lý Chi tạm giữ để nộp về tỉnh.

[5]- Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Hữu Nghị và đồng chí Lương Phần cho biết: Khi chúng về huyện đường Phù Cừ lập biên bản thấy lực lượng ta lớn mạnh, chúng đã ghi vào văn bản về Việt Minh đánh huyện đường như sau: Đây là do lực lượng Việt Minh 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Giang với quân số khoảng 500 người đã đánh úp huyện đường.

     [6]- Đồng chí Vạn Quốc giao nhiệm vụ cho thanh niên Cứu quốc Trần Đăng Bách niêm phong số thóc trên (sau này ông Bách là Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Hải Phòng)

[7]- Khi cuộc kháng chiến bước vào gay go quyết liệt nhất, đã tiếp tay cho địch về dựng bốt, lập tề ở Vũ Xá.

[8]- Chi bộ Đảng lúc này gồm 3 đồng chí: Lương Phần - Bí thư, đồng chí Châu Hán (Đông Cáp) khi gần khởi nghĩa tỉnh điều đồng chí Doãn Độ tăng cường cho chi bộ Tiên Lữ.

 

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7001812