TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  14/03/2017     |  Lượt xem 31123   

NHỮNG TÌNH CẢM VÀ LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỚI HƯNG YÊN

Là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, Hưng Yên có diện tích không lớn, nhưng lại có vị trí địa lý quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hưng Yên được coi là cửa ngõ phía đông của thủ đô Hà Nội, trấn giữ các con đường thủy và bộ từ các tỉnh duyên hải Bắc bộ về thủ đô. Cùng với sự bồi tụ của phù sa sông Hồng, sông Luộc, trong sự phát triển của mình, Hưng Yên còn có sự bồi tụ của các lớp trầm tích văn hóa mang đặc trưng phong cách châu thổ của nền văn minh lúa nước. Thương cảng Phố Hiến của Hưng Yên được xem như là “khu kinh tế mở” dưới thời phong kiến, sầm uất như một “tiểu Tràng An” và đã được lưu truyền thành câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nhiều danh nhân là con em của quê hương Hưng Yên đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo văn hóa Việt Nam…

Hưng Yên cũng là tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những tình cảm đặc biệt. Là Chủ tịch nước, bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm Hưng Yên đến 10 lần. Riêng năm 1958, Bác Hồ đã về thăm Hưng Yên 5 lần. Người còn dành thời gian viết thư 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân từ các cháu thiếu niên nhi đồng, chiến sĩ dân quân, bộ đội, giáo viên đến các cụ phụ lão, những người con Hưng Yên có thành tích trong chiến đấu, lao động, rèn luyện và học tập…

1. Tình cảm, lời dạy của Bác Hồ đối với đảng bộ và nhân dân Hưng Yên về trị thủy và làm thủy lợi

Nằm trong khu vực châu thổ, dù được hưởng khá nhiều thuận lợi về thổ nhưỡng nhưng Hưng Yên lại chịu nhiều hậu quả của lũ lụt do các con sông tạo ra, đặc biệt là sông Hồng, sông Luộc. Trong các triều đại phong kiến, Hưng Yên thường xuyên bị vỡ đê và chịu hậu quả của vỡ đê. Năm 1352, thời Trần Dụ Tông, đê Bát Khối (nay là Bát Tràng và Thủ Khối- Gia Lâm) bị vỡ, “Khoái Châu, Hồng Châu và Thuận An hại nhất”[1]. Năm 1663, thời vua Lê Huyền Tông, đê lộ Khoái cùng bị vỡ. Các năm 1708, 1711, 1730, 1767, đê Mạn Trù, Văn Giang, Khoái Châu đều vỡ. Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm 1823, đời Minh Mệnh, vỡ đê Văn Giang. Năm 1828, vỡ đê Kim Quan, Võng Phan, làm chết nhiều người”. Có thời kỳ đê Văn Giang vỡ 18 năm liền:

Hưng Yên mà chẳng được yên

Mười tám năm liền liên tục vỡ đê

Nỗi ám ảnh về nạn vỡ đê đã trở thành tâm thức của người dân Hưng Yên một thuở. Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hưng Yên là ngày 10/1/1946, là để thăm đê, động viên nhân dân giữ đê. Bác chân tình: “Trước là thăm đồng bào Hưng Yên, hai là thăm đê”. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân tại thị xã Hưng Yên, Người ân cần “Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới”. Cũng tại buổi nói chuyện này, Người căn dặn nhân dân: “Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói”.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy không trực tiếp về Hưng Yên, nhưng Bác đã nhiều lần gửi thư cho đồng bào động viên việc củng cố đê điều, chống giặc phá hoại đê, gây lũ lụt…

Bên cạnh việc giữ đê, phòng lụt, Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề thủy lợi của Hưng Yên. Sau ngày giải phóng quê hương năm 1954, quân dân Hưng Yên bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo phát triển sản xuất, phát triển văn hoá xây dựng quê hương. Là tỉnh đồng bằng châu thổ, nông nghiệp lúa nước là thế mạnh kinh tế chủ lực, Hưng Yên luôn canh cánh nỗi lo về nước tưới tiêu ruộng đồng. Dù truyền thống cố kết cộng đồng làng xã có những kết quả bước đầu trong trị thủy và làm thủy lợi, nhưng so với những cánh đồng tập trung của thời kỳ hợp tác hóa, việc chủ động về nguồn nước vẫn là yêu cầu cấp bách đặt ra. Trong khoảng thời gian 2 năm, 1958- 1959, Bác đã dành thời gian về thăm Hưng Yên 6 lần, chủ yếu để chỉ đạo và động viên Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà làm thủy lợi. Ngày 5/1/1958, Bác về. Buổi sáng, sau khi nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã về chống hạn, Người đi thăm nhân dân đang vét ngòi Triều Dương, xã Quốc Trị[2] và dân công đào sông từ Phố Giác đến Chợ Thi[3]. Tại đây, Người nói: “Làm thuỷ lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời”. Người ân cần dặn dò “Phải đào sông khơi ngòi, hợp tác nhau lại chống thiên tai”. Vâng lời Bác,  nông dân trong tỉnh đã vào các tổ đổi công, hợp tác xã và ra sức đào mương chống hạn.

