TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  16/06/2017     |  Lượt xem 1246   

Quá trình tích tụ ruộng đất: Không được để nông dân mất việc

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời các câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu vào cuối phiên làm việc buổi sáng. 
 
Tiến tới nền nông nghiệp tập trung 
 
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của tích tụ ruộng đất trong cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi, liệu quá trình này có dẫn đến sự bần cùng hóa nông dân không và làm thế nào để vừa tích tụ được ruộng đất vừa có giải pháp hài hòa lợi ích cho nông dân. 
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tích tụ ruộng đất là chủ trương khuyến khích để tiến tới nền nông nghiệp tập trung, với mục tiêu không để nông dân mất việc làm. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực 2, 3 là những khu vực cho thu nhập cao hơn.
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, mục tiêu của tích tụ ruộng đất là để thúc đẩy sản xuất chứ không phải là để cho nông dân mất việc làm. 
 
Thực tiễn vừa qua, người dân một số địa phương đã đứng ra tập trung đất đai. Tuy nhiên, khi người dân tích tụ ruộng đất ở quy mô vừa có thể quản trị được, nhưng ở quy mô lớn thì không. Doanh nghiệp cũng rất khó đứng ra tập trung ruộng đất do trên một diện tích nhất định, ý kiến của người dân khác nhau... 
 
Những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai tích tụ ruộng đất sẽ được xem xét, hướng dẫn rõ hơn. 
 
Về câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến tái cơ cấu ngành mía đường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện cả nước có 300.000ha cây mía, cho năng suất 1,4 triệu tấn đường/năm. Mặc dù sản lượng không lớn nhưng đây là mặt hàng liên quan đến an ninh thực phẩm. 
 
Vấn đề này phải được quan tâm vì hiện nay các quốc gia trên thế giới đều có sự chuyển dịch dinh dưỡng sang nhu cầu uống rất lớn. 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng đánh giá một số tỉnh đã làm vấn đề này tốt và hiện nay vẫn phải tiếp tục nâng cao năng suất. Việt Nam cần tái cơ cấu chuỗi giá trị gia tăng để đạt đến phân khúc sản phẩm cuối cùng. Cuối tháng 9 tới, ngành nông nghiệp sẽ có hội nghị về vấn đề này nhằm nâng cao năng suất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
 
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tập trung làm rõ các nội dung về chính sách để người dân yên tâm giữ rừng; phát triển công nghệ chế biến; phát triển công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; vấn đề sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long... 
 
Dám đương đầu, chịu khó xông pha 
 
Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ chỉ mới 11 tháng nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nắm chắc tình hình, nắm rõ thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, nhận trách nhiệm; làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu cũng như đề ra những giải pháp của ngành trong thời gian tới. 
 
Nhiều đại biểu khá hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Tuy nhiên, vẫn có 12 đại biểu đưa biển lên tranh luận do cảm thấy câu trả lời chưa thỏa đáng, chưa giải đáp hết ý của câu hỏi.
 
Một số nội dung Bộ trưởng trả lời cũng chưa rõ giải pháp đột phá và cách khắc phục thuộc trách nhiệm của Bộ. Về phía người hỏi, có đại biểu đặt câu hỏi còn dài, thiên về phân tích thông tin tình hình. 
 
Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tranh luận mang tính xây dựng và đạt yêu cầu đề ra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nỗ lực cố gắng, thể hiện một tính cách dám đương đầu, chịu khó xông pha. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu điều hành phiên chất vấn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu điều hành phiên chất vấn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ qua xem xét báo cáo và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng cho thấy, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự chủ động, tích cực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. 
 
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực. Một số mặt hàng nông sản có giá trị cao và có thương hiệu trên thị trường không những trong nội địa mà còn trên thế giới. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn từng bước được cải thiện.
 
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn nổi lên nhiều tồn tại hạn chế đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Cụ thể, quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm, tăng trưởng chưa đạt yêu cầu so với Nghị quyết của Quốc hội. 
 
Công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, kế hoạch, dự báo thị trường còn yếu, các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa đồng bộ, còn bị động. 
 
Vấn đề quản lý đất nông, lâm trường, mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, vấn đề bảo vệ, phát triển rừng, quản lý và bảo vệ nguồn nước, quản lý đầu vào của sản phẩm nông nghiệp như vật tư, phân bón chưa hiệu quả. 
 
Vấn đề giống cây trồng, vật nuôi được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cho hàng hóa nông sản. 
 
Công tác quản lý hàng hóa, nông sản tạm nhập tái xuất còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
 
Hoạt động đổi mới, phát triển những hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, liên kết 4 nhà chưa có hiệu quả cao; chưa có giải pháp đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp; thu nhập và đời sống của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro. Công tác quản lý, nuôi trồng, khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, trong đó có nhiều hạn chế trong chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. 
 
Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết về tam nông 
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng quan tâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng các biện pháp có hiệu quả để khắc phục những tồn hại, hạn chế, theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện kịp thời và hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; triển khai tốt việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, khắc phục cơ bản những khó khăn của ngành gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch và có lộ trình cụ thể để cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020; tập trung các giải pháp hoàn thiện về cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới, phát triển các hình thức sản xuất, hoàn thành việc hướng dẫn ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020. 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần có giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ nét về tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp. 
 
Đặc biệt, Việt Nam cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển khâu chế biến, nhất là chế biến sâu; làm tốt công tác nghiên cứu, phát triển giống bản địa, tăng cường bảo vệ môi trường đất, môi trường nước cho sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu trong nước và nước ngoài. 
 
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để mở rộng thị trường ngoài nước, củng cố và giữ vững, phát triển thị trường trong nước; hoàn thành triển khai chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công Thương sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2017. 
 
Ngành nông nghiệp cũng cần làm tốt công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc ban hành Nghị định về quản lý phân bón, quy định về thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định, các biện pháp xử lý sai phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp. 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần tăng cường điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, rà soát các quy định, chế tài xử lý vi phạm; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm pháp luật.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với các bộ và các địa phương trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản; tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Nghị định 67 và có giải pháp khắc phục kịp thời những mặt tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua. 
 
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch./. 
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7006868