TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  08/02/2022     |  Lượt xem 431   

Tổ chức Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả

Đẩy mạnh trồng cây, gây rừng là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy vai trò của rừng và cây xanh đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

 

 
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, cần đưa việc trồng cây xanh thật sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, với sự tham gia tích cực của mọi người dân. Ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế; không giải quyết khai thác tận dụng sau khai thác; dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và sử dụng vật liệu thay thế. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu; nạn phá rừng, hủy hoại môi trường rừng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, chưa được ngăn chặn triệt để. 
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng toàn cầu đã cam kết ngăn chặn hoàn toàn nạn phá rừng vào năm 2030, tăng ngân sách phát triển nông nghiệp bền vững, quản lý rừng và bảo tồn, phục hồi tài nguyên rừng. Mặt khác, ngành chế biến gỗ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây đã và đang đặt ra bài toán nguyên liệu ổn định, bền vững, hối thúc mạnh mẽ việc đẩy mạnh trồng cây, trồng rừng hiệu quả. 
Ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2021, cả nước đã trồng được 277.830 ha rừng trồng tập trung, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ và 100 triệu cây phân tán; bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến với sản lượng hơn 32 triệu m3 gỗ/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đạt hơn 15,8 tỷ USD. Năm 2022 ngành lâm nghiệp đặt chỉ tiêu trồng 244.000 ha rừng và 121,6 triệu cây phân tán tăng 21% so với năm 2021. 
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” không phô trương hình thức, bảo đảm các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm phát động “Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía nam là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. 
Để tổ chức Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững. Có kế hoạch chủ động tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, đa tác dụng, gắn với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững…
Nguồn:https://nhandan.vn/ 
 
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 6793816