TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  30/10/2014     |  Lượt xem 18697   

HUYỆN PHÙ CỪ - ĐẶC ĐIỂM VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ - VĂN HOÁ*

Huyện Phù Cừ nằm ở phía đông nam tỉnh Hưng Yên. Huyện có vị trí địa lí quan trọng: phía bắc giáp huyện Ân Thi, phía nam giáp huyện Hưng Hà (Thái Bình), phía đông giáp huyện Thanh Miện (Hải Dương), phía tây giáp huyện Tiên Lữ. Huyện nằm trên đầu mối giao thông quan trọng của giao điểm quốc lộ 38B và đường 202 đến các địa phương trong và ngoài tỉnh[1], thuận tiện trong việc giao lưu phát triển kinh tế văn hoá, xã hội với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đông bắc của Tổ quốc.

        

Huyện Phù Cừ nằm ở phía đông nam tỉnh Hưng Yên. Huyện có vị trí địa lí quan trọng: phía bắc giáp huyện Ân Thi, phía nam giáp huyện Hưng Hà (Thái Bình), phía đông giáp huyện Thanh Miện (Hải Dương), phía tây giáp huyện Tiên Lữ. Huyện nằm trên đầu mối giao thông quan trọng của giao điểm quốc lộ 38B và đường 202 đến các địa phương trong và ngoài tỉnh[1], thuận tiện trong việc giao lưu phát triển kinh tế văn hoá, xã hội với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đông bắc của Tổ quốc.

Trong lịch sử, địa danh và phạm vi hành chính của huyện có nhiều lần thay đổi. Theo tư liệu lịch sử và một số thư tịch cổ khác cho biết, mảnh đất thuộc huyện Phù Cừ ngày nay có lịch sử định cư khá sớm. Đầu công nguyên, mảnh đất này thuộc huyện Cửu Diên quận Giao Chỉ. Thời Tiền Lê đổi đạo thành lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương, địa bàn của huyện thuộc Khoái Lộ. Sau đó, lại đổi lộ thành châu nên vẫn thuộc Khoái Châu. Vào năm Nhâm Dần ( 1252 ), cả nước có 12 phủ, dưới phủ là huyện, lúc đó mảnh đất này đã có tên gọi là huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu. Khi nhà Mạc lên ngôi, kiêng tên húy của Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung), đổi tên thành huyện Phù Hoa. Đến thời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ là Phù Dung. Năm Cảnh Hưng thứ 2 ( 1741 ) Lê Hiển Tông đổi đạo thành trấn (có thượng trấn và hạ trấn) huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu của Sơn Nam thượng trấn.

Đến năm Minh Mệnh thứ 12 ( 1831 ), tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm có phủ Khoái Châu và phủ Tiên Hưng, từ đó huyện Phù Dung là 1 trong 8 huyện của tỉnh Hưng Yên. Đến năm Thiệu Trị thứ 2 ( 1842 ) huyện Phù Dung đổi tên là huyện Phù Cừ. Năm Tự Đức thứ 4 ( 1858 ), huyện Phù Cừ từ phủ Khoái Châu chuyển về phủ Tiên Hưng trong tỉnh.

Năm 1890, khi thành lập tỉnh Thái Bình, huyện Thần Khê chuyển về tỉnh Thái Bình, phủ Tiên Hưng còn lại 4 huyện là Phù Cừ, Tiên Lữ, Duyên Hà và Hưng Nhân. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), chuyển huyện Phù Cừ và Tiên Lữ về phủ Khoái Châu, phủ Tiên Hưng còn lại hai huyện Duyên Hà và Hưng Nhân nhập vào tỉnh Thái Bình.

Năm 1947, huyện Văn Giang của Bắc Ninh chuyển về tỉnh Hưng Yên cho đến trước khi hợp nhất tỉnh (tháng 01-1968), huyện Phù Cừ là 1 trong 9 huyện của Tỉnh Hưng Yên.

Ngày 26 - 01 - 1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Quyết định số 504-NQ/TVQH, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất, huyện Phù Cừ nằm trong địa bàn của tỉnh Hải Hưng.

Ngày 11 - 3 – 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP, huyện Phù Cừ hợp nhất với huyện Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên và là 1 trong 12 huyện, thị của tỉnh Hải Hưng.

Ngày 06 - 11 - 1996, Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn chia tách tỉnh Hải Hưng thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên theo địa giới hành chính trước khi hợp nhất. Ngày 01 - 01 – 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập.

Thực hiện Nghị định số 17-CP, ngày 24 - 02 - 1997 của Chính phủ về việc chia tách huyện Phù Tiên thành 2 huyện Tiên Lữ và Phù Cừ theo địa giới hành chính cũ. Căn cứ Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phù Tiên ngày 12 - 3 - 1997 và Quyết định số 70-QĐ/TU ngày 16 - 4 - 1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về việc thành lập Đảng bộ huyện Phù Cừ. Ngày 01 - 5 - 1997 huyện Phù Cừ chính thức tái lập đi vào hoạt động. Ngày 02 - 5 - 1997, huyện Phù Cừ trọng thể tổ chức lễ tái lập huyện sau 20 năm hợp nhất. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đối với Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ trong sự nghiệp đổi mới nhằm phát huy nhân lực – trí lực – tài lực và truyền thống vẻ vang để làm giàu đẹp quê hương trên bước đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Huyện lỵ ngày nay là khu vực thị tứ Trần Cao, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện, nằm trên đầu mối giao thông quan trọng của giao điểm quốc lộ 39B và đường 202 đến các địa phương trong và ngoài tỉnh được thuận tiện[2].

Huyện Phù Cừ có hình thể tựa như lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió, với diện tích tự nhiên là 9.127,19 ha, trong đó có 6.155,78 ha là đất canh tác.

Qua mỗi giai đoạn lịch sử, đơn vị hành chính cấp cơ sở trong huyện có sự thay đổi. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện có 56 xã (tức 56 làng bằng 60 thôn) được phân giới thành 6 tổng để quản lý các xã (tức làng - nên xuất hiện cụm từ Làng - Xã). Còn thôn chỉ là điểm tụ cư nằm trong làng.

1- Tổng Hoàng Tranh có 13 xã (13 làng bằng 15 thôn: Xã Quế Lâm, xã Ngọc Tranh, xã Trúc Giản, xã Hoàng Tranh (có nhị thôn là Phương thôn và Viên thôn), xã Ải Quan, xã Đại Duy, xã Khả Duy, xã Đông Cáp (có nhị thôn là Cáp trên và Cáp dưới), xã Đồng Minh, xã Long Cầu, xã Đoàn Đào, xã Hà Linh, xã Duyên Linh.

2- Tổng Ba Đông có 11 xã (tức 11 làng bằng 11 thôn): Xã Ba Đông, xã Trà Bồ, xã Phương Bồ, xã Duyệt Văn, xã Duyệt Lễ, xã Nghĩa Vũ, xã Tần Tranh, xã Tần Nhẫn, xã Cao Xá, xã Phú Mãn và xã Phú Ân.

3- Tổng Viên Quang có 8 xã (tức 8 làng bằng 10 thôn): xã Viên Quang, xã Quang Xá (nhị thôn là Phú Mỹ và thôn Nguyễn), xã Thọ Lão, xã Ngũ Lão, xã Phan Xá, xã Tống Xá, xã Vũ Xá và xã Trần Xá (có nhị thôn Thượng và Hạ).

4- Tổng Cát Dương có 8 xã (tức 8 làng bằng 8 thôn): xã Cát Dương, xã Hạ Cát, xã Nhật Lệ, xã Yên Lệ, xã Quang Lệ, xã An Nhuế, xã Đình Cao, xã Văn Sa.

5- Tổng Võng Phan có 8 xã (tức 8 làng bằng  8 thôn): xã Võng Phan, xã An Cầu, xã Trà Dương, xã La Tiến, xã Thị Viên, xã Giang Tân, xã Hạ Đồng, xã Sỹ Quý.

6- Tổng Kim Phương có 8 xã (tức 8 làng bằng 8 thôn): xã Kim Phương, xã Phù Oanh, xã Phạm Xá, xã Hoàng Xá, xã Hoàng Các, xã Nại Khê, xã Cự Phú, xã Tam Đa (có trại Tam Đa và Trại Vàng).

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân xây dựng chế độ mới. Đến tháng 3 - 1946, các xã mới được thành lập trên cơ sở các làng. Toàn huyện Phù Cừ được phân giới thành 15 xã mới gồm 56 thôn.

- Xã Minh Hoàng gồm 4 làng ( làng bằng thôn ) là Ải Quan, Quế Lâm, Ngọc Trúc ( hợp nhất hai thôn cũ là Trúc Giản và Ngọc Tranh ) và Hoàng Tranh.

- Xã Minh Tân có 5 thôn: Tần Tranh, Tần Nhẫn, Duyệt Văn, Duyệt Lễ, Nghĩa Vũ.

- Xã Quang Hưng có 4 thôn: Viên Quang, Quang Xá, Thọ Lão, Ngũ Lão.

- Xã Trần Cao có 3 thôn: Cao Xá, Trần Xá Hạ và Trần Xá Thượng.

- Xã Ái Quốc gồm 4 thôn: Ba Đông, Trà Bồ, Phương Bồ, Phú Mãn (ghép 2 làng Phú Mãn và Phú Ân làm một làng lớn).

- Xã Tống Trân có 3 thôn: Võng Phan, An Cầu, Trà Dương.

- Xã Ngọc Thụ có 3 thôn: Đoàn Đào, Đồng Minh, Long Cầu

- Xã Bội Châu có 3 thôn: Đại Duy, Khả Duy, Đông Cáp.

- Xã Quyết Tiến gồm 5 thôn: Phan Xá, Tống Xá, Vũ Xá, Hạ Cát và Cát Dương.

- Xã Nhật Quang gồm có 3 thôn: Nhật Lệ, Yên Lệ và Quang Lệ.

- Xã Nguyên Hoà có 8 thôn: La Tiến, Hạ Đồng, Sĩ Quý, Thị Viên, Giang Tân, Cự Phú, Tam Đa và Ngũ Phúc (thành lập đầu năm 1946 trên cơ sở trại Tam Đa và Trại Vàng).

- Xã Chí Minh có 3 thôn: An Nhuế, Đình Cao, Văn Sa.

- Xã Duyên Hà có 2 thôn: Hà Linh và Duyên Linh.

- Xã Quang Trung có 4 thôn: Hoàng Xá, Hoàng Các, Nại Khê và Phạm Xá.

- Xã Kim Anh có 2 thôn: Phù Oanh và Kim Phương.

Năm 1947, có sự điều chỉnh địa giới các xã: Xã Ái Quốc đổi thành xã Phan Sào Nam; sát nhập 2 xã Ngọc Thụ và Bội Châu thành xã Trường Chinh; xã Duyên Hà nhập vào xã Chí Minh; hai xã Quang Trung và Kim Anh hợp nhất thành xã Tiên Tiến. Sau đó, các thôn Yên Lệ và Quang Lệ hợp nhất thành thôn Quang Yên; hai thôn Thị Viên và Giang Tân hợp nhất thành thôn Thị Giang.

          Năm 1957, xã Nguyên Hoà tách thành xã Hạnh Phúc và xã Nguyên Hoà, xã Tiên Tiến tách thành xã Minh Tiến và Tiên Tiến. Khi tiến hành cải tạo - xây dựng chủ nghĩa xã hội, hai thôn Tần Tranh và Tần Nhẫn hợp nhất là Tần Tiến.

