Sáng 26/5, tại Nhà Quốc hội, thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật quy hoạch, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định thời kỳ quy hoạch tại Điều 8 của Dự thảo Luật còn nhiều bất cập, thiếu tính ổn định cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, các đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần nâng thời gian thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch dài hơn.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch Ảnh: Đình Nam |
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật quy hoạch. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 1, Phiên họp tháng 3 và Phiên họp tháng 4 năm 2017. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ còn có ý kiến khác với dự thảo Luật, chủ trì đối thoại liên bộ giữa Cơ quan soạn thảo với các Bộ hữu quan, làm việc riêng giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Dự thảo Luật đã được tiếp thu và sắp xếp lại bố cục cho hợp lý hơn gồm 6 Chương và 69 Điều.
Quy hoạch phụ thuộc lớn vào năng lực dự báo; các dự báo cho thời kỳ dài hơn 10 năm thường thiếu chính xác
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại cho rằng, quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và phải phù hợp với chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội hiện nay đang có thời kỳ là 10 năm. Quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch; tầm nhìn quy hoạch sẽ dài hơn từ 20- 50 năm nhằm đảm bảo cho việc xác định tính ổn định, tính kế thừa của quy hoạch, nhất là đối với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có tầm nhìn dài hơn để giảm thiểu tình trạng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường xuyên, nhiều lần, gây xáo trộn cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Quy hoạch phụ thuộc lớn vào năng lực dự báo. Hiện nay, do sự biến động tình hình phát triển kinh tế- xã hội cả trong nước và quốc tế nên dự báo thường chỉ chính xác cho thời kỳ 10 năm, các dự báo cho thời kỳ dài hơn thường thiếu chính xác. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật.
Theo đó, Điều 8 của Dự thảo Luật quy định:
1. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cho việc lập quy hoạch.
2. Thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm. Các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.
Nâng thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn để cập nhật với xu thế chung của quốc tế cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Quý- tỉnh Hưng Yên, tham khảo quy định của các nước trên thế giới cho thấy, thông thường tầm nhìn quy hoạch thường từ 20 năm đến 30 năm và tầm nhìn quy hoạch là 50 năm. Luật quy hoạch đô thị cũng đã quy định tầm nhìn đến 50 năm và thời hạn lập quy hoạch là từ 20 năm đến 25 năm, riêng thị trấn là từ 10 năm đến 15 năm.
|
ĐBQH Trần Văn Quý đề nghị điều chỉnh lại quy định về thời kỳ quy hoạch từ 10 năm lên 20 năm; tầm nhìn từ 20 năm lên 30 đến 50 năm |
Do vậy, để cập nhật với xu thế chung của quốc tế cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, đại biểu Trần Văn Quý đề nghị điều chỉnh lại thời kỳ quy hoạch từ 10 năm đến 20 năm thay vì quy định 10 năm như Dự thảo Luật. Tầm nhìn của chúng ta từ 30 năm đến 50 năm thay vì quy định dự thảo luật là 20 năm. Bên cạnh đó, tầm nhìn quy hoạch và thời kỳ quy hoạch phải đáp ứng với các cấp quy hoạch, cấp quy hoạch thấp hơn thì thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch ngắn hơn và độ co, do đó, các bước quy hoạch và các cấp quy hoạch có thể ngắn từ 3 năm đến 5 năm.
Đánh giá việc quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là chưa hợp lý, đại biểu Quốc hộ Trần Văn Tiến- tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đối với quy hoạch quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn, sẽ không ổn định cho phát triển lâu dài. Vì vậy, thời kỳ quy hoạch cần thống nhất cho từng cấp quy hoạch và mỗi cấp quy hoạch có thời kỳ liền kề nhau, hơn kém nhau 5 năm là hợp lý.
Đồng tình việc quy định như hiện nay trong Điều 8 là bất hợp lý, đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín- tỉnh Đắk Nông phân tích, thứ nhất, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia nên có thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn vì sau khi các quy hoạch cấp quốc gia được lập phê duyệt mới triển khai các quy hoạch của cấp tỉnh. Về thời kỳ quy hoạch ngắn có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch mới được phê duyệt thì quy hoạch quốc gia đã hết thời gian điều chỉnh.
|
ĐBQH Võ Đình Tín cho rằng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia nên có thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn |
Thứ hai, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch có giá trị áp dụng trên phạm vi cả nước, tất cả các quy hoạch từ trung ương đến địa phương phải phù hợp với quy hoạch này. Trong khi đó quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ có thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm thì không thể triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng thuộc quy hoạch ngành có tầm nhìn từ 30 đến 50 năm. Do đó, cần xem xét lại tính hợp lý của thời kỳ quy hoạch trong Dự thảo Luật vì quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược nên thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn phải lâu dài hơn.
Bên cạnh đó, cho ý kiến vào Điều 8 của Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt- tỉnh Gia Lai đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ Khoản 1, Điều 8 hoặc đưa về Điều 3 phần giải thích từ ngữ với lý do Khoản 1 này chỉ là khái niệm thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định làm cơ sở dự báo tính toán các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cho việc lập quy hoạch mà không chứa nội hàm, bản chất phải là định lượng. Đại biểu cũng đề nghị riêng quy hoạch quốc gia, ở một số lĩnh vực phải có tầm nhìn từ 50 năm đến 100 năm. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương- TP. Cần Thơ đề nghị có quy định về thời kỳ quy hoạch cho từng cấp quy hoạch cụ thể. Thời kỳ quy hoạch tổng thể quốc gia vùng phải dài hơn quy hoạch cấp tỉnh. Đại biểu Lê Công Đỉnh- tỉnh Long An đề nghị bổ sung từ "môi trường" vào sau "chỉ tiêu kinh tế - xã hội” trong Khoản 1, Điều 8 nhằm thể hiện đầy đủ hơn 3 trụ cột trong quá trình phát triển bền vững trong thực hiện triển khai quy hoạch.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội |
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thay mặt Ban soạn thảo,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời kỳ quy hoạch không thể xác định quá ngắn và không có một tầm nhìn dài hạn cho đất nước thì sẽ gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực, cũng như cơ hội cho phát triển. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội, cũng như tiếp thu ý kiến của các đại biểu theo hướng quy định dài hơn. Đồng thời điều chỉnh liền kề quy hoạch cấp dưới ít nhất khoảng 5 năm để có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.