Sau hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân nên huyện Phù Cừ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong giải tỏa vi phạm.
Xác định công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện có vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện nên Ban thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã triển khai, chỉ đạo có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 04 thông báo, 03 công văn; UBND huyện ban hành 02 kế hoạch, 08 quyết định, 12 thông báo, 24 công văn …Kết quả rà soát, tổng hợp đến nay trên địa bàn toàn huyện có 945 hộ xây dựng nhà ở, nhà tạm trái phép trên đất nông nghiệp. Diện tích công trình xây dựng nhà ở, nhà tạm khoảng 3,19 ha. Trong số này số hộ vi phạm trước khi có Chỉ thị 02/CT-UBND của UBND tỉnh là 847 hộ, diện tích khoảng 2,85 ha (Trước ngày 16/3/2016). Số hộ vi phạm sau Chỉ thị 02/CT-UBND của UBND tỉnh là 98 hộ diện tích khoảng 0,34 ha ( Từ ngày 16/3/2016 đến nay).
Ban thường vụ Huyện ủy đã kiểm điểm xử lý trách nhiệm của tập thể cấp ủy, cá nhân một số địa phương để xảy ra các vi phạm, buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai. UBND huyện, các xã, thị trấn cũng vào cuộc tích cực tập trung mọi nguồn lực với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc giải tỏa các công trình vi phạm. Chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng đất thông qua các phương tiện truyền thông, đài, báo và tại các hội nghị, cuộc họp cấp xã, thị trấn, thôn, xóm; nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền và người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành, tính đến ngày 27 tháng 9 năm 2018 đã có đã có 761/945 hộ tự giác giải tỏa tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp (trong đó có 497 hộ giải tỏa, tháo dỡ xong hoàn toàn). Nhiều xã đã tích cực trong việc giải tỏa vi phạm trên đất nông nghiệp như xã Tống Trân, xã Tam Đa, xã Nhật Quang, xã Tống Phan , xã Tiên Tiến, ….điển hình là xã Tống Trân có 54/54 hộ tháo dỡ xong hoàn toàn.
Lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề “nóng” được cấp ủy, các ngành, chính quyền và người dân quan tâm. Kế hoạch số 93a của UBND tỉnh là nhiệm vụ chính trị cần tập trung thực hiện nhưng đây cũng là việc làm rất khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành tuần tự từng bước theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai, thực hiện còn gặp những khó khăn nhất định. Các trường hợp vi phạm chủ yếu tập trung tại các khu vực giáp khu dân cư, gần đường giao thông, trong đó có nhiều công trình vi phạm đã tồn tại từ nhiều năm trước, được xây dựng kiên cố khiến việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân còn có tư tưởng trông chờ, nghe ngóng giữa các địa phương bạn khi thấy một số nơi trên địa bàn không có cùng sự chỉ đạo đồng nhất trong việc giải tỏa, tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp.
Một số đối tượng lợi dụng chống đối tuyên truyền sai sự thật, thậm chí kích động các hộ vi phạm tổ chức theo nhóm chống đối, dùng báo chí can thiệp, đưa tin không đúng quy định của pháp luật, quy định của tỉnh làm lệch lạc chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, của huyện.
Thiết nghĩ, việc giải tỏa vi phạm trên đất nông nghiệp là việc cần thiết, không có ngoại lệ để trả lại nguyên trạng đất nông nghiệp. Các cấp chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, việc tổ chức thực thi ở các địa phương cần đảm bảo một cách nghiêm minh, khách quan và minh bạch. Các ban ngành đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai để tạo ra sự đồng thuận của người dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của các cá nhân. Tinh thần chỉ đạo của huyện là tăng cường tuyên truyền và lấy tuyên truyền, vận động là chính để tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân. Từ đó, người dân tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, giảm thiểu việc huy động tổ chức cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, huyện cũng chỉ đạo cương quyết xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm và xử lý kiên quyết trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chậm xử lý, giải tỏa vi phạm hoặc để phát sinh vi phạm mới. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và toàn diện./
Chính Nghĩa