Lần thứ tư Bác Hồ về thăm Hưng Yên vào ngày 3/7/1958, nhân Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa giỏi tỉnh Hưng Yên. Sau khi nói chuyện với đại biểu Đại hội, Người ra nói chuyện với đoàn đại biểu nhân dân thị xã Hưng Yên tại Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh bên hồ Bán Nguyệt. Buổi chiều, Bác về thăm nhân dân xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm)- nơi có thành tích đào giếng lấy nước cứu lúa. Tại đây Bác nhắc nhở cán bộ và nhân dân: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”. Đến ngày 20/9/1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Tại đây Bác nói chuyện với nhân dân các địa phương đang làm việc tại công trường. Người nói: “Công trình Bắc- Hưng - Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng lên”.

Công trình Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải là một trong những công trường lớn của miền Bắc với triển vọng chủ động tưới tiêu cho hàng ngàn héc-ta ruộng các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Khắp các công trường, cán bộ, nhân dân ra sức thi đua thực hiện lời Bác dạy “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài trăm năm”. Các công trường trên địa bàn các huyện Văn Giang, Văn Lâm đã vinh dự được đón Bác về thăm ba lần nữa. Đó là ngày 16/10/1958, Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ, dân công và nhân dân xã Trung Kiên (nay là xã Lạc Đạo, Văn Lâm) đang làm việc tại đoạn sông Đình Dù đoạn Như Quỳnh, chợ Đậu. Ngày 25/10/1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Ngày 20/2/1959, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ tư. Bác đến thăm anh chị em công nhân đang làm việc tại cống Xuân Quan (Văn Giang) và tới thăm nhân dân xã Bát Tràng (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội).

Từ niềm tin tưởng, sự quyết tâm to lớn: “Nhân định thắng thiên”, “Làm thuỷ lợi khó nhọc trong vài năm để sung sướng muôn đời”… mà Bác truyền cho, trên khắp các địa phương, nhân dân Hưng Yên sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “thay trời làm mưa”. Toàn tỉnh như một công trường khổng lồ với nhiều công trình thủy lợi lớn như công trình đại thuỷ nông Bắc -  Hưng -  Hải điều tiết và cung cấp nước tưới cho ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; công trình sông Điện Biên cung cấp nước tưới cho hơn hai vạn hécta ruộng phía nam tỉnh, công trình dòng sông mang tên Bác Hồ của huyện Tiên Lữ. Cuối năm 1958, xã Vạn Xuân đã trở thành xã mạnh, nhất là trong phong trào làm thuỷ lợi, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên lại một lần nữa vinh dự đón Bác về thăm và được Bác tặng cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc (ngày 15 và 16/9/1961). Niềm vinh dự lớn lao càng góp phần nhân lên sức mạnh, sự quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chính vì vậy, Hưng Yên không ngừng vươn lên, liên tục 4 năm 1961 – 1964, Hưng Yên đều được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng cờ thưởng luân lưu làm thuỷ lợi khá nhất. Trong phong trào thủy lợi của Hưng Yên, đã xuất hiện 2 cá nhân được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động ngành thủy lợi là Phạm Thị Vách và Vũ Thị Tỵ; có 11 người được Bác thưởng huy hiệu vì có thành tích làm thủy lợi.

