TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  18/05/2018     |  Lượt xem 1055   

Hội Nông dân huyện Phù Cừ: Phát huy vai trò, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp

Những năm gần đây, mặc dù giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, song sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Cừ đã cơ bản vượt qua những khó khăn bước đầu, định hình theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Tham gia vào quá trình đó có sự đóng góp tích cực của các cấp hội nông dân trong huyện.

Năm 2017, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện đạt 977 tỷ đồng. Tổng quan bức tranh sản xuất nông nghiệp là khá sinh động, phát triển hài hòa, cân đối giữa Trồng trọt- Chăn nuôi, thủy sản- Kinh tế trang trại, trong đó: Sản xuất lúa và vụ đông hướng đến mục tiêu chất lượng, hiệu quả nhờ sử dụng bộ giống lúa chất lượng hàng hóa, các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế, thị trường đầu ra ổn định, đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên đã cơ bản giảm tránh được thất thoát, thiệt hại, tăng năng suất, hiệu quả và giá trị. (Năm 2017, giá trị thu từ sản xuất lúa đạt 284,3 tỷ đồng; vụ đông đạt 40,3 tỷ đ). Những tháng cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017, mặc dù gặp bất lợi trong chăn nuôi, song được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và các cơ quan chức năng; sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các biện pháp tháo gỡ nên chăn nuôi của huyện đã nhanh chóng phục hồi và phát triển ổn định, giá trị thu từ chăn nuôi, thủy sản năm 2017 đạt 301 tỷ đồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương; xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hàng hóa mới, một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo cho sản phẩm nông nghiệp có sự đa dạng, chất lượng, giá trị, hiệu quả được nâng lên, góp phần tăng nhanh giá trị thu/ha canh. Đặc biệt, năm 2016 nhãn hiệu “Vải lai chín sớm Phù Cừ” được chứng nhận, đã tạo một “cú hích” lớn, mở ra hướng đi mới, tích cực cho sự phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của huyện, giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Vượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cừ cho biết, tích cực tham gia vào bức tranh sản xuất nông nghiệp đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp hội nông dân trong huyện làm tốt các nhiệm vụ công tác hội và sáng tạo trong tổ chức các phong trào nông dân. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là phong trào trọng tâm. Qua thực hiện phong trào đã động viên cán bộ, hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, khơi dậy các lợi thế, tiềm năng, làm giàu cho gia đình và xã hội. Tổng kết nhiệm kỳ 2013-2018, tuy phát triển sản xuất kinh doanh gặp khá nhiều khó khăn, song số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp vẫn tăng đáng kể, trong đó năm 2017 toàn huyện có 6.417 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 151 hộ so với đầu nhiệm kỳ; có 132 hộ nông dân thoát nghèo. Song song với tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấphội nông dân trong huyện đẩy mạnh Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, như: Chuyển giao KHKT; xây dựng các mô hình điểm; cung ứng vật tư, phân bón bảo đảm chất lượng; hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ thông tin, xây dựng, quản lý nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ vay vốn... Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2013 - 2018 Hội nông dân huyện đã xây dựng 19 mô hình điểm tại các địa phương, trong đó thành công của các mô hình: Thâm canh cây có múi (Năm 2013 ở xã Tam Đa); mô hình thâm canh cây vụ đông (Bí đỏ lai F1, năm 2015 ở xã Đoàn Đào); mô hình Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, chăm sóc tăng ra hoa đậu quả, tăng năng suất, chất lượng, màu sắc mẫu mã quả vai lai chín sớm (Năm 2016 ở các xã Tam Đa, Minh Tiến); mô hình Cánh đồng mẫu Nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất lúa Bắc thơm số 7 (Vụ mùa năm 2017 ở xã Đoàn Đào); mô hình Nâng cao năng suất, hiệu quả thâm canh lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá (10 ha ở xã Đình Cao)... không những tăng thu nhập cho các hộ nông dân, mà còn đem lại cho nông dân sự nhìn nhận mới về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mối quan hệ hợp tác, gắn kết nhau trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.  

Thát huy thế mạnh của địa phương, hiện nay huyện Phù Cừ có khoảng 500ha trồng vải, chủ yếu là giống “Vải lai chín sớm Phù Cừ” và vải lai trứng. Thời điểm này, nông dân huyện Phù Cừ đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải. Bà Nguyễn Thị Minh, hội viên nông dân ở xã Tam Đa cho biết, năm 2017 với 100 cây vải, gia đình bà thu được 6 tấn quả, bán với giá bình quân 20 nghìn đồng/kg. Năm nay năng suất, sản lượng khả năng đạt tương đương, thậm chí cao hơn nhờ trình độ thâm canh đã được nâng lên. Qua tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp của hội nông dân và các ngành chức năng của huyện, gia đình bà đã biết chăm bón cây vải sao cho đúng cách, nhất là kỹ thuật chống sâu đầu cho quả vải; sử dụng thuốc bảo vệ đúng cách để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn là nhận thức được nâng lên nên bà con nông dân tuyên truyền cho nhau thực hành sản xuất tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ nhãn hiệu “Vải lai chín sớm Phù Cừ” đã được chứng nhận...

Mô hình Cánh đồng mẫu Nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất lúa Bắc thơm số 7 có quy mô 70 mẫu (khoảng 25,2ha) ở thôn Long Cầu, xã Đoàn Đào được Hội Nông dân huyện hỗ trợ xây dựng từ năm 2017 với 15 hộ nông dân tham gia, dồn ruộng, cấy cùng 1 khu, sử dụng 1 loại giống và cùng loại phân bón. Đồng chí Lê Quang Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Đào cho biết, sau thời gian làm điểm, hiện nay mô hình này vẫn được tiếp tục duy trì. Hiệu quả của mô hình này là khi nông dân cấy cùng trà, sử dụng cùng loại giống, cùng loại phân bón giúp giảm sâu bệnh, năng suất lúa đạt khoảng 1,8 tạ đến 2 tạ/sào; chất lượng gạo được nâng lên giúp nâng cao thu nhập cho nông dân; hiệu quả sản xuất cao hơn so với lúa sản xuất ngoài mô hình từ 17% đến 20%.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, tiếp tục xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là trọng tâm, các cấp hội tuyên truyền tới nông dân bám sát nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chương trình phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020; vận động các hộ nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, vùng sản xuất hàng hóa; tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tích tụ ruộng đất; hướng nông dân vào thực hiện  ký kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các cấp hội tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt vai trò là đại diện chủ thể của phát triển nông nghiệp, nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn...

Đức Hùng

                         


 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4605534