Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nguyện chuông, kính cáo khai lễ Lễ giỗ.
Tiếng chuông vang rền từ Côn Đảo, nơi đầu sóng ngọn gió, như lời tri ân với những hy sinh của cha ông để tạo lập một cuộc sống yên bình hôm nay. Tiếng chuông cũng như dẫn lối bao thế hệ con người tiếp bước cuộc sống mà không lãng quên nguồn cội.
Tham dự Lễ giỗ còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các cựu tù chính trị Côn Đảo và các tầng lớp nhân dân…
Phát biểu tại Lễ giỗ, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hôm nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu long trọng tổ chức Lễ giỗ các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo, thắp nén tâm hương dâng lên anh linh những con người vĩ đại đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo thân yêu này!
Trải qua các cuộc chiến tranh, hơn ai hết, người Việt Nam hiểu sâu sắc tình yêu Tổ quốc. Để có một Tổ quốc độc lập, tự do, thống nhất; nhân dân ta đã phải trả bằng sinh mạng, bằng máu xương của hàng triệu con người, trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ, chấp nhận nằm xuống cho lá cờ Tổ quốc tung bay.
“Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ…”
Mãi mãi cho đến muôn đời sau, cuộc đấu tranh của các thế hệ tù chính trị trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, vẫn là cuộc đấu tranh bi hùng đầy đau thương nhưng thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, chói lòa chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trang sử vàng của Dân tộc Việt Nam.
Chính nơi này của 71 năm trước, chị Võ Thị Sáu hiên ngang trong phút tử hình lúc 07 giờ sáng ngày 23/01/1952 giữa sóng biển vây quanh địa ngục trần gian - nhà tù Côn Đảo bằng câu nói bất hủ: “tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”.
Di tích Nghĩa trang Hàng Dương với 1.922 ngôi mộ; Đền thờ Côn Đảo ghi danh 2.284 liệt sĩ lên bia đá. Nhưng trên mảnh đất này, còn biết bao những người con ưu tú của dân tộc đã hóa thân vào cát bụi. Tất cả họ đã âm thầm dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho non sông Tổ quốc, xương máu của những người tù yêu nước đã thấm đẫm trên từng tấc đất Côn Đảo… Và ngoài biển khơi kia, còn có biết bao nhiêu người đã nằm lại nơi đáy đại dương sau những cuộc vượt ngục bất thành. Nhưng tất cả những gian khổ đó đã không khuất phục nổi ý chí, nghị lực và niềm tin của những con người chính nghĩa.
Sự hy sinh to lớn của bao thế hệ người tù Côn Đảo là những trang sử hào hùng của dân tộc bằng chính tình yêu quê hương đất nước. Khí phách kiên cường của những người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng đã biến “Hòn Đảo địa ngục” trở thành “Bản anh hùng ca” giữ nước của dân tộc.
“Máu hồng tỏa hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước
Người đang sống nhớ thương người đã khuất
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời
Những anh kiệt như ngàn sao sáng
Đời sau chiếu mãi giữa tim người.”
Với lòng biết ơn vô hạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nguyện cầu cho anh linh các anh hùng, liệt sĩ, chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước nghìn thu viên mãn nơi cõi vĩnh hằng và luôn phù hộ cho Tổ quốc ta, Dân tộc ta phát triển đi lên, văn minh, giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Sau Lễ giỗ, đoàn của các tỉnh, thành phố và bà con Nhân dân Côn Đảo tiếp tục dâng lễ, cung bái anh linh, dâng trọn lòng thành đến các bậc tiền nhân và các anh hùng liệt sĩ tại đền thờ theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức.
Nguồn: Baohungyen.vn