Năm 1966 cơ sở sản xuất tập trung của huyện (nông trường Tân An) được giải thể để thành lập thôn Tân An ghép vào xã Nhật Quang.

Năm 1967, xã Trường Chinh đổi thành xã Đoàn Đào, xã Chí Minh đổi thành xã Đình Cao. Khi cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã Quyết Tiến đổi thành xã Tống Phan; xã Hạnh Phúc đổi thành xã Tam Đa[3]. Đến năm 2000, toàn huyện có 54 thôn được phân giới thành 14 xã:

1- Xã Minh Hoàng có 4 thôn: Ải Quan, Quế Lâm, Hoàng Tranh, Ngọc Trúc.

2- Xã Đoàn Đào có 6 thôn: Đoàn Đào, Khả Duy, Đại Duy, Đông Cáp, Đồng Minh, Long Cầu.

3- Xã Phan Sào Nam có 4 thôn: Ba Đông, Trà Bồ, Phương Bồ, Phú Mãn.

4- Xã Minh Tân có 4 thôn: Duyệt Văn, Duyệt Lễ, Nghĩa Vũ, Tần Tiến.

5- Xã Quang Hưng có 4 thôn: Viên Quang, Quang Xá, Thọ Lão và Ngũ Lão.

6- Xã Trần Cao có 3 thôn: Cao Xá, Trần Xá Hạ và Trần Xá Thượng.

7- Xã Tống Phan có 5 thôn: Phan Xá, Tống Xá, Vũ Xá, Hạ Cát và Cát Dương.

8- Xã Tam Đa có 3 thôn: Tam Đa, Cự Phú và Ngũ Phúc.

9- Xã Nguyên Hoà gồm 4 thôn: Hạ Đồng, Sỹ Quý, Thị Giang và La Tiến.

10 Xã Minh Tiến có 3 thôn: Kim Phương, Phạm Xá và Phù Oanh.

11- Xã Đình Cao gồm 5 thôn: Đình Cao, An Nhuế, Văn Sa, Hà Linh và Duyên Linh.

12- Xã Tiên Tiến có 3 thôn: Hoàng Xá, Hoàng Các và Nại Khê.

13- Xã Nhật Quang có 3 thôn: Nhật Lệ, Quang Yên và Tân An .

14- Xã Tống Trân có 3 thôn: Võng Phan, An Cầu và Trà Dương.

Phù Cừ có địa hình tương đối phẳng, cốt đất trũng thuộc diện nhất nhì trong tỉnh. Nơi cao nhất tại đống Lang thôn Đoàn Đào là +3,09 m so với mặt nước biển. Nơi trũng nhất thuộc xã Minh Tiến là +1,5 m so với mặt nước biển.

Do độ dốc không đều, nghiêng thoải về phía đông bắc, đông và nam nên dọc theo sông Cửu An và sông Luộc thường trũng như các xã: Nguyên Hòa, Tống Trân, Minh Tiến và khu lòng chảo xã Minh Tân. Mặt khác có hệ thống đê điều của sông Luộc, sông Cửu An, sông Kẻ Sặt làm cho việc tiêu úng, cải tạo đồng ruộng rất khó khăn vất vả so với nhiều huyện trong tỉnh.

Đất canh tác có độ phì tương đối cao, do trước kia được sông Hồng và sông Luộc bồi đắp phù sa, nên có một số diện tích pha cát non hoặc bị úng thủy lâu ngày lại sinh ra chua. Do đó, có một số diện tích đất canh tác bị thôi chua, bạc điền, nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Qua điều tra về nông hóa thổ nhưỡng, đất canh tác có 6.155,78 ha được phân thành 5 nhóm:

+ Nhóm I là 1.330,81 ha.

+ Nhóm II là 1.498,58 ha.

+ Nhóm III là 1.726,75 ha.

+ Nhóm IV là 1.118,7 ha.

+ Nhóm V là 480,94 ha.

Khí hậu Phù Cừ mang những đặc điểm chung của đồng bằng sông Hồng, đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Chế độ gió có sự khác biệt giữa hai mùa: Từ tháng 5 đến tháng 10, gió mùa hạ, chủ yếu thổi theo hướng đông nam. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, gió mùa đông thổi theo hướng đông bắc. Chế độ nhiệt có sự khác biệt rõ rệt giữa mùa hạ nắng nóng và mùa đông lạnh. Chế độ mưa cũng có sự khác biệt giữa hai mùa, mùa mưa tập trung vào mùa hạ tới 90% lượng mưa trong cả năm. Như vậy, khí hậu có hai mùa chính: mùa hạ là mùa gió Đông Nam, nóng và mưa nhiều. Mùa đông có mùa gió Đông Bắc, lạnh và mưa ít. Giữa hai mùa nóng và lạnh có hai thời kì chuyển tiếp ngắn là mùa xuân và mùa thu.

Với những điều kiện tự nhiên đó, huyện Phù Cừ có lợi thế phát triển nông nghiệp: cây lúa là cây lương thực chính, một số cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đay, lạc và đặc biệt cây rau màu vụ đông, cùng một số loại cây trồng, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển, đa dạng đảm bảo phục vụ nhu cầu cho nhân dân và cung cấp nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong vùng và xuất khẩu.

Về sông ngòi, huyện Phù Cừ có hệ thống sông ngòi toả rộng trên đồng đất địa phương. Phía Bắc có sông Kẻ Sặt (nhân dân thường gọi là sông tây Kẻ Sặt) chảy vào thôn Tần Tranh xã Minh Tân cho đến thôn Viên Quang xã Quang Hưng làm thành ngã ba sông, hợp với sông Cửu An từ địa phận xã Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng rồi chạy dọc theo phía đông của huyện dài trên 10 km đến xã Tam Đa. Chính dòng sông này làm thành đường phân giới tự nhiên với huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương. Dọc theo phía Nam là dòng sông Luộc chảy từ địa phận thôn Võng Phan xã Tống Trân đến xã Nguyên Hoà với chiều dài 11 km, làm thành đường phân giới tự nhiên với huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Dọc theo triền sông Luộc, sông Cửu An và sông Tây Kẻ Sát có hệ thống đê điều bao bọc, nhân dân địa phương qua nhiều thế hệ đã dày công xây đắp, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho những làng quê.

Từ khi hoà bình lập lại và trong giai đoạn cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhân dân Phù Cừ cải tạo sông Nghĩa Trụ, đoạn từ xã Phan Sào Nam đến xã Đình Cao dài 6,8 km. Đây là con sông quan trọng để lấy và tiêu nước từ sông Cửu An cho phần lớn diện tích thuộc hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ. Vì thế, theo dòng chảy cho đến thôn Long Cầu xã Đoàn Đào có đập Cầu Rồng để điều tiết nước cho khu vực. Cuối năm 1954, nhân dân khai sông Hoà Bình chạy dọc đường 39B với chiều dài 9,5 km trên đoạn Quán Đỏ đi Quang Hưng rồi đổ về sông Cửu An để tưới tiêu cho các xã trong huyện. Dọc theo đường 202 có sông Sậy dài 12,75 km, phát nguyên từ thôn Sậy đến thôn La Tiến xã Nguyên Hoà.

Tất cả những con sông trên tạo thành hệ thống sông chính của huyện. Ngoài ra, còn những con sông trung thủy nông khác.

- Sông Hiệp Hoà từ Nhật Quang đến xã Tống Trân dài 5,6 km.

- Sông Thống Nhất dài 5,6 km, từ cống Vàng đến xã Minh Tiến.

- Sông Đoàn Kết dài 6,5 km, đoạn từ xã Tam Đa đến xã Tống Trân.

- Sông Quyết Thắng chạy từ thôn Võng Phan xã Tống Trân đến xã Nguyên Hoà.

Cùng các con sông tiểu thủy nông, trạm bơm điện, mương chìm, máng nổi làm thành hệ thống thủy lợi cải tạo đồng đất địa phương.

Về giao thông đường bộ, có quốc lộ 38B chạy từ tây sang đông, nối thị xã Hưng Yên với thành phố Hải Dương, trong đó có 9,5 km đi qua các xã Đoàn Đào, Trần Cao và Quang Hưng. Đường 201 xuất phát từ đê Võng Phan xã Tống Trân đến cầu Tràng xã Quang Hưng dài 14 km. Đường 203 đi qua địa bàn của huyện dài 3 km, trên đoạn từ cầu Vóc đến điểm lưỡi A hợp với đường 202 dài 15 km từ đê La Tiến xã Nguyên Hoà đến thôn Tần Tiến xã Minh Tân. Quá trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân trong huyện đã nâng cấp những con đường nhỏ thời xưa và đắp mới nhiều đoạn, hình thành trục đường 202B dài 8 km giải quyết giao thông từ xã Đình Cao đi xã Minh Tân. Đường 203B dài 7 km từ Đông Cáp đến xã Minh Hoàng. Những con đường trên hợp thành tuyến giao thông trọng yếu của huyện. Ngoài ra còn hệ thống giao thông nông thôn đang được nâng cấp bằng vật liệu cứng, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn đổi mới.

Từ Phù Cừ, ta có thể xuất phát theo đường bộ hoặc đường thủy lên Hà Nội, ra Hải Phòng và tới các tỉnh được thuận tiện. Với địa thế đó, Phù Cừ xứng đáng là cầu nối phía Đông của tỉnh, có vị trí quan trọng về quân sự trong các cuộc chiến tranh giữ nước, thuận tiện trong giao lưu phát triển kinh tế - văn hoá với các địa phương và khu vực.

Với những đặc điểm và điều kiện tự nhiên trên, đồng đất Phù Cừ có nhiều thuận lợi phát triển nghề nông. Đó là những năm "Mưa thuận gió hoà". Song, thiên nhiên cũng khắc nghiệt đối với những năm mưa - nắng thất thường gây ra biết bao tai hoạ: úng thủy, bão lụt, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tình hình canh tác và đời sống nhân dân. Vì thế, ngay từ buổi đầu khai phá, nhân dân đoàn kết gắn bó bên nhau, cùng với trí thông minh, lòng dũng cảm, cần cù và sáng tạo đã tiến hành những cuộc đấu tranh oanh liệt với thiên nhiên để tồn tại - phát triển, tạo lập những làng quê trù phú.

Theo thư tịch cổ đã xác định, cư dân Phù Cừ là người Việt có lịch sử định cư khá sớm cùng với thời điểm các bộ lạc “ Bách Việt”, tràn xuống chinh phục đồng bằng Bắc bộ. Các dòng họ đến đây khai phá đất hoang, cải tạo đầm lầy, dựng xóm lập làng và chống giặc ngoại xâm góp phần nhất định vào quá trình dựng nước - giữ nước và hình thành dân tộc Việt Nam.

          Qua thần tích các đình làng cho biết, làng xã xưa kia hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ. Việc định cư trải qua nhiều thế hệ nối tiếp. Tính đến năm 1999, toàn huyện có 84.421 người, thuộc diện trung bình của tỉnh, có độ phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn huyện. Cư dân Phù Cừ là người Kinh, trên 11,63% dân số theo đạo Phật và gần 5,23% dân số theo đạo Thiên chúa. Giáo dân tập trung đông nhất tại các thôn: Cao Xá, Trần Hạ, Tần Nhẫn, Võng Phan cùng một số thôn khác có xen kẽ Giáo - Lương, do hai trung tâm Cao Xá và Võng Phan liên hệ trực tiếp với giáo xứ tỉnh Thái Bình. Trong nhân dân, Giáo - Lương đoàn kết phát huy truyền thống yêu nước để vượt qua thử thách, giành thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương - đất nước.

Từ xưa cho đến nay, cư dân Phù Cừ lấy nông nghiệp cấy lúa nước và trồng màu làm nguồn sống chính. Để làm ra hạt thóc, củ khoai, người nông dân phải trải qua một quá trình lao động kiên cường, bền bỉ đối mặt với úng thủy, hạn hán, dịch bệnh và tần tảo sớm khuya. Trên mỗi thửa ruộng này thấm đượm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã hoá thân vào lòng đất để có hạt gạo trắng thơm.

Việc canh tác xưa kia vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa bão, nước sông Luộc lên mấp mé thân đê chênh cao vào trong đồng. Trong khi đó, nước mưa từ các ngả đồn về không tiêu kịp, đồng đất mênh mông chỉ một màu nước trắng có lợi cho rau dong, cỏ ống và một số loài thủy sinh phát triển. Vì thế, vụ mùa thường mất trắng, trừ một số cánh ruộng cao cấy lúa, trồng màu được chút ít cũng chưa tương xứng với công sức khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều năm hạn hán và úng thủy thường xen kẽ. Đầu vụ đại hạn, cấy được cây lúa xuống phải tốn bao công đắp đập, bê bờ, tát nước. Song chỉ một đêm mưa to, ngày mai nước trắng đồng nhấn chìm hàng nghìn héc ta lúa. Có thể nói Phù Cừ là cái rốn nước của tỉnh Hưng Yên.

Dù cuộc sống có gian lao, vất vả nhưng nhân dân vẫn tha thiết với ruộng đồng, giàu tính sáng tạo và cần cù trong lao động, họ đã đoàn kết một lòng để vượt qua những trở lực khắc nghiệt của thiên nhiên. Từ nhiều đời nay, thủy lợi vẫn là biện pháp hàng đầu. Thành tựu mở đầu là công trình trị thủy, với hệ thống đê điều bao bọc liên hoàn từ phía bắc dọc phía đông đến phía nam và mở cống Võng Phan, An Cầu, La Tiến lấy nước "Dẫn thủy nhập điền" để cấy lúa, trồng khoai.

Với mọi phương cách đó, một năm chỉ cấy được một vụ bấp bênh mà trông chờ vào nguồn nước mưa là chính, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 40-45 kg thóc/1 sào Bắc Bộ.

Để tồn tại và phát triển trên mảnh đất này, nhân dân Phù Cừ sớm kiến lập được hệ sinh thái phù hợp với đồng đất địa phương. Nơi trũng và đầm hồ, ao thì trồng sen, thả cá. Cánh cao và vùng đất bãi cấy lúa, trồng màu chuyển vụ quanh năm. Với tình yêu quê hương đất nước, đức tính cần cù và sáng tạo trong lao động, các xã, thôn trong huyện thuần hoá được giống lúa Dâu Đen, Muộn Sụng chịu úng để cấy trên cánh ruộng trũng. Khi mùa úng, chúng có thể ngoi theo triền nước nổi, đến vụ mùa vẫn cho thu hoạch cao. Với những thành quả lao động trong quá trình chinh phục thiên nhiên, cư dân Phù Cừ chọn lọc được những loại cây - con có giá trị kinh tế cao để làm ra đặc sản của địa phương là: hạt sen, long nhãn, mật ong, nếp cái hoa vàng, hạt gạo tám thơm ... làm phong phú đặc sản của Hưng Yên nổi tiếng. Trong đó, có dưa hấu Đình Cao với chất lượng tuyệt vời, có độ ngọt khác thường, thơm ngon, mát bổ, hương vị đặc trưng không có nơi nào sánh kịp đã vang tiếng một thời.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến hoà bình lập lại và trong sự nghiệp cải tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác thủy lợi ngày càng hoàn thiện theo hướng kiên cố, hiện đại hoá. Nhân dân khai sông Hoà Bình chạy đọc theo đường 38B rồi đổ về sông Cửu An thuộc địa phận xã Quang Hưng. Trên con sông này đoạn đến địa phận Cầu Cáp nối với sông Nghĩa Trụ chảy về đập Cầu Rồng (thuộc xã Đoàn Đào) rồi chảy ra sông Cửu An thuộc địa phận xã Phan Sào Nam. Chính tuyến này đã điều tiết nước cho diện tích phía tây và tây bắc của huyện. Đoạn hợp điểm thứ hai của sông Hoà Bình với sông Sậy chạy dọc theo đường 386 từ La Tiến đến Phố Cao làm thành trục sông chính tưới tiêu cho các xã trong huyện. Tiếp đó là những con sông trung thủy nông khác: như sông Quyết Thắng chạy từ Võng Phan xuống La Tiến tiêu úng cho xã Tống Trân. Sông Sậy từ Phố Cao đi xã Phan Sào Nam đến Minh Tân rồi đổ về sông Cửu An. Cùng với hệ thống trung - tiểu thủy nông, còn có một số đập ngăn nước được bê tông hoá rất thuận tiện cho việc đóng - mở điều tiết nước các xã khu trung và khu nam của huyện. Phối hợp với các sông nội đồng hệ thống trạm bơm điện với mương chìm, máng nổi đang toả rộng trên đồng đất địa phương. Đặc biệt có trạm bơm tiêu úng My Động và trạm bơm Phương Bồ xã Phan Sào Nam đã cơ bản giải quyết bước đầu về tiêu úng.