2. Trên lĩnh vực quân sự, những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ Hưng Yên xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 4 năm 1948, tại Hội nghị dân quân toàn quốc ở Việt Bắc, Bác căn dặn cán bộ tỉnh Hưng Yên: Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không quản hy sinh vất vả, liên tục đứng lên, liên tục chiến đấu để bảo vệ quê hương. Là tỉnh bị thực dân Pháp liên tục mở các cuộc càn quét lớn, có cuộc càn kéo dài cả chục ngày, tràn qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt từ cuối năm 1949, toàn bộ địa bàn Hưng Yên nằm trong vùng kiểm soát của địch, cả tỉnh có 360 làng thì có 360 hương đồn, tháp canh, bốt địch. Song quân và dân Hưng Yên vẫn kiên trì bám trụ, đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, đặc biệt là thực hiện tốt lời dạy của Bác, bám đất, bám dân gây dựng cơ sở phát triển phong trào, huy động sức mạnh nhân dân để đánh địch. Nhiều nơi địch kiểm soát ban ngày nhưng ban đêm ta vẫn tổ chức những trận đánh du kích để tiêu diệt địch… Với những chiến công vang dội, năm 1952, quân và dân Hưng Yên đã vinh dự được Bác tặng cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”. Hưng Yên cũng được Bác nhắc đến nhiều trong các bài viết về gương kháng chiến. Trong bài “Chiến tranh du kích ở Việt Nam”, Bác viết về Hưng Yên: “Tỉnh Hưng Yên nằm trên tả ngạn sông Hồng, chỉ cách Hà Nội 35 cây số. Tỉnh gồm 9 huyện và có gần 50 vạn dân. Tỉnh bị quân Pháp chiếm đóng từ đầu chiến tranh. Chiến tranh du kích ở đây khá mạnh. Nhiều lần bị đàn áp, nhưng luôn luôn tự tổ chức lại. Từ năm 1946 đến tận ngày hôm đó, hơn 600 đảng viên (những người tổ chức và chỉ huy những chiến sĩ du kích) đã bị hy sinh”. Cũng trong bài, Bác nêu gương nữ Anh hùng liệt sỹ Bùi Thị Cúc “Bị bắt, đồng chí phải trải qua những phương pháp thẩm vấn tàn bạo nhất mà bọn cảnh sát có thể nghĩ ra được: tra điện, bóc móng tay, chân và lột tóc, nhấn chìm xuống nước, treo lên dây, thả rắn vào quần, v.v.. Chị không nói một lời nào. Điên cuồng bọn man rợ chặt đứt một bàn tay, rồi bàn tay còn lại; một bàn chân, rồi bàn chân còn lại. Cuối cùng bọn chúng mổ bụng chị.

Trước khi chết, lấy hết sức lực của mình, chị hô to: "Việt Nam độc lập muôn năm! Bác Hồ muôn năm!". Tức thì bọn Pháp cắt đứt lưỡi chị và băm nát thân thể chị thành những mảnh nhỏ…".

Nguyễn Thị Cúc, Zoia[4] của chúng tôi, Daniell Casanova1 của chúng tôi đã chết, nhưng chủ nghĩa anh hùng của chị đã cổ vũ cho đồng bào chúng tôi đứng lên, đặc biệt là đồng bào tỉnh Hưng Yên và đã thúc đẩy họ chiến đấu hăng hái hơn chống lại quân xâm lược”. Trong thư gửi các chiến sỹ đường số 5, Bác động viên “Nam nữ dân quân du kích đường số 5 năm ngoái đánh giặc khá, sang năm 1949, anh chị em du kích đường số 5 phải cố gắng thêm, đánh nhiều hơn, mạnh hơn để lập công to hơn nữa. Và để làm kiểu mẫu cho dân quân du kích khác”. Nhiều tập thể và cá nhân của Hưng Yên có thành tích chiến đấu xuất sắc được Bác trực tiếp gặp, động viên khen thưởng hoặc gửi tặng Huy hiệu...

3. Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế của Hưng Yên.

Mỗi lần về thăm, làm việc tại Hưng Yên, Bác đều nhắc nhở đồng bào phải củng cố các tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã: “Tỉnh Hưng Yên hiện nay có hơn 5.800 tổ đổi công và 3 hợp tác xã. Đó là những đội quân mạnh mẽ để lôi cuốn nông dân cả tỉnh tranh đấu cho vụ mùa thắng lợi. Chúng ta cần phải phát triển và củng cố lực lượng ấy, làm cho họ hăng hái hoạt động thật sự. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên phải tham gia tổ đổi công hoặc hợp tác xã; các đồng chí bộ đội cần phải góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển nông nghiệp, "thực túc thì binh cường" và phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người cách mạng của đội tiên phong”.

