Khởi công xây dựng Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào bị giặc Pháp giết hại tại cây đa La Tiến - xã Nguyên Hòa
(Ngày 26/10/2009)
Sau thành công của cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945, nước việt nam dân chủ cộng hoà ra đời là bước ngoặt vĩ đại đưa nước ta vào kỷ nguyên mới. Điên cuồng trước thắng lợi đó của quân và dân ta, thực dân pháp không che dấu ý đồ đen tối cướp đất nước ta một lần nữa, mượn cớ quân đồng minh vào tước khí giới của quân đội nhật dưới sự che trở của quân Tàu Tưởng và quân Anh chúng đơn phương xoá bỏ các hiệp định đã ký với chính phủ ta đánh chiếm vào các công sở của ta cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tổ quốc lâm nguy đêm 19-12-1946 Hồ chủ Tịch thay mặt Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cuộc kháng chiến của quân và dân cả nước bước vào thời kỳ mới.
Trước khí thế tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, chúng liên tiếp bị thất bại trên khắp các mặt trận từ năm 1946 đến năm 1947, đặc biệt trong chiến dịch Thu Đông năm 1948. năm 1949, thực dân Pháp cử Tướng Rơve sang Đông Dương, đề ra kế hoạch mang tên mình gồm 5 điểm, coi Bắc Bộ là chiến trường chính mở rộng phạm vi chiếm đồng bằng bắc bộ và trung du, bao vây Việt Bắc, phong tỏa biên giới Việt Trung và; đồng thời thực hiện mục tiêu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt. Hưng Yên là trọng điểm điển hình thực hiện âm mưu thâm độc ấy. Trong 2 ngày 22 và 23/12/1949, thực dân Pháp đánh chiếm ồ ạt các vị trí trọng yếu trên đường 39A, 39B, ven sông Hồng, sông Luộc để bao vây kháng chiến. Huyện Phù Cừ nằm trong trọng điểm của chiến dịch càn quét lớn của địch. Ngày 24/12/1949, cánh quân đường thuỷ của địch từ thị xã Hưng Yên sử dụng ca nô, tầu chiến đổ bộ lên La Tiến, xã Nguyên Hòa, chiếm đóng vị trí quan trọng này, án ngữ con đường huyết mạch di chuyển của lực lượng kháng chiến và bộ đội chủ lực ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng.
Sơ đồ trận đánh bốt La Tiến ngày 31/1/1954
Ngay từ buổi đầu chiếm đóng và lập bốt tại La Tiến, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo, người dân La Tiến phải đối mặt trực tiếp với quân thù, chịu đựng bao đau thương, mất mát. Người tàn tật, già yếu không kịp chạy tản cư bị chúng ném xuống sông Luộc. Một số nữ du kích tham gia công tác giao liên địch vận, không may sa vào tay địch, chúng đem về bốt tra tấn bằng những cực hình hết sức dã man và giết hại từ đầu năm 1950 như các chị Đinh Thị Nhẹn, Phạm Thị Tị, Đinh Thị Mùi (ở La Tiến). Đêm nào trong bốt La Tiến cũng diễn ra cảnh máu chảy, đầu rơi, Bốt La Tiến trở thành “Lò cắt tiết, cối xay người” của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Chúng sục sạo bắt dân đi phu xây bốt, đắp đường giao thông quân sự, khuân vác dụng cụ, phương tiện phục vụ quân lính đi càn quét. Chúng thúc ép lập tề, lập ra “Ban hương chủ” để cai quản dân, làm chỗ dựa cho chúng bắt phu, vơ vét lúa gạo, của cải. Từ bốt La Tiến, bọn địch còn càn quét, bao vây các thôn, xã vùng lân cận, thẳng tay bắn giết, đốt phá và cướp bóc. Chúng bắt hàng trăm người dân trong vùng mà chúng cho là Việt Minh, du kích đem về bốt La Tiến tra tấn dã man và sát hại bằng những hình thức thời trung cổ ngay tại cây Đa La Tiến này như: treo người lên cây đa cắt tiết, mổ bụng, moi gan, dùng kìm nhổ móng tay, chặt tay, chân làm đau đớn đến tột cùng rồi mới giết và thả xác trôi sông.
