Ngày 15/8/2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Ban Bí thư đã ký Kết luận của Ban Bí thư về vấn đề này.
Báo Hưng Yên điện tử xin giới thiệu toàn văn Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng:
"Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: (1) Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; (2) Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ; (3) Đẩy mạnh phân công, phân cấp trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Trung ương, nhờ đó, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã có chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn; ngăn chặn, khắc phục được nhiều sơ hở, yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển, xét thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... đã bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định; chất lượng cán bộ được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; củng cố, tăng cường niềm tin, uy tín của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp ủy, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "lợi ích nhóm", mất dân chủ, thiếu gương mẫu, "nể nang, dễ dãi", "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau" trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ...
Bên cạnh đó, có nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ "mất phiếu", ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền...
Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, góp phần chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, chỉ định, giới thiệu, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện (cơ cấu, số lượng, độ tuổi, tín nhiệm...), quy trình, chế độ, chính sách theo đúng quy định hiện hành. Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, "cục bộ", "lợi ích nhóm"; thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, "dĩ hòa vi quý"... và những biểu hiện khác được nêu trong Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
2. Phải tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân trong thảo luận và quyết định theo đa số.
Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm hoặc ở những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết thì càng phải giữ vững nguyên tắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy chế, quy định.
3. Giao Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp tiến hành rà soát, thẩm tra, thẩm định, kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ thuộc thẩm quyền; đề xuất cụ thể mức độ sử dụng, bố trí để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng".
4. Giao Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng ở Trung ương và các cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo quy định hiện hành và Kết luận này; kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm".