TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  09/03/2017     |  Lượt xem 2282   

Lưu giữ di sản báo Cứu Quốc

Qua 75 năm phát triển, báo Cứu Quốc- Cơ quan tuyên truyền cổ động của Mặt trận Việt Minh, tiền thân của tờ báo Đại Đoàn Kết được nhiều nhà nghiên cứu coi là một di sản văn hóa quý báu. Dịp này, phóng viên Báo ĐĐK đã tìm đến những trung tâm lưu trữ và bảo quản hiện vật lớn của quốc gia, để tận mắt thấy hiện vật báo Cứu Quốc đã được gìn giữ ra sao sau hơn 7 thập kỷ ra đời và phát triển.

Báo Cứu Quốc được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

1. Các cán bộ Phòng Quản lý hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, báo Cứu quốc hiện vật gốc đang được lưu trữ tại đây bắt đầu từ Số mùa Xuân ra ngày 10/2/1942. Trong giai đoạn 1942-1945 báo Cứu quốc được lưu trữ gần như trọn bộ (24/30 số và 4 số phụ trương), cung cấp cho giới nghiên cứu những thông tin chính xác chân thực về một giai đoạn cách mạng đầy khó khăn gian khổ nhưng sôi nổi và hào hùng của Đảng và nhân dân ta. Sau giai đoạn này, báo Cứu quốc và báo Giải phóng được lưu trữ không đầy đủ qua các năm 1947, 1948, 1949, 1950, 1951, 1953, 1954 và cách quãng cho đến năm 1976. Toàn bộ hiện vật báo Cứu Quốc cũng như báo Giải phóng vẫn đang được lưu trữ và phục vụ tra cứu theo hình thức thủ công, chưa được số hóa. Cùng với những qui định bảo quản hiện vật nghiêm ngặt của Bảo tàng nên việc tiếp cận cũng chưa thật thuận tiện. 

ThS Phan Tuấn Dũng- Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Bảo tàng, người đã làm luận văn nghiên cứu về việc sưu tập báo Cứu Quốc giai đoạn 1942-1945 từ 15 năm trước cho hay: bộ sưu tập báo Cứu quốc tại Bảo tàng chính là nguồn tư liệu có giá trị to lớn về nhiều mặt, đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm khai thác sử dụng làm tư liệu cho các công trình nghiên cứu. Theo ông Dũng, việc ông làm một đề tài khoa học về báo Cứu Quốc giai đoạn 1942-1945 đang lưu trữ tại Bảo tàng cũng nhằm giới thiệu báo Cứu Quốc với tư cách như một nguồn sử liệu quan trọng, một di sản văn hóa của dân tộc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945. Các thế hệ hậu sinh có thể thấy rõ điều này qua giá trị chính trị tư tưởng, lịch sử phát triển của báo Cứu quốc qua các thời kỳ (hoạt động bí mật, công khai...), trong tiến trình cách mạng, đồng thời giúp cho việc nghiên cứu lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam một cách đầy đủ hơn. 

Có một điều thú vị là nghiên cứu kỹ về báo Cứu Quốc trước Cách mạng tháng Tám, ông Dũng cho biết một thể loại ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên và khá phổ biến trên báo chính là thơ và kịch thơ, ca dao. Trong 24 số báo Cứu quốc và 4 số phụ trương hiện đang được lưu trữ tại BTLSQG (trước đó là Bảo tàng Cách mạng VN), có 25 bài thơ ca dao cứu quốc rải rác ở các số báo, chủ yếu là ở những số báo Xuân. Những bài thơ ấy thường là ca dao thể thơ lục bát gần gũi, dễ thuộc với người dân, nhằm cổ động trực tiếp cho phong trào quần chúng, cho Mặt trận Việt Minh, kêu gọi quần chúng hăng hái gia nhập Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập tự do. Những bài thơ- ca dao ấy đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc truyên truyền đường lối chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Ông Dũng ấn tượng với bài  “Nụ cười Tết” ( Số Mùa Xuân 1942, ngày 10/2/1942): 

Nụ cười thầm bảo bạn cần lao
Cười với mồ hôi với màu đào
Co cẳng đạp tung vòng áp bức
Ngọn cờ tranh đấu đã nêu cao...

Hay còn một ngôn ngữ khác đáng lưu ý mà báo Cứu Quốc thời kỳ ấy sử dụng đó chính là minh họa báo bằng tranh vẽ châm biếm đả kích. Trên tất cả các số báo Cứu Quốc mà Bảo tàng lưu giữ, có khoảng 7 tranh như vậy. Chủ đề chính là tập trung tố cáo tội ác của Nhật-Pháp, cổ động cho chính sách đoàn kết dân tộc đánh Pháp đuổi Nhật, cổ động cho việc đón đọc báo Cứu Quốc những số ra sau này. 

Báo Cứu Quốc được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hiện BTLSQG đang lưu trữ một bộ sưu tập Báo chí cách mạng với hơn 140 đầu báo, lên đến hàng ngàn tờ báo. Trong số này có đến 72 loại báo chí cách mạng phát hành trước Cách mạng tháng Tám 1945 và báo Cứu Quốc là một trong những di sản đó. Như đã nói ở trên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ lưu trữ được tờ báo Xuân Cứu Quốc từ số ra ngày 10/2/1942, có nghĩa là tờ Cứu Quốc ra số đầu tiên ngày 25/1/1942 không có trong bộ sưu tập của Bảo tàng. Cho dù đã qua nhiều lần sưu tập bổ sung, cũng như  kêu gọi hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhưng đến nay việc sưu tầm bổ sung những số báo Cứu quốc đầu tiên ấy vẫn chưa thể đầy đủ. Trước đó, năm 2015 tại trưng bày chuyên đề “Sưu tập Báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1925-1945”, trong số hơn 200 hiện vật và báo chí cách mạng mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng, tờ báo Xuân Cứu Quốc ra ngày 10/2/1942  đã được trưng bày trang trọng.

2. Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG), các cán bộ của phòng Báo - Tạp chí cho hay, trải qua  nhiều thập kỷ, với những điều kiện bảo quản và lưu trữ tài liệu hiện vật ở nhiều giai đoạn rất khó khăn, nên TVQG chỉ đang lưu trữ những tờ báo Cứu Quốc từ năm 1945 trở về sau. Tuy nhiên cũng không thật đầy đủ trọn bộ. Cụ thể, năm 1945 chỉ có báo ra từ số tháng 9- tháng 12 (số 36- số 130); Năm 1946 có báo từ tháng 1-12 ( số 130- số 440); Năm 1947 có báo từ tháng 9/12 (số 688-794) ... và cho đến báo Cứu quốc những năm sau này. Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện cũng lưu trữ Báo Giải phóng (Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam) các năm 1975, 1976. 

Báo Cứu Quốc được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

 

Điều đáng mừng là toàn bộ báo Cứu Quốc đã được số hóa lưu trữ dưới dạng Microfilm đưa vào cơ sở dữ liệu của TVQG, lưu trên trang Web của TVQG (Mục tra cứu - CSDL toàn văn - Thư viện báo chí) nên rất thuận tiện và hữu ích cho những người có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu. Riêng báo Giải phóng được đóng tập bìa cứng, xếp giá và bảo quản theo qui định nghiêm ngặt của Thư viện. 

Nhân chuyến ngược hành trình lưu trữ di sản báo Cứu Quốc, một chi tiết khiến chúng tôi ấn tượng là Ban Tuyên giáo huyện ủy Phù Cừ - Hưng Yên đã tìm được một bài viết trên báo Cứu Quốc số ra 2539, ngày 23/2/1954 (nguồn TVQG), có nói rằng trong kháng chiến chống Pháp, kẻ thù đã giết hại dã man  hơn 2.000 đồng bào, bỏ tù hơn 5.000 người và hãm hiếp hơn 1.000 phụ nữ ở khu vực bốt La Tiến- xã Nguyên Hòa, chứ không phải  hơn 1.000 người như lâu nay báo chí vẫn đưa. Như vậy, báo Cứu Quốc lưu trữ tại TVQG chính là một kênh quý báu để huyện Phù Cừ tham khảo, đối chiếu và xác minh lại những thông tin và thông số lịch sử.

Khi chúng tôi lần theo hành trình lưu giữ những tờ báo Cứu quốc, anh bạn đồng nghiệp nhìn thấy những bản báo in lito của một thời đã xúc động đến rơi nước mắt. Chỉ tiếc trong hành trình tìm về nguồn, chúng tôi- thế hệ làm báo sau này vẫn chưa tận mắt thấy tờ báo Cứu Quốc hiện vật gốc ra ngày 25/1/1942. Hi vọng những tờ báo Cứu quốc đầu tiên ấy vẫn đang nằm đâu đó trong những bộ sưu tập cá nhân, và sẽ được hiến tặng cho các Trung tâm lưu trữ lớn quốc gia; góp phần vào việc làm đầy đủ bộ sưu tập báo Cứu Quốc nói riêng và báo Đại Đoàn Kết nói chung, nhằm tạo điều kiện giúp đông đảo công chúng tận mắt được chiêm ngưỡng di sản báo Cứu quốc quý báu 75 năm về trước.

Hương Lê

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7001938