Để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến công tác Dân vận. Phát động thi đua dân vận khéo gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Tích cực chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình. Đồng thời, gắn việc xây dựng mô hình với phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức lan lỏa mạnh mẽ trong Nhân dân. Nhờ vậy, đến năm 2021, trên tất cả các lĩnh vực, toàn huyện đã có 219 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Phù Cừ là huyện nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên, có hơn 6.600ha đất nông nghiệp, nông dân trong huyện đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị cao, như: vùng trồng cây vải lai chín sớm, vùng trồng cây vải trứng, vùng trồng cây có múi và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa trong nhà lưới)… toàn huyện trồng được hơn 900ha vải; trong đó, có hơn 700ha vải lai chín sớm; gần 180ha vải trứng. Trong đó xã Tam Đa là một trong những địa phương tiêu biểu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong các phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng Nông thôn mới. Lãnh đạo tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc dồn thửa, đổi ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân về kinh tế nông nghiệp, thực hiện các quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, thành lập các mô hình hợp tác xã, tạo liên kết trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Điển hình là 2 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm (đã được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất vải theo quy trình VietGAP) gồm: HTX Nông nghiệp Thắng Lợi thực hiện mô hình liên kết giữa các hộ trồng vải lai chín sớm có tổng diện tích khoảng 70 ha, với sự tham gia của 500 thành viên, tiêu thụ sản phẩm dựa trên hợp đồng liên kết ổn định và HTX nông nghiệp Ngũ Phúc thực hiện mô hình liên kết giữa các hộ trồng cam có tổng diện tích là 21 ha với 144 hộ tham gia… Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu chứng nhận vải lai chín sớm Phù Cừ; vải lai chín sớm Phù Cừ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
Cùng với các địa phương trong huyện tích cực triển khai các phong trào thi đua “Dân vận khéo” chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Phan Sào Nam đã có trên 200 hộ trồng Vải Trứng với khoảng 78ha, tập trung chủ yếu ở thôn Ba Đông. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng năm nay ước đạt từ 20 - 25 tấn. Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa, rau màu, cây ăn quả khác kém hiệu quả sang trồng vải trứng. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng quy trình chăm sóc, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong xã để nâng cao năng suất, chất lượng vải trứng... Vải trứng là giống vải đặc sản của địa phương với mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2 - 3 lần so với vải lai chín sớm. Huyện Phù Cừ đã có kế hoạch mở rộng thêm 85,4ha vải trứng, tập trung ở các xã: Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng, Đoàn Đào, Minh Hoàng, thị trấn Trần Cao để phát triển diện tích cây vải trứng theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Năm 2020, tỉnh đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên” cho sản phẩm vải trứng của tỉnh. Điều này góp phần quảng bá, giới thiệu phát triển sản phẩm vải trứng Hưng Yên được thuận lợi, tạo tiền đề cho quả vải trứng Hưng Yên phát triển đúng với tiềm năng và thế mạnh. Năm 2021, toàn huyện Phù Cừ có trên 179 ha trồng vải trứng, sản lượng ước thu khoảng 57,4 tấn. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Phù Cừ đã quan tâm, hỗ trợ các địa phương tổ chức lại sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới. Một số HTX nông nghiệp đã thu hút nhiều thành viên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa sâu rộng và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Với những cách làm và kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Những kết quả đạt được từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Phù Cừ đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đến năm 2019 huyện Phù Cừ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba và Thủ Tướng Chính phủ tặng Bằng công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.
Vũ Mạnh Tuyển - Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