TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  01/08/2021     |  Lượt xem 769   

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1/8/1930 - 1/8/2021)

I-  KHÁI QUÁT VỀ NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

Cách đây 91 năm, ngày 01 tháng 8 năm 1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng ta xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 01/8” nhằm giải thích nguồn gốc chiến tranh đế quốc; kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc; đồng thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh nhân dịp kỷ niệm 1/8. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành. Việc phát hành tài liệu này đã gây dư luận rộng lớn trong xã hội lúc bấy giờ, thức tỉnh binh lính và dân chúng, động viên hàng trăm cuộc biểu tình của các tầng lớp nhân dân hưởng ứng chủ trương của Đảng, chống chiến tranh đế quốc.

Từ đó, ngày 1 tháng 8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quí giá, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác Tư tưởng - Văn hoá của Đảng.

Để khẳng định và tôn vinh những thành quả, những đóng góp về công tác tư tưởng - văn hóa cũng như của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng qua các thời kỳ cách mạng của Đảng và của dân tộc; để giáo dục truyền thống, xây dựng lòng tự hào, tinh thần yêu nghề, ý thức trách nhiệm, động viên sự phấn đấu, vươn lên của đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng; cũng là dịp để tổng kết và rút ra những bài học về nội dung, phương pháp, hình thức… công tác tư tưởng có hiệu quả, xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng “vừa hồng vừa chuyên”, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhân dân đã giao cho; Năm 2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành công tác tuyên giáo của Đảng.

Công tác Tư tưởng - Văn hoá đã xuất hiện trước và đồng thời với sự ra đời của Đảng. Hình thành và phát triển gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, công tác tuyên giáo của Đảng đã trải qua 89 năm đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, khó khăn, phức tạp trên trận địa tư tưởng - văn hoá, đã góp phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta.

Đó là, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của việc chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp, đặc biệt là quá trình tích cực tiến hành công tác tư tưởng - Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc ta - tạo nên sức mạnh vật chất, chuẩn bị tích cực về mặt chính trị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức đầy đủ rằng: Công tác Tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu và là một bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Thông qua hoạt động tư tưởng, Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng cương lĩnh đầu tiên; hình thành đường lối cách mạng, chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng.

Những thắng lợi vĩ đại của đất nước ta trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, trước hết là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, công tác tư tưởng là một bộ phận quan trọng hàng đầu đã góp phần xây dựng Đảng về trí tuệ, tư tưởng chính trị, tạo cơ sở sáng tạo ra đường lối khoa học, đúng đắn; góp phần quyết định đưa lý luận khoa học và đường lối của Đảng vào cuộc sống, giác ngộ quần chúng để tiến hành đấu tranh cách mạng; góp phần chủ yếu vào việc hình thành và từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng thông qua tổng kết thực tiễn; góp phần hết sức quan trọng vào việc đấu tranh chống các luận điệu thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân; góp phần to lớn vào việc phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở những thành quả đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, bản thân ngành công tác tuyên giáo đã không ngừng phấn đấu trưởng thành và lớn mạnh. Trên mặt trận tư tưởng - văn hoá đã có các binh chủng trong từng lĩnh vực: giáo dục lý luận chính trị, báo chí xuất bản, tuyên truyền cổ động, văn hoá - văn nghệ… với một đội ngũ hùng hậu, được rèn luyện trong thực tiễn, có phẩm chất và năng lực ngày càng nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng xung kích của Đảng luôn góp phần vào mỗi thắng lợi của dân tộc. Cùng với quân, dân cả nước, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng, dù hoạt động ở đâu, lúc nào cũng đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Ghi nhận công lao to lớn ấy, năm 2002, ngành công tác tuyên giáo đã được Nhà nước ta tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng.

II- 91 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN PHÙ CỪ

Trong 91 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng  bộ và nhân dân Phù Cừ đã luôn luôn coi trọng công tác Tuyên giáo, cùng với công tác Tổ chức, công tác Kiểm tra, công tác Dân vận góp phần xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh.

Tự hào về sự ra đời và lớn mạnh của ngành Tuyên giáo nói chung, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của đảng bộ huyện đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tháng 02/1940, chi bộ Quế Ải được thành lập là chi bộ đầu tiên của huyện Phù Cừ. Sự ra đời chi bộ đầu tiên ở Phù Cừ là bước ngoặt lớn, quan trọng, phong trào cách mạng trong toàn huyện đã có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo. Từ ngày được thành lập, chi bộ đã tăng cường công tác tư tưởng chính trị, lãnh đạo nhân dân, chăm lo xây dựng mở rộng cơ sở mới, tích cực tuyên truyền khơi gợi lòng yêu nước, chống cường quyền ở hương thôn. Nhờ đó mà cơ sở cách mạng được mở rộng ở nhiều nơi trong huyện, ngày 15/8/1943 bên khóm tre “Thánh Gióng” trên cánh đồng Hầm thôn Đông Cáp diễn ra hội nghị thành lập chi bộ đảng Đại Duy – Đông Cáp (chi bộ thứ 2 của huyện Phù Cừ). Đã là những nhân tố quan trọng để vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh chống thuế, chống giặc Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay và tiến tới sắm vũ khí đuổi thù chung.

Từ tiếng nói đòi tự do, dân chủ, trên báo chí công khai của Đảng những năm 30 (thế kỷ XX) được những thanh niên ưu tú tiếp nhận, về huyện tuyên truyền đến việc cán bộ Việt Minh trực tiếp vận động, chỉ đạo đồng bào đấu tranh thể hiện quá trình nhận thức có tính cách mạng của nhân dân Phù Cừ. Đó là một quá trình từ nhận thức tự nhiên về quyền sống con người đến nhận thức sâu sắc về con người giai cấp, con người xã hội, về quyền dân tộc và mối quan hệ của nó. Tiến trình các cuộc đấu tranh ban đầu đòi quyền lợi kinh tế như chống nhổ ngô, lúa trồng đay, chống Pháp, Nhật cướp thóc của dân dẫn tới cao trào cách mạng quần chúng như phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân, đứng lên theo Đảng tiến hành tổng khởi nghĩa vũ trang Tháng Tám 1945, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ độc lập tự do và lao động quên mình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Phù Cừ tự hào là địa phương giành chính quyền sớm nhất tỉnh và cả nước (14/8/1945), góp phần cùng nhân dân cả nước phá tan mắt xích của chủ nghĩa thực dân, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, giương cao ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trong  hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã tập trung nhân tài, vật lực ủng hộ kháng chiến và thực hiện hiệu quả việc tiêu thổ kháng chiến. Có Đảng lãnh đạo, một lần nữa, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta lại được khơi dậy. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đã được đảng bộ Phù Cừ vận dụng một cách sáng tạo để phục vụ cho cuộc chiến đấu tại chỗ và chi viện cho tiền tuyến. Các tổ chức cách mạng hăng hái thi đua trong phong trào: "Thi đua ái quốc" "Xây dựng làng kháng chiến"... phát triển lực lượng cách mạng góp phần quan trọng cùng cả nước, non sông thu về một mối.

Hòa bình lập lại, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Cùng với cả nước Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân huyện vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tham gia hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng bộ huyện đã triển khai nghiêm túc theo các hoạch định đường lối đổi mới của Đảng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khoá IV (tháng 8/1979); Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Đến Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã ra sức phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Năm 1997, huyện Phù Cừ được tái lập, được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng các cấp đặc biệt là của Ban Thường vụ Huyện uỷ; Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phù Cừ được tái lập, được quan tâm về tổ chức biên chế cũng như về cơ sở vật chất. Đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo Phù Cừ ngày càng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, cơ sở vật chất trang bị ngày càng đầy đủ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác Tuyên giáo của Đảng nói chung của đảng bộ huyện Phù Cừ nói riêng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cơ sở được xây dựng và từng bước kiện toàn. Thực hiện Thông báo số 250-TB/TU ngày 27/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hướng dẫn số 30-HD/BTGTU ngày 20/9/2007 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Thông báo số 63-TB/HU ngày 06/11/2007 của Ban Thường vụ Huyện uỷ, 14 Ban Tuyên giáo cơ sở được củng cố và kiện toàn, các chi đảng bộ cơ quan đều có cán bộ Phụ trách công tác tuyên giáo, đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy cơ sở làm Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy. Đến nay hầu hết đảng uỷ xã, thị trấn có quyết định củng cố, kiện toàn ban tuyên giáo đảng uỷ theo mô hình Ban Tuyên giáo cơ sở 03 thành viên.

