Huyện Phù Cừ có truyền thống đấu tranh cách mạng, vượt khó khăn vươn lên tham gia xây dựng đất nước. Truyền thống quý báu được hun đúc qua nhiều thế hệ, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy, nhất là từ sau ngày tái lập huyện.
Ngày 1.5.1997, huyện Phù Cừ tái lập trên cơ sở tách ra từ huyện Phù Tiên. Hiện nay huyện có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 9,1 nghìn hec-ta, trong đó hơn 6,1 nghìn hec-ta đất nông nghiệp, được phân giới thành 14 xã, thị trấn với 54 thôn; dân số hơn 7,8 vạn người (theo niên giám thống kê năm 2015). Năm đầu tái lập, huyện nằm trong bối cảnh khó khăn, thách thức của một huyện thuần nông, xuất phát về kinh tế thấp: Nông nghiệp chiếm tới gần 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt xấp xỉ 2 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân trên một hec-ta đất canh tác đạt 15 triệu đồng... Sau 20 năm tái lập, huyện Phù Cừ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (CN,TTCN,XD) và thương mại dịch vụ (TMDV), giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (NN), năm 2016 cơ cấu kinh tế của huyện: NN - CN,TTCN,XD - TMDV tương ứng 27% - 34% - 39% (năm 1997 cơ cấu này là 69,74% - 9,89% - 20,37); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,8 triệu đồng, tăng hơn 20 lần so với khi tái lập huyện; giá trị thu trên 1 hec-ta canh tác năm 1997 là 15 triệu đồng, năm 2016 đạt 100 triệu đồng, tăng 6,7 lần; thu ngân sách năm 2016 đạt hơn 444,4 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với năm 1997 (Năm 1997 thu ngân sách đạt 4,515 tỷ đồng). Đặc biệt, đến năm 2016 huyện đã có 4/13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Quang Hưng, Đình Cao, Đoàn Đào, Minh Tân), các xã Tống Trân và Phan Sào Nam cơ bản hoàn thiện 19 tiêu chí, đang đề nghị tỉnh thẩm định công nhận. Đường 202 (nay là đường tỉnh ĐT.386), con đường huyết mạch của huyện tiếp tục được đầu tư nâng cấp, giao thông đối ngoại được mở rộng, hệ thống giao thông nông thôn cũng được cải tạo nâng cấp; trên 97% đường huyện quản lý được trải nhựa; trên 95% đường giao thông liên xã, đường thôn xóm được trải vật liệu cứng; nhiều nơi nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động và tiền 20 năm qua lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi được củng cố đầu tư nâng cấp, điển hình là: Đền thờ các anh hùng liệt sỹ của huyện; Đền thờ các anh hùng liệt sỹ, đồng chí đồng bào bị giặc Pháp sát hại tại cây đa La Tiến; Nhà văn hóa trung tâm huyện; sân vận động; khu vui chơi trẻ em; chợ đầu mối trung tâm cùng khu đô thị mới mọc lên và một số công trình hạ tầng kinh tế xã hội khác đã thực sự làm cho trung tâm của huyện mang dáng dấp của một đô thị phát triển trong thời kỳ mới. Huyện đang tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Đường ĐT.386 từ Phố Cao đi La Tiến; kè mái bờ sông Sậy từ Quán Bầu đi La Tiến; hạ tầng các khu dân cư đang triển khai... 14/14 trụ sở làm việc,nhà văn hóa của các xã, thị trấn đã và đang được xây mới, chủ yếu nhà 3 tầng (thời điểm tái lập huyện chưa có trụ sở nào được xây dựng). Kinh tế phát triển, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, công tác quốc phòng, quân sự địa phương cũng được quan tâm chăm lo. Hiện nay toàn huyện có 24/48 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 1,2% năm 1997 xuống còn 0,77% năm 2016. Năm 1997 toàn huyện mới có 3 làng văn hoá, năm 2015 đã có 54/54 làng được công nhận làng văn hóa, năm 2016 có 13 làng được công nhận lại sau 3 năm; 88 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, đạt 100%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 92%. Các di tích lịch sử được bảo tồn và gìn giữ. Toàn huyện không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7%. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo từ thiện được triển khai thực hiện thường xuyên, rộng khắp và có hiệu quả. Từ năm 1997 đến năm 2005, huyện đã xoá được 2.246 nhà tranh vách đất, được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi công. Từ đó đến nay, huyện luôn quan tâm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách và hộ nghèo... Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, huyện luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm ổn định và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thường xuyên chăm lo xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc...
Đạt được những thành tựu đó, kinh nghiệm được huyện đúc rút sau 20 năm tái lập, đó là: Quán triệt nghiêm túc và sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung trí tuệ vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể của huyện; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; mở rộng, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, nhạy bén với cái mới, thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, kết hợp giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; chú trọng công tác vận động quần chúng, phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết của nhân dân; lựa chọn đúng khâu đột phá và tập trung nguồn lực, kiên trì thực hiện những mục tiêu đã được xác định.
Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững”. Trong nhiệm kỳ phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 12,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm; giá trị thu trên 1 hec-ta đất canh tác đạt trên 110 triệu đồng/năm; có thêm từ 6 - 8 xã đạt xã nông thôn mới, thị trấn Trần Cao hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V; phấn đấu 100% số làng văn hóa, cơ quan văn hóa duy trì và nâng cao chất lượng; hàng năm đào tạo nghề ngắn hạn cho 500 - 800 lao động, tạo việc làm mới trên 1.500 lao động; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giữ ổn định dưới 1%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1%-1,5%; nâng cao chất lượng và giữ vững 85% số cơ sở đảng, chính quyền đạt trong sạch vững mạnh; trên 90% số đoàn thể đạt vững mạnh hoặc xuất sắc...
Để đạt được các mục tiêu trên, Đảng bộ và nhân dân trong huyện quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh kết hợp với nguồn lực của địa phương tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, chăm lo đời sống nhân dân. Đẩy mạnh và thực hiện tốt Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức sinh hoạt Đảng; nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng một nền hành chính thực sự trong sạch vững mạnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV đề ra, quyết tâm xây dựng quê hương Phù Cừ giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.