TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  21/07/2022     |  Lượt xem 754   

Phù Cừ: 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tỉnh - Bí thư chi bộ, Giám đốc NHCSXH huyện triển khai nhiệm vụ công tác 

Huyện Phù Cừ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hưng Yên, phía Bắc giáp với huyện Ân Thi; phía Nam giáp với huyện Hưng Hà của tỉnh Tháí Bình; phía Đông giáp huyện Thanh Miện của tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Tiên Lữ. Toàn huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 9.463,9 ha, với 14 đơn vị hành chính gồm: 13 xã, 01 thị trấn với 54 thôn, dân số 100.359 người. Theo điều tra hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn huyện có 946 hộ nghèo, 1.338 hộ cận nghèo.

Trong nhiệm kỳ vừa qua kinh tế của Huyện đạt mức tăng trưởng khá cao. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 11,48%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp 25%; Công nghiệp, xây dựng 37%; Dịch vụ, thương mại 38%. Huyện đã quy hoạch trên địa bàn 03 cụm khu công nghiệp, trong đó có 02 cụm khu công nghiệp đang được triển khai: Trần Cao- Quang Hưng và Đình Cao. Còn phát triển Làng nghề trong huyện khá ít, chưa được phát huy hiệu quả như: làng mộc ở Tống Xá xã Tống Phan; Làng sản xuất vật liệu xây dựng ở Viên Quang xã Quang Hưng… cho nên trong thời gian vừa qua huyện đã và đang tích cực hướng cho người dân phát triển mô hình trồng cây cam đường và vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm, tiêu chuẩn hóa và nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng. Phát triển thêm từ 5 - 7 sản phẩm OCOP, phấn đấu ít nhất 03 sản phẩm đạt 5 sao (vải lai chín sớm, vải trứng, dưa lưới), xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch tâm linh... với mô hình sản xuất quy mô lớn và hiện đại, đồng bộ sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã đẹp và gắn tem truy xét nguồn gốc, tạo niềm tin tuyệt đối cho người sử dụng trên mọi miền đất nước và quốc tế. 

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong 20 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hưng Yên, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Phù Cừ, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, Tỉnh và của Huyện đã được NHCSXH truyền tải đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần không nhỏ để giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên thực hiện thắng lợi mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội  trên địa bàn huyện.

1. Mô hình tổ chức hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ

Trong 20 năm qua, mô hình tổ chức hoạt động của NHCSXH được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách. Mô hình tổ chức của NHCSXH trên địa bàn huyện Phù Cừ hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp là Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ.

1.1. Về bộ máy quản trị

Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện Phù Cừ được thành lập theo Quyết định số 114/QĐ-UB ngày 13/06/2003 của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phù Cừ. Khi mới thành lập, nhân sự của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện có 10 đồng chí, đến nay đã được bổ sung, kiện toàn gồm 24 đồng chí, Trưởng Ban là đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, 09 thành viên là Trưởng các phòng, ban, ngành của huyện (Văn phòng HĐND-UBND , Phòng Lao động - TB&XH, Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, NHCSXH) và 14 thành viên là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Trong 20 năm hoạt động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện có 28 lần củng cố, kiện toàn kịp thời, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn khi có sự thay đổi về nhân sự, đã tập trung chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 1423/VPCP-KTTH ngày 01/3/2015, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện bổ sung 14 thành viên là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là trong việc tổ chức chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở.

Thực hiện đúng quy chế tổ chức và hoạt động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo hoạt động của NHCSXH trong việc xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tín dụng hàng năm; duy trì chế độ họp định kỳ hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động quý trước, triển khai nhiệm vụ quý tiếp theo; phân công các thành viên Ban đại diện kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách; tham mưu UBND huyện chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn như: bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác sang NHCSXH hàng năm để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, bố trí địa điểm xây dựng trụ sở làm việc của Phòng giao dịch NHCSXH huyện trên địa bàn, hỗ trợ kinh phí hoạt động và chỉ đạo UBND cấp xã bố trí địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các Điểm giao dịch xã, thị trấn… Có thể nói, mô hình Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, nhất là từ khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trở thành mô hình đặc thù riêng có của hệ thống NHCSXH.

