Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ
Dự hội nghị, đại biểu tỉnh có đồng chí Trần Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương, đồng chí Nguyễn Văn Kình -Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên. Đại biểu huyện có đồng chí Nguyễn Khả Phúc – Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Vũ Xuân Thuỷ -UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện. Dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, các đồng chí là thủ trưởng các phòng, ban ngành đoàn thể huyện, các đồng chí bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến, đại diện các Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chủ trang trại, nhà vườn sản xuất lớn, các đầu mối thu mua lớn đến tiêu thụ nông sản ở địa phương. Các đại biểu đại diện các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo khái quát tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Phù Cừ. Theo báo cáo, Phù Cừ không chỉ phát triển được nhiều loại cây trồng cho năng suất, chất lượng mà còn có nhiều tiềm năng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Tổng diện tích chuyển đổi toàn huyện đạt 2.948ha. Trong đó, diện tích vải trứng và vải lai chín sớm là 955,3ha, Cụ thể, vải lai chín sớm là 753,3ha, vải trứng 220ha. Ngoài ra là một số loại cây trồng khác như nhãn, cây có múi,…Những năm gần đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được đẩy mạnh. Về hoạt động hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện cũng luôn được quan tâm. Các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện đều được hỗ trợ ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap và hỗ trợ chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap đối với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đồng thời đều có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu qua các hội chợ kết nối, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh thành, các sản phẩm nông sản chủ lực được cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp trên các sàn giao dịch điện tử, cổng thông tin điện tử, trên các trang mạng xã hội.
Các đại biểu đã cùng nhau đi thăm quan khu vực trồng vải tập trung của xã Tam Đa.
Đối với sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2016, được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Loại vải này có đặc điểm cho thu hoạch sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 15 đến 20 ngày, với trọng lượng trung bình khoảng 25 – 30 quả/kg. Năm nay dự kiến thu hoạch rộ vào thời điểm cuối tháng 5.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công thương đã đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện và xã trong việc chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích trồng và chăm sóc vải theo tiêu chuẩn Vietgap; Các hộ dân tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra nông sản sạch, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa tới công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồng thời có sự chuyên nghiệp hơn trong việc tiêu thụ nông sản.
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị các hộ trồng vải cần đặc biệt chú ý đến việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học và phải đảm bảo thời gian cách ly để không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong quả vải trước khi đưa ra thị trường, xuất khẩu. Đồng thời đề nghị các cấp hỗ trợ việc test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ để thực hiện việc sơ chế ngay tại địa phương trước khi đưa đi xuất khẩu.
Tại hội nghị, một số siêu thị, các doanh nghiệp trong nước và các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ.
Phan Nguyệt