Tại lớp tập huấn, đồng chí Nguyễn Xuân Vượng, HUV, Chủ tịch Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn quy trình sản xuất giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 tới các hộ gia đình tham gia mô hình cánh đồng mẫu thâm canh chăm sóc nâng cao chất lượng, năng xuất lúa Bắc thơm số 7 nguyên chủng với diện tích 25 ha tại thôn Long Cầu, xã Đoàn Đào.
I. Giới thiệu về giống lúa Bắc thơm số 7
1. Nguồn gốc:
Bắc thơm số 7 là giống lúa thơm chất lượng cao có nguồn gốc từ Trung quốc, được nhập nội vào Việt nam tự 1992.
2. Đặc điểm:
Là giống lúa cảm ôn, nên có thể gieo cấy được cả 02 vụ. Thời gian sinh trưởng: vụ xuân 130-135 ngày; Vụ mùa 105-110 ngày.
Cây cao 90-95cm; đẻ nhánh khá, hạt thóc thon nhỏ, có màu vàng sậm (đặc tính đặc trưng của các giống lúa chất lượng cao); trọng lượng 1.000 hạt từ 19-20gr;
Khả năng chống chịu: Bắc thơm 7 chịu rét khá; chống đổ trung bình, nhiễm nhẹ rầy nâu bệnh đạo ôn, nhiễm trung bình đối với bệnh bạc lá lúa.
Khả năng thích ứng: Bắc thơm 7 thích hợp với nhiều chân đất khác nhau, tuy nhiên cho năng suất và chất lượng cao nhất khi được gieo cấy trên các chân vàn, vàn cao, đất tốt- trung bình. Năng suất trung bình đạt 50-60 tạ/ha. Chất lượng gạo ngon, cơm thơm, mềm.
II. Tình hình thực tế sử dụng giống Bắc thơm 7 trong cơ cấu bộ giống lúa của Huyện Phù Cừ.
1. Tình hình sử dụng, gieo cấy Bắc thơm 7 trong cơ cấu bộ giống lúa
Băc thơm 7 của huyện: được đưa vào cơ cấu gieo cấy trên đồng đất của huyện Phù Cừ khoảng 10-15 năm nay, song chỉ sau một vài vụ sản xuất đã mở rộng diện tích, trở thành 01 trong những giống lúa chủ lực, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bộ giống lúa của huyện kể cả vụ xuân và vụ mùa, nhất là từ khi đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa hang hóa. Thực tế gieo cấy lúa ở các địa phương, tỷ lệ % cơ cấu Bắc thơm 7 đều chiếm từ 40-50% diện tích mỗi vụ.
Lý do tính bền vững của Bắc thơm 7 trong cơ cấu là xuất phát từ các đặc tính tốt về thời gian sinh trưởng, tính thích ứng và đặc biệt là sự vượt trội về chất lượng cơm gạo (Khác với các giống lúa tẻ thơm khác, có mùi thơm nằm ở các bộ phận thân lá, ống ra, vỏ cám…rất dễ bị mất mùi sau quá trình thu hoạch, bảo quản, chế biến, mùi thơm của BT7 nằm trong hạt gạo- tương tự lúa nếp thơm- được quy định do gen, nên tính bền vững là khá cao).
Thực tế thời gian qua, đã có khá nhiều giống lúa mới có chất lượng cao, gạo ngon, cơm mềm, cũng có mùi thơm nhẹ…đã được giới thiệu, trình diễn, sản xuất thử nghiệm và được bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa của huyện: Hương thơm số 1, Tám thơm đột biến, lúa lai HYT 100…; có tiềm năng năng suất tương đương thậm chí vượt trội Bắc thơm 7, gạo ngon, cơm mềm tương tự Bắc thơm 7, cũng được xác định là giống lúa chất lượng cao; song khi đưa ra sản xuất, chỉ qua một vài vụ gieo cấy, nông dân lại quay về với Bắc thơm 7.
Tuy nhiên, trong một số vụ gần sản xuất gần đây, có hiện tượng Bắc thơm 7 bị giảm năng suất, chất lượng gạo suy giảm, cơm ăn kém mềm, đặc biệt suy giảm về tính trạng là mùi thơm.
* Theo đánh giá của chúng tôi, có thể do một số nguyên nhân cơ bản sau:
2. Một số nguyên nhân suy dẫn đến hiện tượng giảm năng suất, suy giảm chất lượng gạo Bắc thơm 7.
2.1. Sử dụng hạt giống phẩm cấp kém để gieo cấy:
Hiện các hộ nông dân thường sử dụng giống lúa tự để giống qua nhiều vụ để gieo cấy, dẫn đến lúa bị phân ly nhiều, năng suất, chất lượng giảm. (Lúa tuy là cây trồng tự thụ phấn song vẫn có 5% được thụ phấn khác giống- Điều này lý giải vì sao quy hoạch vùng sản xuất giống phải được cách ly về thời gian, không gian).
2.2. Gieo cấy Bắc thơm 7 nhiều vụ liên tục trên cùng 1 chân 1 ruộng:
Mỗi loại cây trồng, mỗi loại giống lúa trong quá trình sinh trưởng phát triển có nhu cầu dinh dưỡng đa, trung và vi lượng là rất khác nhau.
Đặc biệt các tính trạng như: màu sắc hạt lúa, độ mềm của cơm, mùi thơm…. hàm lượng Protein, amylaza, lipit.. ) quy định về chất lượng của lúa có liên quan chặt chẽ đến việc cung cấp đủ hay không đủ dinh dưỡng trung vi lượng cho cây. Trước đây, bón phân cho lúa chủ yếu dùng phân đơn, tức là chỉ cung cấp dinh dưỡng đa lượng, vì vây cây phải lấy dinh dưỡng này từ đất. Qua nhiều vụ, nhiều năm, dinh dưỡng đất cạn kiệt sẽ trở thành bạc màu (mắt thường không nhận thấy được), dẫn đến lúa giảm năng suất chất lượng là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, các nhà nông học đã đưa ra khuyến cáo phải thường xuyên hoán đổi chân đất cho giống.
Hiện nay, tuy nông dân có đưa một số loại NPK vào sử dụng, trên bao bì có ghi NPK+TE (có trung vi lượng); song do gieo cấy BT7 liên tục qua quá nhiều vụ nên dinh dưỡng trung vi lượng theo yêu cầu vẫn thiếu, thậm chí là trầm trọng, dẫn đến năng suất, chất lượng lúa giảm là lẽ đương nhiên.
2.3. Áp dụng Quy trình thâm canh không hợp lý dấn đến lúa BT7 bị các đối tượng sâu bệnh hại.
- Không sử dụng phân chuồng; Bón phân đơn; Bón không cân đối, quá nhiều N, thiếu Kali; Bón nhẹ đầu nặng cuối… đều dẫn đến nguyên nhân làm lúa tốt lốp, sinh trưởng phát triển không cân đối, tính chống chịu giảm, bị đổ ngả, bị các đối tượng sâu bệnh hại nhất là rầy nâu, bệnh bạc lá…trong khi nông dân chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
- Lúa BT7 ở Long Cầu, Đoàn Đào nhiều năm qua thường có hạt thóc màu vàng sẫm, gạo rộng hơn, bán được giá cao hơn các địa phương khác, nguyên nhân là do chân đất tốt, nông dân lại sớm tiếp cận với NPK đa yếu tố Văn điển; Tuy nhiên nếu tiếp tục cấy BT7 nhiều vụ mà không có sự bổ sung kịp thời trung vi lượng thì sự thoái hóa về năng suất, chất lượng BT7 sớm muộn cũng sẽ xảy ra.
2.4. Thu hoạch, phơi và bảo quản lúa không tuân thủ quy trình khoa học.
Qua theo dõi nhiều vụ, việc thu hoạch, bảo quản lúa BT7 của nông dân cũng áp dụng giống các loại lúa thông thường: Thường gặt khi lúa đã chín kỹ. (Bông lúa có hiện tương “treo đèn”); Quá trình phơi lúa, nông dân thường phơi trên sân bê tông, phơi mỏng, ít đảo; phơi 1-2 nắng là xong; dẫn đến hiện tượng hạt gạo dễ gẫy, lúa mất mùi thơm.
Từ việc xác định các nguyên nhân trên, chúng tôi xây dựng và đưa ra quy trình sản xuất Bắc thơm 7 áp dụng trong mô hình như sau:
III. Quy trình sản xuất, thâm canh lúa hàng hóa Bắc thơm 7- Mô hình cánh đồng mẫu Thôn Long Cầu, xã Đoàn đào, vụ mùa 2017.
1. Giống lúa sử dụng:
- Giống lúa Bắc thơm số 7.
- Phẩm cấp giống: Siêu nguyên chủng.
- Lượng giống: 1,0 kg/ sào.
- Ngâm ủ giống: Giống chuyển vụ, đã có thời gian ngủ nghỉ 10-15 ngày, do đó thời gian ngâm giống nên từ 48-50 giờ; gạn nước và đãi nước chua 1-2 lần; Khi hạt thóc hút no nước thì đãi sạch lần cuối rồi đưa vào ủ nhẹ (Trong thúng, đậy bao tải ẩm trên bề mặt, để nơi râm mát (không sử dụng bao dứa, nilon; không ủ kín).
Sau 12-16 giờ sau kiểm tra, thấy thóc đã nứt nanh đều, thì đảo đều, rồi tiếp tục điều chỉnh nước cho mầm và rễ ra đều; đến ngày thứ 4-5 thì đem gieo.
2. Thời vụ và phương thức gieo cấy:
2.1. Thời vụ: Chọn thời vụ gieo cấy giữa trà mùa sớm - đầu trà mùa trung. Thống nhất các hộ cùng xuống giống, gieo cùng ngày.
2.2. Phương thức gieo: Có thể lưa chọn 1 trong 2 phương thức gieo cấy sau:
- Gieo mạ dược thưa: Ngày gieo từ 10-15/6 (sau tua rua); Cấy khi mạ ra ngạnh trê (tuổi mạ 18-20 ngày); Yêu cầu: Các hộ chủ động bố trí dược mạ.
- Làm mạ nền: Gieo 20- 25/6; cấy khi mạ 2-2,5 lá (8-10 ngày tuổi).
(Theo lịch chỉ đạo của địa phương)
3. Chuẩn bị ruộng cấy:
- Ruộng lúa xuân cần phải giữ nước hợp lý, không được để mất nấm;
- Thu hoạch lúa xuân khi vừa chín tới.
- Lồng dập rạ; rắc vôi bột (6-8 kg/sào) hoặc xử lý bằng chế phẩm vi sinh Bio Fitomix RR+ chế phẩm khử H2S, giúp cho ra nhanh thối ngấu.
- Tiến hành lồng cấy, san ruộng; rắc phân lót; để lắng bùn 2-3 ngày, tháo vợi nước vừa để cấy.
4. Bón phân lót: Sử dụng phân bón NPK 5.10.3 hoặc 10.10.5 (dạng vê viên Văn Điển); kết hơp với Phân vi lượng để bón lót. Lượng bón: 15kg NPK 5.10.3 (hoặc 12,5 kg NPK 10.10.5)+ 1,0 kg phân vi lượng/ sào; (Bón ngay sau lồng cấy).
5. Cấy lúa: Mật độ cấy 40-45 khóm/m2; Hàng sông 18-20; hàng con 13-15; cấy 1-2 rảnh/khóm. Tốt nhất cấy theo băng để tiện chăm sóc; Chiều rộng mỗi băng 2,0m; khoảng cách giữa các băng 35-40cm. Sau khi cấy xong, đưa nước vào ruộng, giữ mức nước ruộng 4-5 cm.
6. Phun hoặc rắc thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc:
- Phun thuốc trừ cỏ (Sau cấy 3-4 ngày).
- Thuốc trừ ốc (Sau cấy 7-8 ngày nếu thấy xuất hiện ốc bươu vàng gây hại)
7. Bón phân thúc:
- Dùng NPK chuyên bón thúc Văn Điển 16.5.17 để bón.
- Lượng bón: 8- 10 kg/sào tùy theo chân đất.
- Phương pháp bón: Có thể bón 01 lần (sau khi lúa bén rễ hồi xanh; nếu chia 02 lần bón thì lần 1: 6-7 kg; lần 2: 2-3 kg (sau cấy 15-20 ngày) khi lúa đẻ nhánh rộ.
8. Điều tiết nước:
- Lần 1: Sau khi phun thuốc trừ ốc bươu vàng, tốt nhất nên tháo gạn nước, phơi ruộng, thay nước cho ruộng lúa trước khi bón phân thúc. Biện pháp này có tác dụng thau chua, rửa mặn- chống nghẹt rễ, giúp lúa đẻ nhánh tập trung; Mặt khác, sản xuất lúa vụ mùa thường rơi trọn trong mùa mưa bão, nhất là thời kỳ lúa trỗ bông- chín; nên đây là một biện pháp tốt nhằm giúp bộ rễ lúa ăn sâu, tăng cường khả năng chống đổ cho lúa.
