TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  30/06/2021     |  Lượt xem 1236   

Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển”

THỂ LỆ
Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển”
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 15 -KH/BTGTU ngày 09/6/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
-----
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu

- Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển” là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997 - 01/01/2022).

- Thông qua Cuộc thi, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về truyền thống văn hiến, cách mạng, về sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hưng Yên, nhất là sau 25 năm tái lập tỉnh.
- Cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua, lao động sản xuất; khẳng định vai trò, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
- Việc tổ chức Cuộc thi phải được triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, tránh hình thức, lãng phí.
- Chú trọng tổ chức tuyên truyền sâu, rộng trong cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, phát động rộng rãi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng Cuộc thi.
Điều 2. Đối tượng dự thi
Tất cả công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo.
Điều 3. Nội dung
- Tìm hiểu về vùng đất và con người Hưng Yên, về truyền thống văn hiến, cách mạng trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh; những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội trong 80 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhất là sau 25 năm tái lập tỉnh.
- Khuyến khích bài dự thi có tính phát hiện, tính sáng tạo, sử dụng hình ảnh minh họa, chất lượng về nội dung; có tính tuyên truyền, giáo dục cao.
Điều 4. Hình thức
- Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi viết (có thể của 01 tác giả hoặc 01 nhóm tác giả), theo chủ đề Cuộc thi.
- Bài dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng Việt, dung lượng không quá 40 trang khổ A4. Bài dự thi đánh máy được in trên giấy khổ A4, cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman, giãn dòng 1.5 line, căn lề: trên 2cm, dưới 2cm, trái 3cm, phải 1.5 cm. Bài dự thi phải trả lời đầy đủ các câu hỏi Cuộc thi đề ra, có thể sử dụng hình ảnh minh họa để bài viết phong phú; trình bày sạch, đẹp, thiết kế phù hợp, có bìa, được đóng thành tập, đánh số trang theo thứ tự. Ngoài bìa ghi rõ: Bài dự thi Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển”; họ và tên; đơn vị học tập, công tác, nơi cư trú của tác giả (nhóm tác giả) bài dự thi.
Điều 5. Tính pháp lý của bài dự thi
- Bài dự thi phải đúng chủ đề, đảm bảo về nội dung, hình thức theo quy định; chưa gửi tham gia và đoạt giải bất kỳ cuộc thi nào ở Trung ương cũng như ở cấp tỉnh, không có tranh chấp bản quyền.
- Bài dự thi không hợp lệ nếu sao chép dưới mọi hình thức; không trả lời đầy đủ các câu hỏi do Ban Tổ chức Cuộc thi đề ra hoặc gửi tham gia không đúng thời gian quy định.
- Tác giả dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền đối với bài dự thi của mình theo đúng quy định của pháp luật. Ban Tổ chức Cuộc thi không chịu trách nhiệm giải quyết khi có xảy ra tranh chấp quyền tác giả của bài dự thi.
- Trong trường hợp phát hiện có vi phạm bản quyền tác giả sau khi đã công bố giải thưởng, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ hủy bỏ kết quả xếp loại, thu hồi giải thưởng đối với bài dự thi đó.
Điều 6. Số lượng tham gia
- Mỗi tác giả (nhóm tác giả) được tham gia 01 bài dự thi.
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức tiếp nhận bài dự thi của đơn vị mình; tổ chức lựa chọn 05 bài dự thi có chất lượng tốt nhất gửi tham gia Cuộc thi cấp tỉnh. Đối với bài dự thi viết bằng đánh máy, đồng thời gửi bản file word về địa chỉ gmail: tuyengiaohungyen2011@gmail.com.
Điều 7. Thời gian nhận bài dự thi
Thời gian cuối cùng nhận bài dự thi cấp tỉnh là ngày 30/9/2021 (theo dấu bưu điện).
Điều 8. Địa chỉ nhận bài dự thi
Bài dự thi gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, địa chỉ: số 14, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên theo đầu mối huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên không tiếp nhận bài dự thi của tác giả (nhóm tác giả) riêng lẻ.
Mọi chi tiết xin liên hệ với Ban Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên), điện thoại: 02213.552118.
Điều 9. Sử dụng bài dự thi
Ban Tổ chức Cuộc thi được quyền sử dụng các bài dự thi tham gia Cuộc thi (kể cả đoạt giải và không đoạt giải) để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, in sách, tuyên truyền trong và ngoài tỉnh…khi thấy phù hợp mà không phải trả bất cứ một khoản kinh phí nào cho tác giả (nhóm tác giả).
CHƯƠNG II
CƠ CẤU, QUY TRÌNH, CÔNG BỐ VÀ TRAO GIẢI
Điều 10. Cơ cấu giải thưởng
- Trao giải cho tác giả (nhóm tác giả) tham gia Cuộc thi, cụ thể:
+ 01 Giải Đặc biệt trị giá: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)
+ 01 Giải Nhất trị giá: 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng)
+ 03 Giải Nhì, mỗi giải trị giá: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)
+ 05 Giải Ba, mỗi giải trị giá: 7.000.000 đồng (Bảy triệu đồng)
+ 15 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)
- Tùy thuộc vào chất lượng của bài dự thi, việc lựa chọn bài dự thi để trao giải thưởng không nhất thiết phải đủ số lượng các giải theo cơ cấu.
- Căn cứ vào chất lượng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho tác giả (nhóm tác giả) đoạt giải Đặc biệt, giải Nhất Cuộc thi; tặng Bằng khen cho các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả, có số lượng bài dự thi cao; có bài dự thi đoạt giải cao tại Cuộc thi.
Điều 11. Quy trình xét chọn giải thưởng Cuộc thi
- Thành lập Ban giám khảo Cuộc thi, gồm những người ở Trung ương và ở tỉnh có uy tín, chuyên môn phù hợp với Cuộc thi.
- Ban Giám khảo tổ chức chấm, chọn những bài dự thi xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức Cuộc thi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để quyết định trao giải thưởng.
- Cách thức chấm điểm:
+ Bài dự thi được Ban giám khảo chấm điểm theo hai vòng. Ban giám khảo có tránh nhiệm dự thảo cách thức chấm điểm thông qua Ban Tổ chức Cuộc thi.
+ Điểm của bài dự thi được Ban giám khảo chấm dựa trên các tiêu chí cơ bản của thang, bảng điểm do Ban giám khảo xây dựng và đã được Ban Tổ chức Cuộc thi thông qua.
Điều 12. Công bố và trao giải
Tổng kết; công bố và trao giải Cuộc thi cấp tỉnh, dự kiến trước ngày 15/11/2021.
Thể lệ cuộc thi này được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.
 
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 6943595