TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  03/05/2017     |  Lượt xem 2260   

Chủ tịch UBND huyện Trần Minh Hải trả lời phỏng vấn Đài Truyền thanh huyện nhân dịp 20 năm tái lập huyện (01.5.1997-01.5.2017)

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (01.5.1997-01.5.2017), đồng chí Trần Minh Hải – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã có những đánh giá về thành tựu, kết quả nổi bật trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà sau 20 năm. Đồng chí cũng bày tỏ niềm tin vào sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Phù Cừ ở chặng đường phía trước.
Sau đây, Trang thông tin điện tử huyện trân trọng đăng tải toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài huyện với đồng chí Chủ tịch UBND huyện:

- Phóng viên: Thưa đồng chí! Sau 20 năm tái lập, với sự đoàn kết, sáng tạo, đặc biệt là tinh thần vượt khó vươn lên, cán bộ và nhân dân Phù Cừ đã giành được những thành tựu và kết quả như thế nào?

- Đồng chí Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND huyện:

Nhìn lại chặng đường 20 năm sau ngày tái lập, huyện Phù Cừ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng chính quyền.

Về kinh tế: Tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 13,1%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 1997, tỷ trọng ngành CN, TTCN, XD chỉ đạt 10%, TMDV chiếm 20% trong cơ cấu kinh tế, thì đến năm 2016 tỷ trọng các ngành tương ứng là 34% và 39%. Giá trị thu trên 1 ha đất canh tác năm 2016 đạt trên 100 triệu đồng, tăng 6,7 lần so với năm 1997. Năm 1997 thu nhập bình quân đầu mới đạt 1,9 triệu đồng thì năm 2016 đã đạt gần 39 triệu đồng.

Về sản xuất nông nghịêp: Xác định nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của huyện; bằng nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt: chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, gieo cấy 100% diện tích lúa trà xuân muộn, tăng diện tích lúa chất lượng, cải tạo vườn tạp để trồng mới các giống cây đặc sản có giá trị kinh tế cao nh­ư nhãn, vải, cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn, cam Bố Hạ); chăn nuôi, thủy sản phát triển theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường; đặc biệt là việc hoàn thành dồn thửa đổi ruộng đã tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp quy mô lớn theo hướng cơ giới hóa và hiện đại hóa.

Công tác xây dựng nông thôn mới: Được các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc tích cực cùng với sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân, đến nay toàn huyện đã có 4/13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 2 xã cơ bản hoàn thiện 19 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 14-16 tiêu chí, bộ mặt nông thôn Phù Cừ ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Về sản xuất công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: Với cơ chế thu hút đầu tư thân thiện, thông thoáng và việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn 2011-2016 đã thu hút thêm 14 dự án đầu tư mới vào địa bàn huyện. Cùng với đó là việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn.

Về hệ thống đường giao thông: Nếu như năm 1997, hệ thống giao thông của huyện chỉ có 20% đường giao thông liên xã, liên thôn, được trải vật liệu cứng, đường huyện quản lý hầu như chưa được đầu tư, chủ yếu là đường đất và đường đá cấp phối lầy lội. Đến nay trên 95% đường huyện quản lý được trải nhựa; trên 80% đường giao thông liên xã, đường thôn xóm được trải vật liệu cứng; các tuyến đường Quốc lộ 38B, đường 202 (nay là đường 386), con đường huyết mạch của huyện tiếp tục được mở rộng đầu tư nâng cấp; bến đò La Tiến đã được thay thế bằng bến phà La Tiến; giao thông đối ngoại được mở rộng, tạo ra một tiềm năng mới và môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Về văn hóa, xã hội: Đến nay, toàn huyện đã có 93,8% phòng học ở các bậc học được kiên cố hóa; trang thiết bị, đồ dùng học tập thường xuyên được đầu tư; chất lượng giáo dục được nâng lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các bậc học cao; số học sinh giỏi các cấp, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. 100% giáo viên các bậc học đều đạt chuẩn và trên chuẩn; toàn huyện có 24/48 trường đạt chuẩn quốc gia.

Mạng lưới y tế huyện và cơ sở được nâng cấp đảm bảo cơ bản đáp ứng như cầu khám và chữa bệnh của nhân dân; Trung tâm Y tế huyện được chuyển về khu vực trung tâm huyện; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, trong đó có 12 Trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Các chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội, đạt hiệu quả tích cực. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,67% theo mức chuẩn mới. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa, uống nước, nhớ nguồn được quan tâm sâu sắc và đã trở thành nếp sống văn hóa, nghĩa cử cao đẹp của người Phù Cừ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Nếu như năm 1997, toàn huyện có 3 làng được công nhận làng văn hóa, đến năm 2015 toàn huyện có 54/54 làng được công nhận làng văn hóa, trên 95% số hộ đạt gia đình văn hóa.

