TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  06/01/2022     |  Lượt xem 535   

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Ngày 5.1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí  Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. 


Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 

Các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhất là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.


Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu phát biểu tập trung vào những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh; nêu rõ những mô hình hay, cách làm tốt; tập trung bàn về phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được sự đột phá, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022.


Hội nghị đã nghe báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; báo cáo về các dự  thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.


Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố bất lợi do dịch Covid-19.…


Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình, tạo đột phá về bao phủ vắc xin, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.


Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84% so với năm trước; các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế tăng 2,58%. Thu ngân sách nhà nước cả năm vượt dự toán 16,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng 9,2%...


Năm 2022, bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 171 nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ cũng xây dựng Nghị quyết, tập trung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 nhằm nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh…


Tại tỉnh Hưng Yên, năm 2021, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,52%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5.167 triệu USD, đạt 107,6% kế hoạch. Tổng thu ngân sách đến hết ngày 31.12.2021 là hơn 19 nghìn tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%... Năm 2022, tỉnh phấn đấu: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 95 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025); kim ngạch xuất khẩu đạt 5.600 triệu USD; thu ngân sách đạt hơn 19,5 nghìn tỷ đồng...


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, Nhân dân cả nước về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình dịch Covid-19, đặc biệt là nguy cơ, biến chủng mới. Triển khai hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng ngay từ đầu năm 2022. Tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin, bảo đảm đủ vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tự giác trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác…


Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển hướng các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Quan tâm hơn phát triển văn hóa, hài hòa với phát triển xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, chủ động tích cực với các đối tác, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết… Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức…


Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch bệnh. Tiếp tục xây dựng và hoàn hiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7002056