TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  20/11/2018     |  Lượt xem 964   

Món quà lớn nhất với thầy cô giáo

Món quà lớn nhất mà các thầy cô giáo mong đợi, hơn cả những lẵng hoa và những lời chúc mừng trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, có lẽ chính là sự kính trọng, tôn trọng của học sinh, phụ huynh và xã hội dành cho giáo viên nói riêng và ngành Giáo dục nói chung.

Ảnh: vov.vn
Ảnh: vov.vn
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – cuộc cách mạng tự động hóa, có thể sẽ làm cho nhiều nghề trong xã hội khó có cơ hội tồn tại, nhưng nghề dạy học lúc nào cũng cần thiết. Dù xã hội phát triển đến đâu, quan niệm cũng như cách thức đào tạo có khác nhau đến đâu thì nghề dạy học vẫn luôn là nghề cao quý.
Cao quý bởi người thầy không chỉ hành nghề bằng chuyên môn, mà bằng cả trái tim và nhân cách của mình.
Cha mẹ sinh con và nuôi dưỡng, dạy dỗ con hàng ngày, nhưng để con phát triển toàn diện, trở thành những con người có ích cho gia đình, cho xã hội thì nhất định phải nhờ đến nhà trường. Các thầy, cô giáo sẽ dìu dắt học trò từng bước đến bến bờ của tri thức, từng bước trưởng thành… Đó là quy luật của muôn đời. Và điều đó, khiến xưa kia, người ta coi trọng thầy học ngang với cha mẹ.
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống "tôn sư trọng đạo", đề cao học vấn nên rất tôn trọng nghề dạy học. Suốt những năm chiến tranh và những năm kinh tế bao cấp khó khăn, học sinh và phụ huynh cũng không quên bày tỏ lòng tri ân các thầy, cô giáo. Những bó hoa vườn nhà, cân cam, cuốn sổ là những món quà đơn sơ nhưng nặng trĩu ân tình, mà cuộc đời mỗi người đã trải qua thì cũng nhớ mãi, không thể nào quên.
Ngày nay, kinh tế thị trường đã tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó giáo dục cũng không ngoại lệ. Do đó, đã có quan niệm dù không chính thức rằng giáo dục, dạy học cũng là dịch vụ. Nhà trường, giáo viên là người cung cấp dịch vụ, học sinh là người sử dụng dịch vụ và phụ huynh là người chi trả phí dịch vụ. Đã là dịch vụ thì “khách hàng là thượng đế”, khách hàng có quyền đòi hỏi cao về chất lượng và thái độ của bên cung cấp dịch vụ. Ở khía cạnh nào đó thì cũng có thể đúng, nhất là với giáo dục đại học, nhưng đôi khi người ta quên mất tính chất đặc thù của việc dạy và học, đó là đào tạo và rèn luyện con người, để sản phẩm ấy có tâm hồn và học thức, có tri thức và có nhân cách tốt, nên người thầy không đơn thuần là người cung cấp dịch vụ.
Quan niệm nhầm lẫn ấy dẫn đến nhiều hệ lụy, thầy cô bị soi mói quá mức. Không ít thầy cô bị bêu xấu vì những lý do nhỏ nhoi… đã trở nên ngại ngần, thiếu chủ động trong dạy học và hình ảnh thầy cô cũng sa sút trong mắt học trò, trong khi trò đang rất cần tấm gương, niềm kính trọng và tin tưởng ở thầy cô để phấn đấu, rèn luyện noi theo.
Ở khía cạnh khác, một số quy định pháp luật chưa đảm bảo sự chuẩn mực cũng khiến các thầy, cô giáo cảm thấy thiếu được tôn trọng, dẫn đến giảm tự tin và nhiệt huyết đối công việc.
Ở Phần Lan, một trong số ít đất nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới, đầu vào của ngành sư phạm cực kỳ khắt khe vì đòi hỏi rất cao. Khi đã trở thành giáo viên thì họ không hề phải chịu bất kỳ áp lực gì, không bị thanh tra, ngay cả hiệu trưởng cũng không có quyền buộc họ phải làm thế này hay thế khác.
Phần Lan cũng không có các phong trào thi đua, để các giáo viên phải chạy theo thành tích. Họ là những chuyên gia giáo dục, ai cũng phải có bằng thạc sĩ trở lên. Họ là một nhà sư phạm trong việc chuyển tải tri thức, một người biết làm nghiên cứu về giáo dục, một kỹ sư tâm hồn đúng nghĩa. Họ chủ động hoạch định mục tiêu chương trình giảng dạy, tự do trong việc tổ chức giảng dạy, lựa chọn phương pháp sư phạm và đánh giá học sinh. Về đời sống vật chất, mức lương đủ cho phép họ sống đàng hoàng để toàn tâm toàn ý dấn thân cho nghề nghiệp.
Các thầy cô giáo ở nước ta cần được sự tôn trọng thật sự, không chỉ bằng tình cảm truyền thống thuần túy mà bằng cả những quy định, những chính sách phù hợp với mục tiêu giáo dục mới. “Bốn trụ cột của giáo dục” mà UNESCO đưa ra là: Học để chung sống; Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại. Điều đặc biệt nữa, UNESCO còn khẳng định vai trò trung tâm của người thầy.
Hiện nay, thay vì đào tạo con người công cụ như nền giáo dục khoa cử thời phong kiến, nền giáo dục hiện đại đào tạo con người tự do. Khi đó, con người sáng tạo, con người làm chủ sẽ tự nhiên xuất hiện. Mà muốn như vậy thì chính các thầy, cô giáo phải là những người chủ động và sáng tạo trong công việc của mình./.
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 6944388