1.2. Về bộ máy điều hành, tác nghiệp

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ được thành lập theo Quyết định số 390/QĐ-HĐQT ngày 10 tháng 05 năm 2003 của Hội đồng quản trị NHCSXH, thời điểm mới thành lập có 03 cán bộ, bao gồm 01 Giám đốc, 02 cán bộ. Hiện nay, Phòng giao dịch có 10 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm 1 Giám đốc, 1 Phó Giám đốc, 2 Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ và 6 cán bộ tại 02 Tổ nghiệp vụ: Tổ Kế toán Ngân quỹ và Tổ Kế hoạch Nghiệp vụ.

Trong 20 năm qua, NHCSXH đã xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức điều hành quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng thời, quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ nói riêng và của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, của toàn hệ thống NHCSXH nói chung thường xuyên được quan tâm bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

2. Phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam

2.1. Về phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách

Phương thức cho vay chủ yếu tại NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện trên cơ sở Văn bản liên tịch được ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). 

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ là 325.747 triệu đồng với 5.729 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,88% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị (chi tiết theo Biểu số 06/TK đính kèm). Có thể nói, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của tỉnh và của huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Trong những năm qua, vai trò của Trưởng thôn trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở ngày càng được nâng lên, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ TK&VV, giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người vay cũng như phối hợp với Tổ, Hội, NHCSXH và các cơ quan liên quan trong việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn...

2.2. Hoạt động tại các Điểm giao dịch xã

UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 14 Điểm giao dịch của NHCSXH tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật). Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã.

Có thể nói, mô hình Điểm giao dịch xã chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của NHCSXH. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.

2.3. Về mạng lưới Tổ TK&VV

Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các tổ TK&VV ở cơ sở. Tổ TK&VV do tổ chức chính trị xã hội thành lập, được chính quyền cấp xã chấp thuận cho phép hoạt động, gồm hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn cùng sống trên một địa bàn dân cư, hoạt động của Tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Tổ TK&VV còn được UBND cấp xã giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, có sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng thôn, trình UBND cấp xã phê duyệt và giải ngân trực tiếp tại Điểm giao dịch xã, thị trấn.

Đến 30/6/2022, toàn địa bàn huyện có 229 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 54 thôn, khu dân cư, trực thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 5.729 thành viên, bình quân mỗi Tổ có 25 thành viên. Qua kết quả rà soát, phân loại Tổ TK&VV, toàn huyện có 225 Tổ TK&VV xếp loại Tốt (tỷ lệ 98,3%); 03 Tổ TK&VV xếp loại khá (tỷ lệ 1,3%) và 01Tổ TK&VV xếp loại trung bình (tỷ lệ 0,4%); không có tổ xếp loại yếu. Trong 20 năm qua, Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.

3. Tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện Phù Cừ đạt 326.524 triệu đồng, tăng 304.014 triệu đồng (gấp 13,5 lần) so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động. Trong đó:

3.1. Nguồn vốn được điều chuyển từ Trung ương: 235.341 triệu đồng, tăng 212.963 triệu đồng (gấp 9,5 lần) so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 72,1% trên tổng nguồn vốn tại đơn vị.

3.2. Nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường được Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất là 80.798 triệu đồng, tăng 80.766 triệu đồng (gấp 2.524 lần)  so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 24,8% trên tổng nguồn vốn tại đơn vị. Trong đó:

- Nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế là 67.206 triệu đồng.