Tính đến tháng 6/2021, toàn huyện đã có 68 đồng chí cán bộ làm công tác tuyên giáo. Trong đó Ban tuyên giáo đảng ủy cơ sở: 42 đồng chí, Phụ trách công tác tuyên giáo tại các chi, đảng  bộ cơ quan trực thuộc huyện ủy: 20 đồng chí; 6 cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị huyện.

Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về xây dựng kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp ủy. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu giúp cấp ủy rà soát kiện toàn củng cố đội ngũ báo cáo viên cấp Huyện, báo cáo viên các cơ quan và các xã, thị trấn. Toàn huyện có 196 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và cơ sở. Trong đó 5 đồng chí là báo cáo viên cấp huyện; 5 đồng chí là báo cáo viên các cơ quan; 14 đồng chí là báo cáo viên Đảng ủy các xã, thị trấn; 173 đồng chí là tuyên truyền viên của chi, đảng bộ cơ sở.

Với chức năng là cơ quan tham mưu của cấp ủy huyện trên mặt trận về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương… Sau hơn 20 năm, tính từ ngày tái lập Huyện (01/01/1997), Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ Huyện uỷ giao. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng và tâm trạng của các tầng lớp nhân dân trong Huyện, định hướng công tác tuyên truyền và tạo sự đồng thuận xã hội, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng trên địa bàn Huyện.

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã tham mưu giúp Huyện uỷ, hướng dẫn đảng ủy cơ sở xây dựng các Kế hoạch, tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của các cấp uỷ đảng Đảng; tham mưu đắc lực giúp các cấp uỷ từ huyện đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (từ năm 2006-2010); thực hiện chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015” và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong xã hội,... 

Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tuyên truyền, định hướng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chỉ đạo tổ chức và hưởng ứng tích cực các cuộc thi do các cấp phát động. Chủ động xây dựng đề cương, hướng dẫn tuyên truyền và tổ chức kỷ niệm ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của tỉnh, huyện và đất nước; tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới…

Chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, từ đó làm tốt công tác tham mưu giúp Ban thường vụ Huyện uỷ lãnh, chỉ đạo tuyên truyền góp phần ngăn ngừa, giải quyết các vấn đề mới phát sinh; chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp huyện và cơ sở nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời phản ánh các cấp có thẩm quyền và Ban tuyên giáo Huyện ủy.

 Công tác giáo dục lý luận chính trị được triển khai tích cực theo Quy định 54 của Bộ Chính trị; Ban đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Đặc biệt, hằng năm Ban chú trọng mở lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cơ sở" và "Bồi dưỡng chuyên đề công tác tuyên truyền miệng, báo cáo viên” cho cán bộ làm công tác tuyên giáo, cán bộ mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị huyện và đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở.

Phối hợp Trung tâm chính trị huyện duy trì nề nếp hội nghị báo cáo viên hàng tháng đảm bảo chuyển tải thông tin kịp thời tới đội ngũ báo cáo viên của huyện và cơ sở, cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo ở các chi, đảng bộ cơ quan trực thuộc Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị huyện; trưởng ban tuyên giáo đảng ủy các xã, thị trấn về tình hình thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh và trên địa bàn huyện; tình hình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền đoàn thể của huyện. Hằng tháng, chuyển tải bản tin Thông báo nội bộ tới các chi, đảng bộ trong toàn huyện.

Công tác khoa giáo; công tác phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp được quan tâm chú trọng. Hoạt động phối hợp giữa các ngành trong khối khoa giáo, ngày càng nề nếp, hiệu quả hơn trong quán triệt và triển khai việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các cấp ủy Đảng về công tác giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, dân số, gia đình và trẻ em, thể dục – thể thao, bảo vệ môi trường và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Tỉnh uỷ, Huyện về khoa giáo. Tham mưu, triển khai sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Tích cực phối hợp với UBND huyện và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân được chú trọng.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được đẩy mạnh. Ngay từ năm 1998, Ban Thường vụ huyện uỷ Phù cừ đã ra Chỉ thị số 04-CT/HU về “công tác biên soạn lịch sử các chi, đảng bộ ” để chỉ đạo các chi, đảng bộ, nghiên cứu biên soạn lịch sử chi, đảng bộ của đơn vị mình.

