TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  09/09/2019     |  Lượt xem 733   

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đời sống mới ở nông thôn hiện nay

Đỗ Xuân Tuyên

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

50 năm về trước (ngày 02/9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trước lúc đi xa, Người để lại Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và làm theo suốt đời.
Một trong những nội dung cốt lõi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Chính vì vậy, Người yêu cầu, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1946 - 1966, Người đã 10 lần về thăm Hưng Yên; viết 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân sinh sống, học tập, công tác, làm việc ở Hưng Yên có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động, học tập và rèn luyện. Tình cảm và sự quan tâm đó đã trở thành nguồn động lực to lớn, cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Hưng Yên trong các thời kỳ cách mạng.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng và những lời căn dặn của Người trong 10 lần về thăm, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hưng Yên luôn quán triệt, thực hiện tốt chủ trương “Xây dựng căn cứ trong lòng dân”, “Kháng chiến toàn dân”, đã huy động to lớn sức mạnh của toàn dân vào công cuộc kháng chiến, trở thành tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc bộ, được Bác khen và tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”, góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng nhân dân cả nước, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Hưng Yên nhanh chóng bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo, phát triển sản xuất, xây dựng nền văn hoá mới, đóng góp sức người, sức của để giải phóng miền Nam.
Trên mặt trận sản xuất, là tỉnh thuần nông, tuy nhiên quanh năm trên những cánh đồng lúc đó “chiêm khê, mùa úng”. Năng suất trên đồng ruộng rất thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh  nhiều lần về thăm, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên tích cực làm thủy lợi, phát triển sản xuất. Ngày 5.1.1958, Người về thăm, động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Người đi thăm nhân dân đang vét ngòi Triều Dương, xã Quốc Trị (nay là xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ) và dân công đào sông từ Phố Giác đến Chợ Thi. Người ân cần dặn dò: “Làm thủy lợi thì phải khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời”. Ngày 3.7.1958, Người về thăm Hưng Yên để cổ vũ, động viên truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần lao động cần cù của đồng bào và cán bộ Hưng Yên. Đồng thời, Người chỉ thị, phải tranh thủ kỳ được vụ mùa thắng lợi, phấn đấu đưa tỉnh nhà lên một tỉnh gương mẫu trong sự nghiệp đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người về thăm xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm), là xã có phong trào làm thủy lợi khá nhất huyện, Người dạy: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”...
Thực hiện sự chỉ đạo, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp cán bộ, đảng viên các thời kỳ tỉnh Hưng Yên đã hòa mình vào các phong trào, cuộc vận động lớn, nhất là các hoạt động tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã và phong trào đào mương chống hạn diễn ra sôi nổi. Trên khắp các địa phương, nhân dân Hưng Yên sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “vắt đất ra nước”, “thay trời làm mưa”. Toàn tỉnh như một công trường khổng lồ với nhiều công trình thủy lợi lớn như: Công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải; Công trình sông Điện Biên; Công trình dòng sông mang tên Bác... Chỉ sau một thời gian ngắn, hạn hán đã được đẩy lùi. Diện tích canh tác mở rộng, sản lượng lúa và hoa màu tăng nhanh. Từ một tỉnh còn thiếu đói, đến đầu những năm 1960, Hưng Yên không những đủ gạo ăn mà còn thừa thóc bán cho Nhà nước. Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và được Người tặng Cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất miền Bắc”. Liên tục trong 4 năm, từ năm 1961 - 1964, Hưng Yên đều được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng Cờ luân lưu “Làm thuỷ lợi khá nhất”. Nhiều cá nhân được Bác thưởng Huy hiệu của Người, điển hình là Anh hùng Lao động: Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ, Lê Thị Lục...