- Nguồn tiền gửi của Tổ viên Tổ TK&VV là 13.591 triệu đồng với 229 Tổ TK&VV (100% tham gia gửi tiền tiết kiệm). Việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV được triển khai từ năm 2008 trên địa bàn huyện Phù Cừ, một mặt giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác làm quen với các dịch vụ Ngân hàng, có thói quen tiết kiệm, tích lũy nguồn trả nợ, mặt khác, góp phần tạo lập được nguồn vốn, bổ sung nguồn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

3.3. Nguồn vốn nhận ủy thác tại ngân sách địa phương: 10.385 triệu đồng, tăng 10.285 triệu đồng tăng (gấp 102,9 lần) so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 3,2% trên tổng nguồn vốn. Trong đó:

- Nguồn vốn cho vay từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH tỉnh là 7.918 triệu đồng, tăng 7.918 triệu đồng so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động.

- Nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện là 2.467 triệu đồng, tăng 2.467 triệu đồng so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động.

Thời gian qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Phù Cừ không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển 2.467 triệu đồng sang NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 19.596 triệu đồng, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ đang triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 326.142 triệu đồng với 5.739 khách hàng đang vay vốn, trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương và vốn Ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH là 323.675 triệu đồng với 5.690 khách hàng đang vay vốn; dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH là 2.467 triệu đồng với 49 khách hàng đang vay vốn.

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Phù Cừ đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 58.233 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 1.128 tỷ 106 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 801tỷ 291 triệu đồng. Tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2022 đạt 326 tỷ 142 triệu đồng, tăng 303 tỷ 745 triệu đồng, gấp 16,65 lần so với dư nợ khi thành lập, dư nợ bình quân là 57 triệu đồng/ khách hàng, gần tăng 53 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 11.762 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 5.861 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho 3.782 lao động, giúp cho 4.276 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 36.217 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 301 ngôi nhà cho hộ nghèo... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Một số hộ vay điển hình như: Bà Đỗ Thị Cửu thuộc đối tượng Hộ Cận nghèo của xã Minh Tiến trước đây được tổ TK&VV HND bình xét vay 50 triệu vốn chương trình HCN của NHCSXH huyện bà sử dụng nguồn vốn vay để thực hiện phương án chuyển đổi  trồng cây vải lai chín sớm diện tích 3 sào theo dự án phát triển cây trồng chuyên canh của UBND huyện triển khai. Đến năm 2021 bà tiếp tục được tổ bình xét cho vay lại số tiền 50 triệu vốn chương trình HCN để sử dụng nguồn vốn vay thực hiện tiếp phương án mở rộng diện tích chuyển đổi  trồng cây vải lai chín sớm nâng diện tích trồng cây lên 8 sào và vay vốn 20 triệu đồng vốn NS&VSMT bà đã sử dụng nguồn vốn vay để xây dựng công trình vệ sinh và nước sạch phục vụ đời sống hàng ngày, nguồn vốn vay sử dụng vốn vay hiệu quả, đến nay vườn vải bắt đầu cho thu hoạch, có nguồn thu đảm bảo cuộc sống cho gia đình, tạo việc làm ổn định cho lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Hộ ông Nguyễn Trí Thức thuộc đối tượng gia đình khó khăn xã Tống Phan tham gia tổ TK&VV do ĐTN thôn Phạn Xá xã Tống Phan năm 2018 bình xét vay 20 triệu vốn chương trình GQVL của NHCSXH huyện bà sử dụng nguồn vốn vay để thực hiện phương án chuyển đổi  trồng cây vải lai diện tích 2 sào, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho gia đình. Đến năm 2021 con thi đỗ Đại học tưởng chừng không lo được cho cháu theo học và đã được tổ bình xét cho vay 25 triệu đồng/năm vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để cho cháu Nguyễn Thị Trà My tiếp tục theo học đại học và kinh tế gia đình vẫn được đảm bảo ngày một tốt hơn.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 5,7 triệu đồng/người năm 2002 lên 62,3 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 10 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 1,91%, đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Đình Khoa - NHCSXH

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4584072