Với những công trình trị thủy đó, đồng đất Phù Cừ ngày nay đã thay đổi khác xưa: Những câu ca "Đồng trắng nước trong, rau dong cua kềnh" chỉ còn là huyền thoại. Thay vào đó là những cánh đồng lúa giống mới cao sản, vùng cây công nghiệp, các loại cây - con, rau quả có giá trị kinh tế cao, ưu thế cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, mang lại nguồn lợi lớn cho nhân dân địa phương. Trước yêu cầu mới, nhân dân Phù Cừ thừa kế truyền thống nghề nông của cha ông thuở trước, đồng thời tiếp thu khoa học - công nghệ, tăng cường công tác thủy lợi, nông hoá thổ nhưỡng, đưa giống mới vào đồng ruộng, tạo nên những chuyển biến mới về cơ cấu mùa - vụ, từng bước thay đổi tập quán canh tác để khai thác tiềm năng của đất có hiệu quả hơn, làm giàu đẹp quê hương. Vào vụ Đông, sáng còn là ruộng lúa chín vàng, chiều biến thành ruộng ngô, hoặc dưa leo xanh tốt đã trở thành hiện thực trên quê hương đổi mới. Điều mà ngày xưa, cha ông ta chưa bao giờ mơ ước, thì nay đã trở thành bình dị ở các xã trong huyện.

Cùng với nghề nông, các xã trong huyện có nghề thợ xây, thợ mộc, đan lát, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, thợ rèn, chế biến nông sản và một số nghề phụ khác đã bổ sung cho nền kinh tế tự cung, tự cấp thời xưa. Trong sự nghiệp đổi mới, nghề truyền thống hưng thịnh và phát triển thêm một số nghề mới với quy mô lớn trên phạm vi toàn huyện. Xã Quang Hưng và Minh Tân nổi tiếng về sản xuất gạch ngói, nung vôi, mở xưởng gỗ, vận tải thủy - bộ đường xa. Hầu hết các xã phát triển những trạm xay xát nhỏ, chế biến sản phẩm nông nghiệp cho tiêu dùng và xuất khẩu làm phong phú kinh tế nông thôn.

Từ sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển tạo tiền đề cho thương nghiệp, giao lưu kinh tế. Từ xa xưa, các xã ven sông Luộc, sông Cửu An đã xuất hiện những thương thuyền buôn bán lúa gạo, tơ lụa và sản phẩm của địa phương giao lưu với thị trường Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Chợ nông thôn phát triển ở nhiều làng - xã, mà trung tâm là các chợ Cao thuộc xã Đình Cao, chợ Từa ở xã Trần Cao, chợ Tràng thuộc xã Quang Hưng. Ngày nay, những trung tâm buôn bán đó vẫn còn giữ được truyền thống, phát triển đa dạng, phong phú thúc đẩy giao lưu kinh tế của địa phương và khu vực.

Trên cơ sở nền kinh tế phát triển, cơ sở xã hội và truyền thống lịch sử văn hoá của nhân dân Phù Cừ mang đậm nét truyền thống văn hoá Việt Nam, mà cốt lõi là thành tựu của nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Đó là biểu tượng độc đáo của các làng xã ở Phù Cừ đều lập đình làng thờ thành hoàng có công giúp dân cứu nước, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong tiến trình chung của đất nước, cư dân Phù Cừ xa xưa đã cùng các bộ tộc trong khối cộng đồng "Bách Việt" tràn xuống chinh phục đồng bằng Bắc Bộ, họ đã đoàn kết đắp đê trị thủy, chặt lau sậy chinh phục đầm lầy, chống thú dữ và giặc ngoại xâm. Đó là đòng chảy liên tục về lịch sử - văn hoá của nhiều thế hệ nối tiếp nhau xây đắp nên bản sắc quê hương, góp phần làm phong phú truyền thống văn hoá Việt Nam.

Trong lịch sử dân tộc, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, cư dân Phù Cừ vừa chinh phục thiên nhiên vừa đánh giặc ngoại xâm. Từ thời An Dương Vương lập nghiệp xây thành Cổ Loa cho đến thời Bà Trưng và các triều đại phong kiến sau này, nhân dân Phù Cừ đều ủng hộ quân lương, trai tráng trong làng đều nhập nghĩa quân, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Trong ba lần chiến thắng Nguyên - Mông thời Trần rực rỡ, cư dân nơi đây cùng với các địa phương trong vùng nằm trong phòng tuyến của phía Đông Bắc. Đến các triều đại về sau, cư dân Phù Cừ đã xuất hiện các tướng lĩnh cầm quân đánh giặc, mang lại nền thái bình cho đất nước. Ngày nay, những dấu tích đó còn lưu lại trong Ngọc phả của 11 đền thờ và thần tích 25 ngôi đình làng trong huyện.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, truyền thống yêu nước được tiếp nối, nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Lực lượng tham gia nghĩa quân đông nhất thuộc các thôn trong xã Minh Hoàng, Đoàn Đào, Phan Sào Nam và Minh Tân ngày nay. Đó là tên tuổi của các tướng lĩnh của nghĩa quân: Bùi Đăng Hợi, Bùi Đăng Hiệp (tức Hiệp trẻ), Lê Ngọc Sào và Hà Tiến Thâu ở thôn Đoàn Đào đã mưu trí, dũng cảm phất cờ của nghĩa quân Bãi Sậy tiêu diệt địch.

Cùng với lịch sử chống ngoại xâm, giá trị tư tưởng văn hoá còn lưu lại trong 45 ngôi chùa thờ Phật và các Đậu thờ trong vùng. Trong đó có 5 Đậu thờ lớn nhất là Đậu Từa (xã Trần Cao), Đậu Trà Bồ (xã Phan Sào Nam), Đậu Tam Đa (xã Tam Đa), Đậu Quang Xá (xã Quang Hưng) và Đậu Hà Linh (xã Đình Cao) đều thờ Ngọc Hoàng, thờ Trời là hiện thân tư tưởng triết học cổ đại về vũ trụ quan từ xa xưa có quan hệ chặt chẽ đối với cư dân trồng lúa nước. Ngoài ra, còn có một số văn chỉ hàng huyện, hàng tổng thờ Khổng Tử thuộc về Nho giáo và cũng là nơi quy tụ các bậc "Nho gia" lỗi lạc để bình thơ văn, đề cao trí tuệ việc học hành của nhân dân địa phương. Trong số những ngôi chùa ở Phù Cừ, một số ngôi chùa có công lớn trong cách mạng và kháng chiến như: chùa Nại Khê - nơi học tập quân sự, chính trị và in tài liệu cho Việt Minh. Gác Tam Quan ở chùa Đình Cao, nơi tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện năm 1945. Kế tiếp đó là chùa Sậy của xã Minh Tân đã che chở nuôi dưỡng và bảo đảm hoạt động an toàn của công binh xưởng Quân khu III về tản cư tại địa phương trong suốt những năm đầu của cuộc kháng chiến. Cổ nhân đã để lại biết bao giá trị lịch sử văn hoá, song do chiến tranh tàn phá, cộng với sự biến động của thời gian, nên những công trình kiến trúc đó chỉ còn lại rất ít được nhân dân tôn tạo, tu bổ thành những cảnh quan và khơi dậy truyền thống lịch sử - văn hoá của cha ông thuở trước làm giàu đẹp quê hương.

Tính đến năm 1999, toàn huyện có 6 điểm được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá. Đó là ba di tích thuộc xã Tống Trân gồm:

+ Đền thờ Lưỡng Quốc Trạng nguyên thuộc thôn An Cầu.

+ Đền Lê Xá thuộc thôn An Cầu thờ bà Dương Thị Ngọc Thư là hoàng hậu của vua Ngô Quyền đã cùng nhân dân địa phương dẹp tan quân Nam Hán.

+ Chùa Trà Dương thờ Phật - giầu giá trị nhân văn, có sập đá cổ với hoa văn đài sen, sóng nước vân mây thuộc niên đại thời nhà Đinh - là di sản quý của nhân dân trong huyện.

 Kế tiếp là Ba điểm: Tại đậu Trà Bồ thuộc xã Phan Sào Nam, đình Nghĩa Vũ xã Minh Tân và đền thờ bà Cúc Hoa là vợ của Trạng nguyên Tống Trân, giữ tiết hạnh chờ chồng đi 10 năm sứ sang Tàu (Trung Quốc). Ngày nay, một số quần thể thuộc các di tích lịch sử - văn hoá được nhân dân bảo vệ và phát huy những yếu tố tích cực cho đời sống văn hoá địa phương.

Gắn với quần thể văn hoá vật chất, những giá trị văn hoá tinh thần phát triển, mà biểu trưng là lễ hội truyền thống của các làng xã trong huyện. Theo lệ tiết hàng năm, các đình làng, đền thờ, đậu thờ... đều quy định: Xuân - Thu nhị kỳ tế lễ. Song lễ hội tập trung vào mùa xuân, cử mỗi đội xuân về, tùy theo từng làng xã có quy định khác nhau về ngày "Làng vào đám". Thông thường từ mồng 4 tết trở ra các làng vào đám mở hội khai xuân, mang sức sống mới thanh bình cho làng quê trù phú. Trước hết là phần lễ và sau là phần hội vui tươi lành mạnh, ca ngợi cuộc sống đôn hậu của cư dân địa phương. Lễ hội đã thu hút các bậc cao niên và trai tài, gái giỏi và các hoạt động văn hoá giàu tính nhân văn như ca hát, đánh cờ, đối thơ... Biết bao khúc dân ca quen thuộc, làn điệu chèo cổ, hát cửa đình, hát trống quân... đã tô đậm giá trị truyền thống quê hương hoà quyện với hồn dân tộc làm cho làng quê đầm ấm khi mỗi độ xuân về.

Ngày nay, lễ hội truyền thống từng bước được khôi phục, tính đến năm 1999, toàn huyện có 4 điểm được tổ chức lễ hội theo quy mô cấp xã. Đó là lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Tống Trân ở thôn An Cầu xã Tống Trân; Lễ hội Đậu Trà Bồ thuộc xã Phan Sào Nam; Lễ hội Đậu Từa ở xã Trần Cao và lễ hội ở Chùa Bà của xã Nhật Quang. Thông qua lễ hội khai thác những mặt tích cực của giá trị tinh thần cho cuộc sống của toàn dân để đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Tất cả điều kiện tự nhiên và xã hội là tố chất cơ bản để hun đúc nên tâm tưởng, tư chất thông minh hiếu học, cần cù và sáng tạo, anh hùng dũng cảm trong đấu tranh với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Trong đó, qua các thời kỳ lịch sử các bậc hiền tài đã giúp dân cứu nước. Vào thời nhà Trần, tại thôn An Cầu huyện Phù Hoa (sau này là huyện Phù Dung và là huyện Phù Cừ) có Trạng nguyên Tống Trân, sau đó đi sứ sang nước Tàu (Trung Quốc), vua Tàu phục tài năng của ông nên đã phong là Trạng nguyên. Do đó, ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân[4].

Với truyền thống hiếu học của nhân dân, các triều đại phong kiến Việt Nam đều xuất hiện nhân tài của đất nước có nhiều vị thi cử đỗ đạt cao: Như cụ Nguyễn Khắc Tân ở huyện Phù Dung đỗ tiến sĩ năm Quý Dậu (1453) vào đời vua Lê Nhân Tông. Khi đó, ông vừa tròn 25 tuổi - đang ở độ cống hiến tài năng sung sức nhất cho đất nước.

Sang triều nhà Mạc, vào đời Mạc Phúc Nguyên trị vì đất nước, huyện Phù Dung có 2 vị đỗ đạt cao. Đó là cụ Nguyễn Trí Dụng đỗ tiến sĩ, năm Đinh Mùi (1547) làm quan đến chức Tham chính. Kế đến cụ Trần Văn là người làng Phan Xá (xã Tống Phan ngày nay) huyện Phù Dung đậu Bảng Nhãn vào năm Canh Tuất (1550) làm quan trong triều nhà Mạc.

Tháng 8 năm 1802 (Nhâm Tuất), Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới (quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được vua Gia Long bổ nhiệm về làm tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)[5].

Đến thời thuộc Pháp, có cụ Nguyễn Công Tiễu ở thôn Trà Bồ (thuộc xã Phan Sào Nam ngày nay) với lòng ham học hỏi, trí thông minh và say mê nghiên cứu khoa học đã để lại một công trình đồ sộ nghiên cứu về nông học Việt Nam.

Theo dòng lịch sử, thời nào cũng có những người thi cử đỗ đạt cao làm rạng rỡ quê hương đất nước. Còn đại bộ phận dân cư giàu lòng hiếu học nhưng không có điều kiện đến lớp, họ học theo lối "truyền khẩu” về kinh nghiệp sản xuất, cách ứng xử của con người trong gia đình và xã hội. Ngoài ra, còn học hỏi kinh nghiệm dân gian về trị thủy, nhận biết về thời tiết, nông lịch cho sản xuất nông nghiệp, thuần dưỡng các loại cây - con làm ra đặc sản của địa phương.

Ngày nay, truyền thống xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước được phát triển trong điều kiện mới, nhân dân vẫn thiết tha với đồng ruộng, thông minh sáng tạo, xây dựng cuộc sống xóm thôn và bảo vệ quê hương đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến anh dũng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, toàn huyện có 25 nghìn người tham gia các lực lượng vũ trang cùng toàn dân có nhiều cống hiến quan trọng toàn diện, góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có hàng chục người là sĩ quan cao cấp, hàng nghìn người là sĩ quan và hạ sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam. Với những thành tựu đó Đảng và Nhà nước đã phong tặng huyện Phù Cừ, xã Tống Phan và xã Quang Hưng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[6]. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương các xã - thôn đang vững bước trên con đường đổi mới, tiếp bước kiến tạo xóm thôn của cha ông thuở trước, xây dựng nông thôn ngày thêm giàu đẹp. Hệ thống điện - đường - trường - trạm của các xã trong huyện đang được nâng cấp và từng bước hoàn thiện xây dựng nông thôn đổi mới. Những thành tựu về kinh tế xã hội mang lại đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương. Bộ mặt nông thôn đang đổi thay từng ngày, sự nghiệp y tế - giáo dục phát triển, toàn dân được phổ cập cấp I, trong đó có 80% dân số có trình độ cấp II và cấp III. Con em nhân dân lao động được trí thức hoá ở trình độ cao, có 25% dân số đạt trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Trong chiến đấu, sản xuất và xây dựng, biết bao những người con của quê hương đã tôi luyện trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và trong các lực lượng vũ trang. Nhân lực - trí lực của nhân dân Phù Cừ luôn xứng đáng với tổ tiên thuở trước, ngày nay có hàng nghìn người trở thành kỹ sư, bác sĩ, các nhà hoạt động văn hoá nghệ thuật, công tác xã hội, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật - nhân văn, bộ đội, công nhân và cả cư dân Phù Cừ đã và đang công tác, lập nghiệp trên khắp mọi miền của Tổ quốc luôn hướng về xây dựng quê hương, trở về với cội nguồn - nơi đã từng thấm đượm biết bao giọt mồ hôi và cả máu xương của cha ông thuở trước để làm giàu đẹp quê hương đất nước hôm nay.

Mảnh đất và con người Phù Cừ trường tồn trong lịch sử thật anh dũng, ngời sáng bản anh hùng ca về lịch sử đấu tranh oanh liệt với thiên nhiên và kiên cường chống giặc ngoại xâm. Tất cả điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống đã hun đúc nên phẩm chất cao quý của nhân dân Phù Cừ. Đó là tư chất thông minh hiếu học, cần cù - sáng tạo, kiên cường - dũng cảm và giàu đức tính hy sinh vì quê hương đất nước.

Những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp đó chỉ được phát huy có hiệu quả nhất, khi toàn dân đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Ngày nay trước yêu cầu của thời  kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đang từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

[1]- Đường 202 là đường thuộc huyện quản lý. Ngày 16-11-2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 2.031 chuyển tuyến đường huyện 202 thành đường tỉnh 386, có hiệu lực từ ngày 01-01-2013.

[2]- Dưới thời Pháp thuộc cho đến năm 1977, huyện lỵ Phù Cừ đặt trên địa phận thôn Đình Cao.

[3]- Quá trình thay đổi đơn vị hành chính rất phức tạp. Chúng tôi chỉ lược trình theo tên thôn xã đã ổn định.

[4] - Bia số 1 Văn miếu Xích Đằng ghi: “Tống Trân, người xã An Cầu, huyện Phù Cừ đỗ Trạng nguyên, năm Giáp Thìn nhà Trần”.

[5]- Nguyễn Lộc. Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII - Hết thế kỷ XIX) - Chương bảy: Nguyễn Du (1766-1820), Gia thế và cuộc đời Nguyễn Du, trang 301, NXB Giáo dục - 1999.

[6]- Tính đến tháng 12- 2012 huyện Phù Cừ và 7 xã ( Tống Phan, Quang Hưng, Phan Sào Nam, Tam Đa, Đoàn Đào, Minh Tân, Nguyên Hòa ) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7000421