Ngày 8/1, tại Thủ đô Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng...
Dự hội nghị trực tiếp ở điểm cầu Chính phủ về phía tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh...
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Năm 2024, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần "biến nguy thành cơ", nước ta đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng với 15/15 chỉ tiêu. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, chỉ số phát triển con người tăng 8 bậc và chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc. Nền kinh tế phục hồi rõ nét, là điểm sáng tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao thế giới. GDP cả năm tăng trên 7%, chất lượng tăng trưởng cải thiện, năng suất lao động ước tăng gần 6%; CPI bình quân tăng trên 3,6%. Việt Nam xác lập được vị thế quan trọng trong bản đồ chuỗi công nghiệp bán dẫn thế giới, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn.
Năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể.
Mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra trong năm 2025 là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
Đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, năm 2024 tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,7% đưa Hưng Yên trở thành tỉnh có mức tăng trưởng xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vượt kế hoạch đề ra, đạt 75.630 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.200 triệu USD, tăng 16,03% so với năm 2023 và vượt 2,86% so với kế hoạch. Thu ngân sách đạt trên 40.000 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ...
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, chỉ rõ những vấn đề hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước đang đối diện với cả những cơ hội và thách thức lớn, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách làm, minh bạch hóa các cơ chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo ra không gian phát triển mới và động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Việc phân cấp, phân quyền phải được thực hiện đồng bộ với cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý minh bạch để khuyến khích sự sáng tạo từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế...
Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm, nhân rộng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh thương mại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển phải lấy con người làm trung tâm, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chúng ta cần tập trung vào 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%. Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đấy; phân công nhiệm vụ bảo đảm “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
Chính phủ sẽ tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm đi vào hoạt động thông suốt, hiệu quả; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Chính phủ cam kết phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vững bước tiến lên trong giai đoạn tiếp theo.