Sau Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc, nói chuyện với đồng bào Hưng Yên, Bác khen: “Cơ sở sản xuất nông nghiệp là hợp tác xã. Hiện nay tỉnh ta có hơn 456 hợp tác xã toàn thôn, trong đó có 24 hợp tác xã thi đua với Đại Phong hoàn thành kế hoạch 5 năm trước thời hạn, 247 hợp tác xã bậc cao. Như thế là khá”.  Theo dõi phong trào của Hưng Yên, thấy đơn vị, cá nhân nào làm tốt, Bác đều gửi thư động viên. Năm 1968, Bác gửi thư và tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân xã Đình Cao (Phù Cừ) về thành tích sắp xếp công việc thích hợp cho xã viên có hoàn cảnh khó khăn. Bác viết “Mỗi hợp tác xã phải như một gia đình, phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, Bác rất vui lòng biết rằng đồng bào và cán bộ các hợp tác xã Đình Cao làm được như vậy, đã đoàn kết tốt, đã sắp xếp công việc làm ăn thích hợp cho các cụ già, các cháu mồ côi và những đồng bào tàn tật. Nhờ vậy mà mọi người đều vui vẻ và hăng hái góp phần vào công việc sản xuất và chiến đấu”. Trong thư gửi các cụ phụ lão xã Hồng Vân, Bác cũng nhắc đến việc tăng cường củng cố tổ đổi công và xây dựng hợp tác xã: “Tôi mong các cụ sẽ tiếp tục đôn đốc và góp sức cùng đồng bào củng cố tốt tổ đổi công và hợp tác xã, làm nhiều tiểu thuỷ nông, cày sâu, bừa kỹ, bón nhiều phân, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để nâng cao mức sống của nhân dân hơn nữa”.

Mối quan hệ và phân phối sản phẩm trong hợp tác xã cũng được Bác chỉ rõ. Nói chuyện với nhân dân xã Nghĩa Dân, Bác thẳng thắn: “Mỗi xã viên phải làm chủ, hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Mình có quyền làm chủ và tự nguyện vào, Đảng và Chính phủ không bắt buộc. Phải xây dựng hợp tác xã cho tốt. Ban Quản trị dân chủ do xã viên cử ra. Ban Quản trị nếu không làm tròn thì xã viên có quyền cách chức, khi chưa bầu thì hăng hái, khi bầu rồi thì chây lười. Những việc trong hợp tác xã thì Ban quản trị và xã viên nhất trí mới làm được, phải công bằng, phải cùng làm, không được chọn việc, thu hoạch phải chia đều”. Và, trong một lần nói chuyện với đồng bào Hưng Yên, Bác nhấn mạnh điều đầu tiên để các hợp tác xã phát triển là: “Mọi người phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần làm chủ; thực hiện cần, kiệm xây dựng hợp tác xã, chống lãng phí tham ô”.

Đối với đội ngũ cán bộ của Hưng Yên, Bác yêu cầu: “Để lãnh đạo tốt, các đồng chí bí thư và uỷ viên, các đồng chí chủ tịch các cấp từ tỉnh đến xã cần phải thật sự tham gia vào một tổ đổi công hoặc một hợp tác xã nông nghiệp, phải lao động thật sự để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Cần tổ chức tham quan những xã điển hình tốt, để học hỏi lẫn nhau.

Đảng viên, đoàn viên, các chiến sĩ thi đua nông nghiệp, chị em phụ nữ phải làm đầu tàu.

Với truyền thống anh dũng và tinh thần hăng hái sẵn có, chắc rằng đồng bào và cán bộ Hưng Yên quyết tranh thủ thực hiện cho kỳ được vụ mùa thắng lợi, đồng thời đưa tỉnh nhà lên địa vị vẻ vang là một tỉnh gương mẫu trong sự nghiệp đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà".

Bác quan tâm đến từng chi tiết, sao cho sản xuất của nhân dân có hiệu quả, giá trị sản xuất cao. Theo Bác, để vụ mùa (1958) thắng lợi, cần : “…Tư tưởng mọi người phải thông, phải thật thông rằng "Nhân định thắng thiên". Để tranh thủ vụ mùa thắng lợi, chúng ta phải sửa chữa những khuyết điểm và phát triển những ưu điểm nói trên. Chúng ta phải làm những việc sau đây:

Nước: Hiện nay vụ mùa đến, nhưng vẫn hạn. Chúng ta phải quyết tâm khơi thêm mương, đào thêm giếng, gánh nước, tát nước. Phải quyết tâm làm đủ mọi cách để có đủ nước tưới ruộng. Chúng ta phải thực hiện "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa".

Phải kiên quyết động viên và dựa vào lực lượng vô cùng vô tận của quần chúng để làm cho có nước.

Toàn dân đoàn kết một lòng,

Đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về.

Phân: Bón mỗi mẫu 50 gánh phân, như thế ít quá. Cần phải cố gắng bón nhiều hơn nữa. Tục ngữ nói: "Một gánh phân cân một đấu thóc". Bón phân càng nhiều, thu hoạch càng tăng.

Cày sâu: Tục ngữ ta có câu "Cày sâu cuốc bẫm, thóc đầy lẫm, khoai đầy bồ".

Cấy dày.

Chọn giống tốt: Là một điều rất quan trọng. Giống tốt thì lúa tốt, lúa tốt thì được mùa. Điều đó rất dễ hiểu. "Lúa tốt vì giống, lúa sống vì phân".

Kỹ thuật: Ta cần phải cải tiến kỹ thuật cày, cấy, làm cỏ, tát nước... Chúng ta sống ở thời đại vệ tinh, mà làm ruộng vẫn giữ cách thức đời xửa đời xưa, như thế là không hợp thời, khó tiến bộ...

Chống hạn, phòng lụt: Trời thường có những biến cố bất thình lình. Cho nên trong lúc ra sức chống hạn, chúng ta cũng phải đề phòng lụt. Phải thường xuyên kiểm soát đê và kè. Phải tổ chức chu đáo lực lượng canh gác. Phải chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu để đối phó kịp thời nếu có lụt. Phân công phụ trách phải rất rành mạch, nghiêm túc.

Phát triển và củng cố lực lượng: để thực hiện tốt những công việc nói trên, cần phải có những đội quân chủ lực”.

4. Tình cảm của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên còn thể hiện ở sự quan tâm phát triển văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân của tỉnh nhà.

Những năm đầu độc lập, phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm do Bác phát động rầm rộ từ nông thôn đến thành thị. Nhiều nơi trong tỉnh, phong trào Bình dân học vụ đã cơ bản xóa mù chữ cho nhân dân. Viết thư gửi huyện Phù Cừ, Bác khen “Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi huyện Phù Cừ đã thanh toán xong nạn mù chữ tức là đã tiêu diệt hết giặc dốt.”

… “Vậy tôi khuyên đồng bào cố gắng tiếp tục học thêm cho tiến bộ hơn nữa, đồng thời mỗi người xung phong thi đua ái quốc làm cho huyện Phù Cừ trở lên một huyện kiểu mẫu trong công cuộc diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều địa phương trong tỉnh vừa tổ chức nhân dân đánh giặc, vừa mở các lớp học bình dân. Biết tin, Bác đã viết bài nêu gương “Bất chấp những nguy hiểm và khó khăn của một tỉnh bị chiếm đóng, Hưng Yên vừa chiến đấu chống thực dân Pháp, vừa chống nạn dốt. Việc thanh toán nạn mù chữ tiếp tục trong vòng bí mật: năm 1951, hơn 460 lớp học bí mật đã được tổ chức với 3.120 học sinh”.

Về thăm và làm việc tại Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và đồng bào thị xã, Bác căn dặn: “Về đoàn kết và xây dựng nếp sống mới: Phải làm sao cho thị xã Hưng Yên thuần phong mỹ tục. Mọi người yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau, không để xảy ra đánh cãi nhau, không có trộm cắp, sạch đường sá, không mê tín dị đoan…”.

Không chỉ viết thư, nói chuyện, bản thân con người Bác đã toát lên một thứ văn hóa, văn hóa Hồ Chí Minh. Cũng trong những lần Bác về thăm và làm việc tại tỉnh, cán bộ, nhân dân lại được học thêm Bác về phong cách sống giản dị, lối ứng xử đối với cán bộ cấp dưới khéo léo, nhẹ nhàng, tình cảm mà nghiêm khắc. Đồng chí Trần Duy Dương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên kể về một bữa cơm của Bác tại Hưng Yên:

“Tôi mời Bác: Chúng cháu đã chuẩn bị cơm, mời Bác đi ăn cơm với chúng cháu.

Bác đồng ý.

Vào bữa cơm, Bác cùng chúng tôi ngồi vào bàn ăn, đồng chí phục vụ của Bác mang tới một túi gồm có: một nắm cơm, một khúc cá kho, một ít thịt cùng một chai nước được mang theo. Trên bàn ăn, anh Chính - Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh đã bày thức ăn và cơm do nhà bếp của cơ quan chuẩn bị.

Bác mở gói cơm của Bác ra, Bác nói: Cơm của Bác, Bác ăn, cơm các chú các chú ăn. Chúng tôi thưa: Xin Bác cho chúng cháu cùng ăn cơm của Bác ạ. Bác rất vui và đồng ý cho chúng tôi cùng ăn, ăn xong cơm của Bác, đồng chí Nguyễn Khai xới cơm, bát cơm nào cũng chỉ trên lưng bát. Bác nói: Chú Khai, chú xới cơm bát cơm vơi thế này, chú làm việc sao đầy đặn được?. Đồng chí Khai xới thêm cơm vào tất cả các bát, Bác và chúng tôi cùng ăn cơm, Bác nói chuyện rất vui và đầy dí dỏm”.

Chính trong bữa cơm này, cán bộ Hưng Yên lại thấm thía sâu sắc một bài học về tính tiết kiệm:

“Bữa cơm ăn sắp xong, trên mỗi đĩa bát đều còn lại một ít thức ăn, Bác kéo một bát thức ăn chỉ còn chút ít nước để cạnh Bác, sau đó Bác hỏi:

Các chú có ăn thức ăn thừa của ai không?

Mọi người  nói: Thưa Bác chúng cháu không ăn thừa.

Bác nói: Các chú không ăn thừa, sao các chú lại để thừa, ai ăn thừa của các chú? Đây là phần Bác, Bác ăn.

Mọi người đều vui vẻ ăn hết  thức ăn còn lại”.

Ngày 16/9/1961, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nói chuyện với đồng bào, cán bộ Hưng Yên tại sân vận động thị xã Hưng Yên, buổi chiều, Bác đến thăm và nói chuyện với nhân dân xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, thăm lớp mẫu giáo thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Bác ân cần hỏi thăm các cô mẫu giáo, chia kẹo cho các cháu, Bác đã nói chuyện tại lớp mẫu giáo. Trong khi nói chuyện, Bác có nói một câu thật giản dị nhưng vô cùng sâu sắc:

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng, là phương châm của nền giáo dục nước nhà.

Cũng tại đây, Bác khen ngợi thành tích của xã có nhiều mặt khá, hợp tác xã làm phân khá, vệ sinh tương đối khá…, đồng thời dặn dò: "Các cụ, các cô, các chú, các cháu làm thế là tốt, vì đã làm cho đời sống nhân dân, xã viên bằng hoặc hơn đời sống của đồng bào trung nông lớp trên. Các cụ, các cô, các chú, các cháu làm thế cũng chưa đủ còn phải hăng hái trong sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập để mỗi ngày nâng cao đời sống.

Xã Nghĩa Dân là "Dân có nghĩa", phải ra sức tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm tốt, làm gương cho các xã khác.

  Trước đây vào ngày này con bò đi trước, cái cày theo sau, nhưng rồi đây các cháu lớn sẽ có máy cày. Muốn có máy cày đồng bào phải tích cực tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm để mua máy cày, nhưng phải tự dân làm mà mua".

*

Các cụ phụ lão và thiếu nhi của Hưng Yên cũng được Bác dành cho những tình cảm đặc biệt. Ngày 21-10-1946, sau khi kết thúc chuyến thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch về nước bằng tàu thuỷ. Từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng tàu hoả, Bác nói chuyện với nhân dân ra chào đón Bác tại ga Đình Dù, Văn Lâm. Trong số những người ra đón Bác, có cả những em thiếu nhi “Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chật hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười ca hát, vui vẻ như một đàn chim”. Sau đó, Bác đã gửi thư cho các em: “Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:

1. Phải siêng học,

2. Phải giữ sạch sẽ,

3. Phải giữ kỷ luật,

4. Phải làm theo đời sống mới,

5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”.

Sinh thời, dường như những việc làm tốt nào của các em thiếu nhi, các cụ phụ lão Bác biết, đều được Người gửi thư, thưởng Huy hiệu. Trên địa bàn tỉnh, có  hàng chục cụ già, em nhỏ của Hưng Yên đã được Bác khen thưởng, động viên.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

 


[1] Đại việt Sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa- Thông tin, H.2003, tr.206

[2] Nay là xã Hải Triều

[3] Sau này con sông này được  mang tên là sông Bác Hồ.

[4] Zoia  là nữ anh hùng du kích Liên Xô (trước đây). Daniell  Casanova là nữ anh hùng du kích Pháp, cả hai đã bị phát xít Đức sát hại trong Chiến tranh thế giới thứ hai

 

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4589265