Công tác quốc phòng, an ninh: Luôn được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, luôn đảm bảo tình hình trong tỉnh ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Phóng viên: Theo đồng chí, những kết quả nào, những thành tựu nào mà đồng chí cho là nổi bật nhất, ấn tượng nhất và tâm đắc nhất ?

- Đồng chí Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND huyện:

Trong những kết quả sau 20 năm tái lập huyện, bản thân tôi nhận thấy thành tựu nổi bật nhất, quan trọng nhất và ấn tượng nhất của huyện phải kể đến công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bắt tay vào thực hiệc xây dựng nông thôn mới, sau 6 năm thực hiện, 13 xã của huyện Phù Cừ từ 71/247 tiêu chí sẵn có, đến nay đã đạt 217/247 tiêu chí với tổng nguồn lực huy động cho công tác xây dựng nông thôn mới khoảng trên 920 tỷ đồng (trong đó vốn do nhân dân đóng góp trên 589 tỷ đồng); bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch, đẹp hơn; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ngày càng được hoàn thiện; kinh tế tiếp tục phát triển, số hộ khá và giàu ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường; người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền, yên tâm lao động sản xuất, chung tay với Đảng bộ huyện xây dựng huyện Phù Cừ ngày càng giàu đẹp, văn minh.

- Phóng viên: Để huyện nhà phát triển nhanh, bền vững và ngang bằng với các địa phương khác trong tỉnh, trong thời gian tới huyện đã đề ra mục tiêu cơ bản nào?

- Đồng chí Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND huyện:

Trong những năm tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân trong huyện có những thuận lợi hết sức cơ bản. Đó là, sự ổn định về chính trị và những kết quả đạt được trong những năm qua cùng với kinh nghiệm cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo của thời kỳ đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập huyện là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao. Xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững. Đối với phát triển kinh tế, mục tiêu đề ra hàng năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 12,5%, trong đó giá trị sản xuất: Nông nghiệp 4,5%, CN –TTCN – XD 16,5%; Thương mại dịch vụ 15,5%; đến năm 2020 Cơ cấu kinh tế NN – CNXD – TMDV là 25% - 37% - 38%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm; giá trị thu trên 1ha đất canh tác trên 100 triệu đồng; hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1% đến 1,5%.

- Phóng viên: Để hoàn thành các mục tiêu trên thì huyện có các giải pháp gì?

- Đồng chí Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND huyện:

Để đạt được các mụ c tiêu về phát triển kinh tế đã đề ra, Đảng bộ và nhân dân trong huyện cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong các kế hoạch thực hiện 3 Đề án, 6 chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 25. Trong đó 4 chương trình liên quan đến phát triển kinh tế:

Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động và các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái. Thực hiện quy hoạch xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh cây rau màu theo mô hình cánh đồng mẫu, chăn nuôi trang trại an toàn sinh học; khuyến khích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, phát triển ngành nghề với bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiếp nhận và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển nông nghiệp; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục đổi mới cơ cấu giống cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Bố trí cơ cấu giống phù hợp với điều kiện từng địa phương; phát triển nhanh chăn nuôi theo hướng hiệu quả an toàn tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, chăm sóc và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Thường xuyên củng cố hoạt đông và coi trọng việc đổi mới tổ chức, nội dung hoạt động của Hợp tác xã theo hướng kinh doanh tổng hợp. Đẩy mạnh thu hút khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh việc đưa cơ giới thay thế lao động thủ công.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện, nhất là các dự án công nghiệp chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, sản xuất tập trung, để thu hút và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, sử dụng có hiệu quả đất đai và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Coi trọng công tác đào tạo nghề mới, nâng cao trình độ sả xuất nghề hiện có cho người lao động.

Về phát triển thương mại, dịch vụ, tín dụng đầu tư: Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, giao lưu thương mại; Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn định hướng đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch và thực hiện xây dựng nông thôn mới; đầu tư, củng cố hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn. Mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút phát triển các loại hình kinh tế; khuyến khích tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tìm kiếm thị trường tiêu thu sản phẩm và đầu tư mới vào địa bàn.

Tăng cường quản lý, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn với các hoạt động tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn trong nhân dân, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, nhất là nông dân và các doanh nghiệp vay để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh và các đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của chính phủ.

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch. /. 

 

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7041457