- Lần 2: Sau khi lúa đẻ nhánh rộ, nên rút cạn nước, phơi ruộng 5-7 ngày.
- Lần 3: Khi lúa vào chắc- chín, rút dần nước trong ruộng.
9. Phòng trừ sâu bệnh hại:
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại kết hợp với theo dõi dự tính dự báo của Trạm BVTV.
- Phun phòng trừ bọ trĩ, bọ xít đen, ruồi đục nõn lúa, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5…. gây hại trên lúa thời kỳ lúa con gái khi tới ngưỡng gây hại kinh tế.
- Phát hiện sớm và phun thuốc phòng trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá lúa bằng các loại thuốc đặc hiệu.
- Nắm chắc tình hình dự tính dự báo các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ lứa 6; Sâu đục thân; bệnh khô vằn; rầy nâu…
* Trước khi lúa chia vè, trổ: Nên sử dụng công thức phun tổng hợp trong 01 lần phun, để ngăn chặn sự gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại: Bệnh bạc lá bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ; rầy nâu; kết hơp với một số loại phân bón qua lá như: Vi lượng ; Siêu Kali Bắc á…
* Sau khi lúa vào chắc xanh: Có thể phun lặp lại bằng thuốc trừ bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, rầy nâu….
* Thuốc BVTV sử dụng trong mô hình: Là các loại thuốc trong danh mục cho phép sử dụng, có hiệu lực, hiệu quả cao trong ngăn chặn, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, Ưu tiên những loại thuốc thuộc nhóm sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn.
Một số loại thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng.
Đối tượng sâu bệnh hại
|
Loại thuốc
sử dụng
|
Liều lượng
sử dụng
|
Thời điểm phun
|
1. Sâu cuốn lá lúa
|
Thiocron 50 EC
Apphe 66.6
Abatimec 3.6
Voliam targo
|
20cc bình 16-18l;
|
Phun khi sâu tuổi 1 ra rộ
|
2. Sâu đục thân
|
Thiocron 50 EC
Voliam targo
Regent 800WP
|
2 0cc/bình 16-18l
2gr/bình 16-18l
|
Phun khi sâu tuổi 1 ra rộ
|
3. Bọ trĩ
|
Sherpa 25 EC; các thuốc thuộc nhóm Cymethrin.
Abatimec 3.6
|
20 cc bình 16-18l
|
Phun khi mật độ cao
|
4. Rầy nâu, các loại sâu chích hút
|
Apphe 66.6
|
20-25cc/bình16-18l
|
Phun khi mật độ rầy trên 2.000 con/ m2; Hoặc khi rầy cái trưởng thành “ bụng phệ” có tỷ lệ cao
|
5. Bệnh bạc lá, Đốm sọc vi khuẩn
|
Lilacter 0,3 SL+ Vi lượng Bắc á (Hoặc gấu sữa Kali-Zn)
|
20-25cc/bình16-18l
|
Phun khi bệnh chớm xuất hiện.
|
6. Bệnh khô vằn, đen lép hạt lúa.
|
Anvil, Atuvil, Tilsuper
|
20-25cc/bình16-18l
|
Phun khi bệnh chớm xuất hiện
|
10. Khử lẫn: Tiến hành từ 2-3 lần:
- Lần 1: Trước khi lúa trổ: Nhổ, cắt bỏ các cây cỏ dại, cỏ lồng vực.
- Lần 2-3: Sau khi lúa vào chắc-trước khi thu hoạch: Cắt bỏ các bông lúa không đúng giống; bị phân ly.
11. Thu hoạch, bảo quản:
- Thu hoạch khi lúa vừa đến độ chín sinh lý: Các hạt đầu bông đã chín tới; hạt cuối bông vẫn còn một số hạt còn xanh. Tốt nhất là thu hoạch bằng máy.
- Phơi: Phơi trên nền gạch, sân bê tông có trải bạt; phơi dày; thường xuyên đảo đều từ trong ra ngoài, ngoài vào trong; duới lên trên, trên xuống dưới;
- Đóng bao: Sau 3-4 nắng thì để cho thóc nguội hẳn mới đóng bao.