Cùng với phong trào “thủy lợi hóa”, quân và dân Hưng Yên đã phấn đấu đạt được nhiều thành tích to lớn trong phong trào “hợp tác hoá”, “bổ túc văn hoá”, “quân sự hoá”, góp phần vào thành công chung của phong trào “Tứ hoá”, nhằm phát triển toàn diện, nâng cao dân trí, tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ quê hương, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Sau gần 30 năm hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, ngày 1.1.1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, bước vào một giai đoạn phát triển mới. Khi mới tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của Hưng Yên còn thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp, giáo dục, y tế còn khó khăn, mức hưởng thụ của nhân dân trong các hoạt động xã hội, dịch vụ còn thấp… Tuy nhiên, với thuận lợi là một tỉnh có vị trí gần các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Hải Phòng…do vậy, Hưng Yên có điều kiện phát triển kinh tế, có thể chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đặc biệt phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của các thành phố. 
Thực hiện Di chúc và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên luôn đoàn kết, thống nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy mọi thuận lợi, nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng và phát triển tỉnh Hưng Yên toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong lĩnh vực kinh tế, công tác quy hoạch được Đảng bộ tỉnh quan tâm đi trước một bước, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tới quy hoạch chi tiết phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và đô thị, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, quy hoạch các công trình phúc lợi… Toàn tỉnh quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, báo cáo Trung ương tạo điều kiện về cơ chế để thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn; ưu tiên đầu tư cho các vùng kinh tế có khả năng phát triển nhanh như thành phố Hưng Yên, đô thị Phố Nối, các khu công nghiệp, các thị trấn, huyện lỵ, để tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, tập trung khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống; dồn điền đổi thửa, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa; phát triển du lịch tâm linh từ thế mạnh của vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội. Quan tâm thu hút nhân tài bằng các chính sách ưu đãi đối với những người có khả năng, trình độ về tỉnh công tác; đồng thời không ngừng đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Những chủ trương, định hướng này được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án của Tỉnh ủy qua từng nhiệm kỳ Đại hội.
Những chủ trương đúng đắn và hành động tích cực, bước đầu đã thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà có những bước tiến đáng phấn khởi: Tăng trưởng kinh tế nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1997, nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới 52%, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 20%, thương mại - dịch vụ chiếm 28% trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2018, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã chiếm 51,56%, thương mại - dịch vụ 37,86%, nông nghiệp - thủy sản còn 10,58%. Thu ngân sách năm 1997 đạt khoảng 82 tỷ đồng, năm 2018 đạt 13.168 tỷ đồng (gấp hơn 160 lần), đây là năm thứ 2 tỉnh Hưng Yên tự cân đối thu chi ngân sách nhà nước và có điều tiết một phần về Trung ương; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng (năm 1997 đạt 205 USD). Hiện tỉnh xây dựng và được chấp thuận 10 khu công nghiệp tập trung, với quy mô 2.481 ha, trong đó 4 khu đã đi vào hoạt động. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, thực hiện chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây có giá trị, hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 192 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội nhiều mặt có tiến bộ. Giáo dục và đào tạo được mở rộng về quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hưng Yên là tỉnh thứ 6 trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư phát triển; hoàn thiện hệ thống và mạng lưới y tế cả ở 3 tuyến tỉnh, huyện và xã. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh hoàn thành Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; hoàn thành trước 2 năm Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33-QĐ/TTg ngày 10.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh được đầu tư, xây dựng và hoàn thành đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, như: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hưng Yên, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 39; đường 200, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường đê tả sông Hồng giai đoạn I, Đường nối cao tốc Hà Nội- Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Cầu Yên Lệnh, Cầu Hưng Hà; đang thi công đường đê tả sông Luộc...; nhiều tuyến đường tỉnh, huyện được nâng cấp, mở rộng, đưa vào sử dụng; hoàn thành Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc... tạo ra thế và lực mới để Hưng Yên tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh Hưng Yên đã huy động mọi nguồn lực xã hội tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Một trong những giải pháp quan trọng, nổi bật và đem lại hiệu quả cao là trong quy hoạch sử dụng đất đã dành 3 ha đất ở mỗi xã, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, cùng với