Năm 2000, Ban tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Huyện ủy biên soạn và xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Phù Cừ, tập I giai đoạn 1938- 1975. Năm 2010 Ban đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy biên soạn và phát hành Lịch sử Đảng bộ huyện tập II giai đoạn 1975-2010. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXIV, năm 2013, Ban tuyên giáo Huyện ủy đã chủ động tham mưu giúp Ban thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch tái bản lịch sử đảng bộ huyện tập I – (1938-1975), in ấn và phát hành vào ngày 19/5/2014. Hoàn thành việc biên soạn, in ấn phát hành cuốn “Lịch sử Quân sự huyện” giai đoạn 1945 -2020 và cuốn “Phù Cừ - Mảnh đất lịch sử, văn hóa” được phát hành chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI. Làm tốt công tác thẩm định bản thảo lịch sử đảng ủy các xã, thị trấn trực thuộc Huyện ủy trước khi xuất bản. Đến nay, đã hoàn thành việc thẩm định 14 tập sách lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các xã, thị trấn; 14/14 xã, thị trấn đã in ấn phát hành lịch sử; tham gia nghiên cứu biên soạn và thẩm định cuốn sách Phù Cừ Lịch sử kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1945-2005);. Trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy lịch sử và địa lý địa phương cho khối Tiểu học trong toàn huyện. Cùng tham gia nghiên cứu, xác minh văn bản xác định người có công, tham gia hoạt động trước cách mạng tháng Tám 1945...

Đặc biệt trong gia đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy là cơ quan thường trực Trang thông tin điện tử tổng hợp (huyenuyphcu.vn) đã áp dụng tốt công nghệ thông tin, đăng tải kịp thời tin bài, hình ảnh quảng bá quê hương Phù Cừ trên không gian mạng tới độc giả trong và ngoài huyện, số lượng truy cập vào trang tăng nhanh đã mang lại hiệu quả rõ nét và ấn tượng tốt đẹp của con em Phù Cừ trên đang sinh sống và làm việc trên mọi miền tổ quốc và nước ngoài hướng về quê hương.

Có thể nói, công tác Tuyên giáo trong thời gian qua đã khích lệ, góp phần tích cực tạo ra khí thế phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân toàn huyện hăng hái thi đua, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; củng cố xây dựng Đảng; nâng cao lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của toàn xã hội.

Tuy nhiên, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công tác tuyên giáo còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Việc nắm bắt  tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân có lúc chưa kịp thời; Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo nói chung còn hạn chế;  chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng tiến hành công tác Tuyên giáo còn có những  hạn chế nhất định.

Trước yêu cầu của thời kỳ mới, đòi hỏi công tác Tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới, phấn đấu “Hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại”. Công tác Tuyên giáo phải thực sự đi vào lòng người, có sức thuyết phục, chủ động giải quyết những vấn đề mới nảy sinh do cuộc sống đặt ra và không ngừng nâng cao tính chiến đấu chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững ổn định chính trị, động viên toàn Đảng, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đó là trách nhiệm hết sức nặng nề; đồng thời cũng là vinh dự lớn lao của mỗi cán bộ làm công tác Tuyên giáo.

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo diễn ra trong bối cảnh: Năm đầu thực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXVI, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Các cấp uỷ đảng uỷ đang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Nghị quyết Trung ương 6; Trung ương 7; Trung ương 8 (khóa XII). Đặc biệt là công tác tư tưởng, chính trị, công tác tuyên truyền trong phòng chống dịch Covid-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc” cũng như việc thực hiện mục tiêu kép đạt hiệu quả. Thời gian qua, toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn chung sức đồng lòng phấn đấu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019 và phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu… Đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo huyện Phù Cừ gửi lời chúc tới các thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trong Ngành Tuyên giáo qua các thời kỳ. Xin bày tỏ lòng biết ơn tới các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện đã quan tâm, tạo mọi điều kiện để các thế hệ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của huyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

                                                      BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN UỶ

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7032414