Chỉ trong 4 năm chiếm đóng tại đây (1950 - 1953), thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã giết hại 1.145 chiến sỹ cách mạng, đồng chí, và đồng bào yêu nước của ta. Trong đó có nữ anh hùng liệt sỹ Trần Thị Khang là huyện uỷ viên, bí thư Phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ, chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân.
68 năm (1954 - 2022) đã trôi qua, kể từ khi bốt La Tiến bị tiêu diệt song trong mỗi chúng ta không thể nào quên được những năm tháng đấu tranh anh dũng của Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Cừ; tinh thần anh dũng chiến đấu, sẵn sàng “vì nước quên thân” của các chiến sỹ cách mạng, đồng chí, đồng bào ta trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; hơn 1 nghìn đồng chí, đồng bào ta anh dũng hy sinh tại nơi đây mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo; chúng ta lại càng không thể quên được những tội ác vô cùng man rợ của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai trong thời gian chúng chiếm đóng và lập bốt La Tiến; Cây đa La Tiến trở thành chứng tích khắc ghi tội ác của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trong giờ phút trang nghiêm này chúng ta thành kính, nghiêng mình trước “anh linh” của các chiến sỹ cách mạng, đồng chí và đồng bào đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.
Sau hòa bình lập lại, năm 1956 thể theo nguyện vọng của đảng bộ và nhân dân xã Nguyên Hòa nói riêng, đảng bộ và nhân dân trong huyện nói chung, “Bia căm thù” được xây dựng ngay dưới cây đa, cạnh bến đò La Tiến để ghi nhớ công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ cách mạng, tưởng nhớ đồng chí, đồng bào bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại; đồng thời khắc ghi tội ác man rợ của kẻ thù.
Đến năm 1972, khi thực hiện dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở xã Đình Cao, khu vực cây đa và bến đò La Tiến được xây dựng bến cảng vận chuyển các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho khoan thăm dò dầu khí và phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương nên bia căm thù bị phá dỡ. Đến năm 1984, theo nguyện vọng thiết tha của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, “Bia căm thù” đã được khôi phục lại.
Bia căm thù trước khi được xây dựng mới
Trải qua thời gian, “Bia căm thù” bị xuống cấp; mặt khác quy mô di tích chưa tương xứng với giá trị lịch sử. Sau ngày tái lập huyện, với bộn bề công việc cần làm; sau khi khánh thành đền thờ các anh hùng liệt sỹ, Huyện uỷ-HĐND-UBND huyện có chủ trương tu sửa, nâng cấp tôn tạo khu di tích và đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện.
Trong quá trình chuẩn bị hoàn thiện các bước của dự án, qua giới thiệu của Tiến sỹ Nguyễn Thế Bình- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Phù Cừ đã nhận được sự quan tâm đầu tư, tài trợ nguồn kinh phí và trực tiếp thi công dự án của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội …. Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng mới Đền La Tiến gồm phần xây dựng cơ bản các đồ thờ tự, nội thất, nơi thờ cúng bác Hồ và các vong linh hồn cán bộ chiến sỹ và đồng bào đã anh dũng hy sinh tạo nơi đây; tu bổ, tôn tạo bia “căm thù”; kè bờ sông, vượt lập xung quanh khu vực cây đa, lát gạch sân, xây tường rào và công trình vệ sinh. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2009 đến tháng 5/2010, các hạng mục công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng bảo đảm đúng tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng, được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Trong đó có 2 hạng mục quan trọng là Đền La Tiến và Bia “căm thù”: Đền La Tiến được thiết kế xây mới từ móng đến mái theo kiểu kiến trúc truyền thống và hiện đại, bằng vật liệu xi măng cốt thép, theo kết cấu truyền thống hình chữ đinh, gồm 3 gian. Bia “căm thù” được trùng tu tôn tạo trên cốt bia cũ, 04 mặt được ốp nát đá tự nhiên, tạo thế uy nghi, vững chắc; với tổng mức kinh phí đầu tư là 1 tỷ 875 triệu đồng.
Sau khi nhà tài trợ hoàn thành công trình, xét thấy nếu vẫn để chợ La Tiến họp xung quanh khu di tích sẽ không đảm bảo, Huyện ủy, UBND huyện quyết định thống nhất cùng UBND xã Nguyên Hòa di rời chợ la Tiến đến một địa điểm mới với kinh phí dự kiến 810 triệu đồng (chưa tính đất) để dành toàn bộ khuôn viên cho khu di tích, chỉ đạo lập dự án đầu tư tiếp giai đoạn 2 toàn bộ khuôn viên còn lại với số tiền dự kiến là 480 triệu đồng.
Sau hơn 8 tháng thi công với tinh thần tích cực, khẩn trương, bằng tấm lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng và đồng bào bị giặc Pháp giết hại, dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích bia cây đa La Tiến” đã hoàn thành đảm bảo tiến độ thời gian và các yêu cầu đề ra.
Trong quá trình hoàn thiện, huyện đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Giáo sư –anh hùng lao động Vũ Khiêu, ông Vũ Tiến Kỳ- Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên để có được chữ ghi ở các đại tự, câu đối tại đền; nhận được sự đóng góp, tài trợ của: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Phù Cừ với 19 ghế ngồi xung quanh di tích; công ty thẩm mỹ viện Hoài Anh ở 201 phố Chùa Láng, Hà Nội cúng tiến 2 đôi nghê và 3 cột đèn cao áp. Ban quản lý khu di tích cũng nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong vùng cũng như khách thập phương với tổng số tiền cung tiến trên 100 triệu đồng;
Công trình càng có ý nghĩa hơn khi khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, thể hiện tri ân và tôn vinh công lao đóng góp to lớn của các chiến sỹ cách mạng, đồng chí, đồng bào ta bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại nơi đây.
Nhằm phát huy và bảo vệ các giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong huyện, đặc biệt là Đảng ủy – UBND xã Nguyên Hòa tiếp tục quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy, bảo tồn di tích, mọi người dân trong huyện nói chung, nhân dân thôn La Tiến và nhân dân quanh khu di tích nói riêng phải thấy đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để khu di tích cây đa La Tiến trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân, là nơi giáo dục đạo lý truyền thống yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để quản lý, sử dụng các công trình có hiệu quả, đề nghị UBND xã Nguyên Hòa thành lập Ban quản lý, xây dựng quy chế hoạt động và quản lý đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các tướng lĩnh quê hương Hưng Yên về dâng hương tại Đền thờ và cây đa La Tiến
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã và đang dần khép lại quá khứ đau thương, đoàn kết một lòng hướng tới tương lai, cùng nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu đáng phấn khởi trên các mặt công tác. Kinh tế xã hội của huyện có bước phát triển ổn định và vững chắc, đời sống của nhân dân trong huyện không ngừng được cải thiện và nâng lên rõ rệt, bộ mặt quê hương Phù Cừ có nhiều thay đổi, diện mạo về một nông thôn mới đang dần hiện ra rõ nét hơn.
Chiến tranh đã lùi xa, dù lớp bụi thời gian làm phai mờ nhiều sự kiện, song những chiến công vang dội, sự hy sinh anh dũng, to lớn của các bác, các anh, các chị và các đồng chí sẽ còn mãi khắc ghi trong lòng các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Phù Cừ. Đền thờ đã được xây dựng, “đài tưởng niệm’ còn đó, sừng sững, hiên ngang như khí phách của những người cộng sản. Mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các chiến sỹ cách mạng, đồng chí, đồng bào ta bị giết hại nơi đây. Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ nguyện hứa sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Vũ Văn Thiện- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy