Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng…
Trong diễn văn phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nêu bật bối cảnh ra đời của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Cách mạng Tháng Mười Nga đã "làm rung chuyển thế giới", phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực trên một phần sáu địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thực sự đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga, đồng thời đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Nó đã vượt khỏi không gian và thời gian, trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
“Nhân dân Việt Nam cùng loài người tiến bộ mãi mãi ghi nhớ công ơn của lãnh tụ vĩ đại V.I. Lenin, của những người Bôn-sê-vích và nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đã phấn đấu, hy sinh làm nên sự kiện lịch sử có một không hai này”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, riêng đối với Việt Nam, chúng ta có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta chính là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng nước ta.
Thắng lợi vĩ đại của quân và dân Liên Xô trong chiến tranh chống phát xít đã tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta thành công, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời kỳ nhân dân ta tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ban đầu là ở miền Bắc và sau này là trên cả nước khi nước nhà đã thống nhất, Liên Xô luôn dành cho nhân dân ta sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ, giúp quân dân ta giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Một trong những sự giúp đỡ của Liên Xô có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là đã đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và người lao động Việt Nam trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học-công nghệ, văn hoá, ngoại giao, quân sự, an ninh...; đó là chưa kể hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam đồng cam cộng khổ, tận tình giúp đỡ nhân dân ta bảo vệ và xây dựng đất nước.
“Nhân dịp này, chúng ta một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết về tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, hết sức quý báu dành cho nhân dân ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ.
Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, với những bài học kinh nghiệm đắt giá từ thành công và cả những thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong gần một thế kỷ qua, chúng ta cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhằm tiếp tục làm sáng rõ những quy luật, nguyên lý phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập trung quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối cơ bản nêu trong Cương lĩnh của Đảng và triển khai thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà các đại hội, nhất là Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra. Đó là, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hoà bình", phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước. Mở rộng và phát triển chiều sâu trong các quan hệ đối ngoại; sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, hơn lúc nào hết, chúng ta càng nhận thức rõ hơn những giá trị và đóng góp to lớn mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho nhân loại, càng nhận thức sâu sắc hơn những bài học xương máu từ sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô-viết và càng kiên định hơn con đường đổi mới vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Thực tiễn và các thành tựu của cách mạng Việt Nam là thực tế sinh động góp phần bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lenin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nguồn: chinhphu.vn