chủ trương xử lý đất dôi dư lấy vốn xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và đường ra đồng; hỗ trợ các xã làm tốt, sớm hoàn thành các tiêu chí… Với quyết tâm chính trị cao, đến nay, thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên, huyện Văn Giang, huyện Văn Lâm đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 141/145 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 97,2%, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 18,9 tiêu chí/xã; diện mạo nông thôn Hưng Yên có nhiều khởi sắc, khang trang - hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Trong xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Trung ương về văn hóa, phát huy truyền thống của quê hương văn hiến, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án… nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, như: ban hành Đề án xây dựng thiết chế văn hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020; Đề án phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 … Hàng năm, có kế hoạch cân đối tài chính và các nguồn ngân sách cho công tác phát triển văn hóa, phù hợp với mức tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là nơi  “khởi nguồn” phong trào xây dựng gia đình văn hóa của cả nước. Từ lúc toàn tỉnh có 6 gia đình văn hóa cũng là 6 gia đình văn hóa đầu tiên của cả nước, đến nay, toàn tỉnh có 355.205 gia đình (đạt 91%) đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 749 làng, khu phố văn hóa, đạt 88%.
Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-CTUBND, ngày 17/5/2018 về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh; ban hành Quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019-2022. Việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả. Đến nay, 100% thôn, làng và các khu dân cư xây dựng nghĩa trang nhân dân đồng bộ; số đám tang áp dụng hình thức điện táng, hỏa táng ngày một tăng; 100% các làng, khu phố văn hoá xây dựng hương ước, quy ước trong đó có nội dung về nếp sống văn hoá, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 100 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn độc lập (chiếm 62,1%); 672 nhà văn hoá thôn, khu phố độc lập (chiếm 78,9%). Dự kiến đến năm 2020, 100% huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có trung tâm văn hóa đạt chuẩn.
Công tác phát triển và tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được quan tâm đẩy mạnh, nhất là ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2000 câu lạc bộ thể thao hoạt động; số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 33%; số gia đình thể thao đạt 31%, có trên 2.500 câu lạc bộ, điểm, nhóm thể dục thể thao. Văn hóa đọc trong cộng đồng được chú trọng. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cấp xã được đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 10 thư viện huyện, thành phố; 04 thư viện xã; 788 thư viện, tủ sách cơ sở; 03 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Hạ tầng bưu chính viễn thông phát triển, bao phủ ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm; tỉnh đã tổ chức lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hưng Yên để nghiên cứu lưu trữ lâu dài.
50 năm đã qua, thực hiện Di chúc thiêng liêng và những lời căn dặn của Người trong 10 lần về thăm, với các giải pháp đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc, diện mạo nông thôn Hưng Yên có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hưng Yên nói chung, người dân ở nông thôn nói riêng được nâng lên rõ rệt. Để đạt được những thành tựu quan trọng đó, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn xác định: công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh, đến cơ sở trong sạch, vững mạnh luôn là nhiệm vụ then chốt; tăng cường đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội;  qua đó tạo sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong thực hiện Di chúc và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Đảng bộ Hưng Yên càng phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng đổi mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; trong đó, đặc biệt chú trọng một số nội dung sau:
Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 3 khâu đột phá Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, trong đó, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở quy hoạch, xác định những mục tiêu, lợi thế của từng vùng, từng lĩnh vực để đầu tư phát triển phù hợp; sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng cho sát hợp với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hướng về cơ sở, tăng cường giám sát, phản biện xã hội, phát huy được sức mạnh và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính minh bạch, trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trang bị kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trọng tâm là nâng cao trình độ nhận thức lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Mở rộng dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội để động viên và phát huy hết tiềm năng trí tuệ, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.
Với niềm tự hào là quê hương Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và những thành tựu, kết quả của công cuộc Đổi mới; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nhanh kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo nền tảng để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp giàu đẹp, văn minh.
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4593603