Mạng lưới đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100km tuyến sông Trung ương gồm sông Hồng và sông Luộc, 113km đường sông nội tỉnh gồm các tuyến sông: Sặt, Cửu Yên, Điện Biên, Tam Đô và sông Chanh. Tiềm năng kinh tế vận tải thuỷ được phân bổ ở hầu khắp các địa phương, tuy nhiên đến nay toàn tỉnh mới chỉ khai thác đạt từ 30% - 50% tiềm năng.
|
Hoạt động vận tải hàng hóa trên tuyến sông Luộc |
Hạ tầng thiếu đồng bộ
Theo đánh giá của Đoạn quản lý đường sông, hiện nay, đoạn đang được phân cấp quản lý, bảo trì 113km đường sông nội tỉnh. Do đặc thù các tuyến sông đều nằm trong hệ thống công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, một số cầu, cống có tĩnh không và khẩu độ hạn chế nên chưa khai thác hết tiềm năng trong hoạt động vận tải, nhiều tuyến sông chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ; một số công trình cầu, cống qua sông không bảo đảm cho tàu vận tải lưu thông…
Sông Sặt chảy qua địa bàn tỉnh với chiều dài 34km. Chiều rộng lòng sông từ 40 - 80m, chiều sâu chạy tàu khoảng 2,2 - 4m, cho phép tàu tự hành có trọng tải 100 tấn - 250 tấn đi lại toàn tuyến. Hiện nay, mật độ phương tiện trên tuyến sông qua địa bàn tỉnh đạt bình quân khoảng 20 phương tiện/ngày đêm, hàng hoá lưu thông khoảng 650 nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, hạn chế của tuyến sông này là trên tuyến có nhiều cống, chiều cao tĩnh không hạn chế (từ +5,2m - +5,5m), cửa các âu, đập hẹp. Đặc biệt là cống Kênh Cầu, cống Báo Đáp, cống Xuân Quan có cửa cho phương tiện qua lại nhưng lâu ngày không được tu bổ nên việc mở để lưu thông phương tiện gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tuyến sông Sặt chưa được khai thông để ra thẳng sông Hồng làm hạn chế rất lớn cho việc vận tải hàng hoá và thông thương giữa Hưng Yên với Hà Nội, Hải Phòng với Hà Nội đi qua Hải Dương và Hưng Yên với các tỉnh khác.
Sông Cửu Yên (còn gọi là sông Cửu An) chảy qua địa bàn tỉnh với chiều dài 23km, qua địa bàn các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ. Chiều rộng lòng sông khoảng 40 - 60m, chiều sâu khoảng 2m - 3,5m; mật độ phương tiện bình quân khoảng 10 phương tiện/ngày đêm, hàng hoá lưu thông khoảng 250 nghìn tấn/năm.
Hạn chế của tuyến sông này là trên toàn tuyến qua địa bàn tỉnh có 11 cầu, các cầu đều có cao độ đáy dầm thấp, đoạn cầu Thi - đập Giàn cao độ dầm cầu là +4,2m - 4,5m; lòng sông đoạn đầu tuyến từ đập Giàn đến cầu Kim Động còn cạn và chướng ngại vật tại chân cầu Vũ Xá (Kim Động). Các cầu qua sông đều có tĩnh không thấp và yếu, đây là những trở ngại chính cho vận tải thuỷ trên tuyến sông này. Hiện nay, các phương tiện có trọng tải dưới 200 tấn chỉ có thể đi vào đến cầu Thi (Ân Thi). Đoạn từ cầu Thi – cầu Ngàng (Kim Động) chỉ đáp ứng lưu thông cho các phương tiện có trọng tải dưới 100 tấn.
Cùng với những bất cập về hạ tầng của các tuyến sông trên, tại các tuyến sông như sông Chanh, sông Điện Biên, sông Tam Đô còn nhiều âu thuyền và cầu qua sông có khẩu độ, cao độ tĩnh không thấp, nhiều chướng ngại vật chưa được thanh thải nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động vận tải thủy nội địa.
Ông Vũ Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 2 cho biết: Sông Luộc hiện có hoạt động vận tải sôi động nhất trong hệ thống giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh, với lưu lượng trung bình 250 - 300 lượt phương tiện/ngày đêm, chủ yếu tàu tự hành có tải trọng 300 – 400 tấn. Trên sông Hồng trung bình có khoảng 150 – 200 lượt phương tiện/ngày đêm lưu thông. Tuy nhiên, tiềm năng về giao thông đường thủy chưa được khai thác hiệu quả, hoạt động vận tải thủy trong những năm qua chỉ đạt khoảng 30% - 50% tiềm năng.
Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; toàn tỉnh có khoảng 60 bến bốc xếp hàng hóa, song chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán và thiếu đồng bộ; các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vận tải đường thủy năng lực tài chính còn yếu, cùng với đó là phương tiện lạc hậu; các tuyến sông còn thiếu sự kết nối. Ngoài ra, mực nước trên các tuyến sông ngày càng thấp ảnh hưởng lớn đến lưu thông của các phương tiện vận tải thủy…
Khai thác hiệu quả lợi thế
Thúc đẩy sự phát triển của vận tải đường thủy tương xứng với tiềm năng, nhất là vận tải hàng hóa trên sông Hồng, sông Luộc và hệ thống sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải, về lâu dài là giải pháp bền vững giảm gánh nặng, giảm chi phí vận chuyển, cũng như giảm áp lực ngày một tăng về nhu cầu giao thông lên mạng lưới giao thông đường bộ. Tuy vậy, việc không phát huy được hết tiềm năng về giao thông đường thủy nội địa trong thời gian qua là do đầu tư cho giao thông đường thủy còn hạn chế.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 2, đơn vị được giao quản lý, bảo trì 2 tuyến sông Trung ương trên địa bàn tỉnh là sông Hồng và sông Luộc, năm 2016, kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo trì chỉ đạt 9 tỷ đồng; Đoạn quản lý đường sông được giao quản lý, duy tu, bảo trì 113km sông nội đồng, năm 2016, kinh phí được phân bổ trên 4 tỷ đồng thực hiện công tác duy tu, bảo trì.
Để phát triển mạng lưới, khai thác hiệu quả vận tải đường thủy, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu nhằm nâng cấp các tuyến sông địa phương đạt tiêu chuẩn cấp IV; cải tạo các âu thuyền trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải; xây dựng cảng sông trên sông Hồng và sông Luộc đạt công suất 150.000 - 350.000 tấn/năm; các bến sông địa phương đạt công suất 50.000 - 100.000 tấn/năm. Quy hoạch các tuyến sông Bắc Hưng Hải, sông Cửu Yên, sông Chanh được cải tạo, nâng cấp bảo đảm cho tàu 200 - 250 tấn lưu thông; các tuyến sông Điện Biên, Tam Đô bảo đảm cho tàu 150 tấn lưu thông. Đầu tư nâng cấp, cải tạo để đến năm 2020 khối lượng vận tải hàng hóa đường sông đạt 4,4 triệu tấn… Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn, các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ một số giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, quỹ đất và vốn đầu tư…
Ông Nguyễn Đức Cảnh, Giám đốc Đoạn quản lý đường sông cho biết: Để nâng cao hiệu quả và phát triển năng lực khai thác vận tải thủy, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm đầu tư kinh phí để nâng cấp, sửa chữa một số tuyến luồng cũ, cầu yếu có chiều cao tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp, một số âu đập cũ, kích thước nhỏ. Nâng cấp cầu Thi cũ, cầu Ba Đông, cống Tam Đô, cầu sắt thuộc đường gom đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên sông Chanh; thanh thải vật chướng ngại gầm cầu Thi và cầu Nguyễn; tiếp tục nâng cấp khai thác đầu tuyến sông Cửu Yên đến Nghi Xuyên, nâng cấp sửa chữa cầu Long Vĩ trên sông Sặt. Nghiên cứu phương pháp thanh thải bèo, rác, giải tỏa ách tắc bảo đảm giao thông hiệu quả. Để hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường thủy, việc đầu tư và thi công các công trình liên quan đến giao thông đường thủy phải được thực hiện thống nhất về số liệu kỹ thuật theo quy hoạch cấp sông, góp phần bảo đảm các công trình trên cùng một tuyến có kích thước thông thuyền tương đồng nhau tạo điều kiện cho các phương tiện đi lại liên hoàn trên cùng một tuyến.