Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kỷ niệm lớn bị hạn chế, buổi làm việc thể hiện tình cảm trân trọng của Chủ tịch nước đối với hai tổ chức hội, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất đối với công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công, các gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, có rất nhiều người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Do đó, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ các công lao, sự hy sinh đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Báo cáo Chủ tịch nước, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, từ khi thành lập năm 2004 đến nay, hội đã thành lập ở Trung ương và hội thành viên ở 63 tỉnh, thành phố; hơn 600 huyện, quận và 6.500 xã, phường với hơn 400 nghìn hội viên.
Từ khi thành lập đến tháng 6/2021, hội đã tích cực vận động nguồn lực trong nước và quốc tế ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin hơn 2.660 tỷ đồng (riêng 6 tháng đầu năm nay, dù tác động tiêu cực của dịch Covid-19, vẫn vận động đóng góp được hơn 222 tỷ đồng).
Đặc biệt, hội đã tích cực tham gia các hoạt động vận động đấu tranh yêu cầu Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, sau hơn 10 năm thành lập, mạng lưới của hội không ngừng phát triển với 12 hội và 24 chi hội trực thuộc Trung ương, gần 100 chi hội cấp huyện với gần 10 nghìn hội viên.
Hội đã thông báo hơn 194 nghìn thông tin liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn trực tiếp hơn 28.600 lượt thân nhân liệt sĩ, giúp hơn 200 gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt liệt sĩ bằng thực chứng.
Thực hiện đề án của Chính phủ về việc tiếp tục tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hội phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức và hỗ trợ miễn phí giám định ADN hơn một nghìn trường hợp, đã trả lại tên cho 658 liệt sĩ (đạt tỷ lệ 65,8%).
Hội cũng đã vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ và tính đến giữa năm nay trao hơn 800 nhà tình nghĩa trị giá 40-60 triệu đồng/nhà, 2.171 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ), 549 suất học bổng tặng các con, cháu liệt sĩ nghèo vượt khó (mỗi suất hai triệu đồng), nhiều xe lăn, hơn 35 nghìn suất quà; phụng dưỡng hơn 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước ta chú trọng quan tâm đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam và thường xuyên xem công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ thực hiện chính sách hậu phương quân đội mà còn là giải pháp quan trọng để bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đánh giá cao hai hội có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả góp phần thiết thực vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cũng như hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở mọi vùng miền đất nước.
Nhấn mạnh vai trò của hai hội cần được củng cố, quan tâm hơn nữa để tiếp tục lớn mạnh, đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ các hội tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tri ân có ý nghĩa, mở rộng các hoạt động thiết thực.
Dịp này, Chủ tịch nước cho ý kiến về một số kiến nghị của hai tổ chức hội, trong đó lưu ý tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam bảo đảm trang trọng, phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19, giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp các bộ, ngành liên quan tập hợp, xử lý các kiến nghị của hai hội, trong đó có việc hỗ trợ về giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được công nhận, xác nhận nạn nhân chất độc da cam, nhất là đối với thế hệ thứ ba sao cho có căn cứ khoa học và thủ tục nhanh chóng.
Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, khẩn trương thành lập ngân hàng gene thân nhân liệt sĩ và ngân hàng gene hài cốt liệt sĩ phục vụ xác định hài cốt liệt sĩ bằng giám định ADN.
Bên cạnh nguồn lực quan tâm của Đảng, Nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nhân dân chung tay thực hiện công tác “đền ơn, đáp nghĩa”; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hội tiếp tục phối hợp các bộ, ngành chức năng, các địa phương quan tâm hơn nữa các gia đình chính sách, người có công, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.