Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết
- Trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh có tới trên 405 bài nói và viết về đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết nổi bật là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”, “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là thắng lợi”; “ Đoàn kết là then chốt của thành công”. “Đoàn kết” là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt ” “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
- Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng; phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương của của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi giai đoạn cách mạng.
Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân là mục đích phấn đấu của Đảng Cộng sản. Ngày 3-3-1951, trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam”, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm 8 chữ là “ đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.
Ngày 31-8-1963: nói chuyện với cán bộ tuyên huấn miền núi về cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm sao cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc. Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: “Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà".
- Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. Khái niệm dân, Nhân dân, đồng bào là một tập hợp đông đảo quần chúng, là “mọi con dân nước Việt”,“mỗi một người con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, “già, trẻ, gái trai, giàu nghèo, quý tiện”.
Đại đoàn kết dân tộc là tập hợp được mọi người dân vào cuộc đấu tranh chung. Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta đoàn kết với họ”1.
- Đại đoàn kết toàn dân thì phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Hồ Chí Minh “Tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đứng về phe nào; chúng ta hãy thật thà cộng tác vì dân vì nước”. Người căn dặn: “Cần xoá bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để phục vụ Nhân dân”.
- Đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng của khối liên minh công nông, tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Hồ Chí Minh viết “Lực lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất”. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp Nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng.
- Đoàn kết toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Với phương châm “cầu đồng tồn dị”, Người nêu rõ: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp Nhân dân.. .; phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ; phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc.. .; phải đoàn kết chặt chẽ đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc”.
“Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau, phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”.
- Đảng Cộng sản vừa là thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, có trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là của giai cấp công nhân, vừa là của Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Vì vậy, “đại đoàn kết dân tộc.. . thành vấn đề máu thịt của Đảng”. Muốn quy tụ được cả dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam phải: “Vừa là đạo đức, vừa là văn minh”; “Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại”; “Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí”; “được Nhân dân thừa nhận”.
Người viết: “Đảng không thể thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và nănglực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
“Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng ta luôn luôn đấu tranh trên hai mặt trận chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được; đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức trong nội bộ Mặt trận”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng
- Trong thời gian hoạt động ở Pháp, lần đầu tiên Hồ Chí Minh tham gia hoạt động trong một đảng chính trị, đó là Đảng Xã hội Pháp. Qua đó dần dần Người hiểu về vai trò của đảng chính trị không chỉ trong cuộc đấu tranh giai cấp mà cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Từ nhận thức đó, Người đã đồng tình với bộ phận tiên tiến trong Đảng Xã hội Pháp, tham gia Quốc tế cộng sản, tách khỏi Đảng Xã hội, thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đến với chủ nghĩa V. I. Lênin, Người nhận thức rõ hơn vai trò và những điều kiện tiền đề để đảng cộng sản ra đời, nhất là trong điều kiện của một nước thuộc địa, giai cấp công nhân còn nhỏ bé. Toàn bộ hoạt động cách mạng của Người từ 1924 đến năm 1930 là để chuẩn bị cho sự ra đời của đảng cộng sản ở Việt Nam.
- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng chiếm một vị trí quan trọng. Người luôn khẳng định, trong sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước luôn luôn đòi hỏi một đảng trong sạch, vững mạnh, có tầm cao trí tuệ, sức chiến đấu, gắn bó với Nhân dân, đủ năng lực lãnh đạo Nhân dân trong mọi giai đoạn của cách mạng.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài nói, bài viết về công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng rất phong phú, trong đó tập trung vào những điểm chủ yếu sau:
Một là, cách mạng cần có đảng. Cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi "trước hết phải có đảng cách mệnh". “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt". "Chủ nghĩa" mà Người đề cập ở đây là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hai là, xây dựng Đảng là phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Vận dụng và phát triển những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng vô sản kiểu mới do V.I.Lênin đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu các nguyên tắc chủ yếu là: Nguyên tắc tập trung dân chủ; Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Nguyên tắc tự phê bình và phê bình; Kỷ luật nghiêm minh, tự giác.
Ba là, quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài để Đảng xứng đáng "là đạo đức, là văn minh".
Đây là sự phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh học thuyết của V.I.Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Để đảng thực sự"là đạo đức, là văn minh" phải quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng có phẩm chất, tư cách và năng lực hoạt động.
Bốn là, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân.
- Đảng ta gắn bó với dân vì "Đảng là con nòi của dân tộc"; mục đích của Đảng là "Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc". Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Mỗi đảng viên phải bằng hành động thực tế của mình để có niềm tin yêu của Nhân dân, chứ không phải "dán lên trán hai chữ cộng sản" là được dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục. Đảng thường xuyên lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tổ chức và vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Đảng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với dân; phải “…không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.
Năm là, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn.
Theo Hồ Chí Minh, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân Đảng là yêu cầu của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong điều kiện cách mạng chuyển sang giai đoạn mới càng cần quan tâm đến công tác xây dựng Đảng; “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng...".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong công tác xây dựng Đảng
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết xây dựng Đảng bắt nguồn từ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc; từ vai trò của Đảng trong đại đoàn kết toàn dân và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Từ quan niệm “Đoàn kết là then chốt của thành công”, Người xác định phải xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và Đảng Cộng sản phải là hạt nhân của đại đoàn kết trong Mặt trận. Muốn làm được viết đó, Đảng phải thực sự là “đạo đức, là văn minh”; phải đoàn kết trong Đảng, làm gương và thúc đẩy đoàn kết toàn dân.
- Trong công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của đoàn kết. Điều đó thể hiện rất rõ trong những lời dạy của Người về xây dựng Đảng, lời dặn về việc làm đầu tiên trong Di chúc. Nội dung đoàn kết xây dựng Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh tập trung lại gồm các điểm sau:
+ Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là do sự đoàn kết trong Đảng đem lại, bởi từ đoàn kết trong Đảng dẫn tới đại đoàn kết toàn dân. Người viết: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ" mà "Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".
+ Đoàn kết là là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Khi đã trở thành truyền thống thì mọi thế hệ cách mạng đều phải có trách nhiệm duy trì và bảo vệ. Trong Di chúc, Người tâm huyết căn dặn: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
+ Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là dân chủ và phê bình, tự phê bình. Người căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình". Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
+ Để đoàn kết, không chỉ là thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà rất cần cả tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1967, Người bổ sung vào trong bản Di chúc cụm từ: "trong Đảng phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau".
+ Trong điều kiện đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đạo đức của Đảng, chống lại các căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “xa dân”. Theo Người, đảng cầm quyền có nhiệm vụ to lớn là lãnh đạo Nhân dân xây dựng xã hội mới, một “cuộc chiến đấu khổng lồ, xóa đi những gì cũ kỹ hư hỏng, xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi”. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải "là đạo đức, là văn minh". Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân".