TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  28/08/2024     |  Lượt xem 31   

Để văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ngày 27/8, lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị văn hóa với quy mô lớn tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh và kết nối trực tuyến 10 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân, những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh… Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay. Từ đó, đề ra các giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên thời kỳ mới.

 

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách tại hội nghị văn hoá

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách tại hội nghị văn hoá

Với mục tiêu đánh giá toàn diện có chiều sâu giá trị văn hóa của vùng đất Hưng Yên văn hiến và cách mạng, từ đó tiếp tục có giải pháp bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế, xã hội, hội nghị nhận được 35 tham luận của các nhà khoa học, nhà sử học, nhà quản lý văn hoá, các ngành, địa phương… Nội dung trọng tâm xuyên suốt trong ý kiến tham luận của các đại biểu là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa; trân trọng, tự hào về các giá trị văn hoá, lịch sử của đất và người Hưng Yên, cũng như nhận diện các tiềm năng, cơ hội, thách thức đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hưng Yên trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp nhằm đưa văn hoá trở thành động lực phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội. Từ góc độ nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt. Lịch sử dân tộc còn ghi lại công lao của những người con quê hương Hưng Yên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Truyền thống quê hương Hưng Yên đã hun đúc, sản sinh ra những nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc. Hưng Yên cũng là mảnh đất phong phú, đa dạng các làng nghề, điều này phản ánh tinh thần cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động của người Hưng Yên. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Hậu cho rằng, để tiếp tục phát huy các giá trị vô cùng quý báu đó, tỉnh Hưng Yên cần lưu ý phát triển văn hóa, con người phải được đặt trong tổng thể phát triển bền vững của tỉnh. Xây dựng văn hóa phải luôn song hành với phát triển con người. Con người là chủ thể của văn hóa nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa, chịu sự quy định của những truyền thống, giá trị văn hóa…

Đến với hội nghị, các đại biểu đồng quan điểm khẳng định vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa; đồng thời, “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới. Là người có “duyên nợ” với văn hóa Hưng Yên, nhà văn, nhà báo Nguyễn Phúc Lai, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) luôn “đau đáu” với văn hóa Hưng Yên. Ông dày công tìm tòi và nhiều bài viết nghiên cứu có chiều sâu về văn hóa Hưng Yên. Ông cho rằng, trong những năm qua văn hóa Hưng Yên đã thổi luồng sinh khí mới vào các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, văn hóa Hưng Yên chưa có những điểm nổi trội mang tính chất thương hiệu. Theo ông, văn hóa Hưng Yên có bản sắc riêng, đặc biệt và hiếm có. Đó là khu vực xã Mễ Sở (Văn Giang), các xã Dạ Trạch, Bình Minh (Khoái Châu) với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một truyền thuyết độc đáo, tuy cũ nhưng luôn mới, tính nhân văn cao cả, sự hiếu đễ và tình yêu thủy chung, trong sáng gợi nhiều sự sáng tạo về văn hóa. Đó là ngã ba sông Tuần Vường, tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), nơi giao nhau giữa 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình… Những giá trị văn hóa đó cần có cái nhìn sắc sảo và được khai thác một cách nhiệt tâm. Yếu tố quan trọng nữa là giữ gìn được cảnh quan làng quê, bởi đó là một nội dung văn hóa của địa phương mà người ở lại gắn bó, người đi xa nhớ về và hấp dẫn người nơi khác tới như làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm). Là những lễ tiết, thuần phong, mĩ tục, tình làng nghĩa xóm đang tồn tại chính trong đời sống thường nhật mà chính người dân chất phác là chủ nhân lưu giữ, bảo tồn qua ngàn đời. Ông hy vọng, sau hội nghị văn hóa của tỉnh, các giải pháp cụ thể sẽ được triển khai với sự công phu, sâu sắc để thực sự bảo tồn, khơi dậy và phát huy được giá trị văn hóa rất đặc biệt của vùng đất Hưng Yên văn hiến. 

Ở góc độ quản lý nhà nước về văn hoá, đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch khẳng định, sau 27 năm tái lập, văn hoá, con người Hưng Yên không ngừng phát triển, song vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ cơ sở vật chất văn hoá - thể thao, giao lưu - hợp tác quốc tế về văn hoá và thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hoá… Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu với tỉnh cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Tập trung bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết trong lĩnh vực văn hóa; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống con người hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ; xây dựng môi trường, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Toàn cảnh hội nghị văn hoá tại điểm cầu thị xã Mỹ Hào

Toàn cảnh hội nghị văn hoá tại điểm cầu thị xã Mỹ Hào

Là đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Ân Thi, anh Nguyễn Thanh Hà, công chức văn hóa - xã hội xã Cẩm Ninh (Ân Thi) chia sẻ: Tôi cảm nhận được sự quan tâm của tỉnh đối với sự nghiệp văn hoá. Qua đây chúng tôi ý thức được trách nhiệm cao hơn trong công tác quản lý văn hóa ở địa phương. Những ý kiến tại hội nghị giúp chúng tôi thực hiện tốt hơn công tác quản lý văn hóa ở cơ sở. 

Một ý nghĩa rất quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024 là để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các tầng lớp cán bộ, đảng viên, Nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương của Đảng, hiện thực hoá di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời, văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đây cũng là dịp cổ vũ, động viên các nhà quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động, không ngừng sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và trước yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.

Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên thời kỳ mới đang đứng trước thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi một tâm thế, tầm nhìn, khát vọng phát triển mới và quyết tâm mạnh mẽ. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng tỉnh Hưng Yên, tiếp tục chủ động, sáng tạo xây dựng thành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để chấn hưng và phát triển văn hoá Hưng Yên. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thay mặt Đảng bộ, Nhân dân Hưng Yên khẳng định quyết tâm đoàn kết, phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sớm đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa; phát huy đầy đủ giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng.

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 6786948