TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  08/06/2018     |  Lượt xem 1512   

Vận dụng phương pháp nêu gương của Hồ Chí Minh vào giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên

Nêu gương về đạo đức đã được biết đến từ lâu trong lịch sử như là một yêu cầu, một phương thức giáo dục đạo đức. Xưa kia, Nho giáo coi tu thân và gương mẫu (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ) là yêu cầu đạo đức hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội. Tuy nhiên, Nho giáo chỉ đặt trọng tâm nêu gương vào những người quản lý xã hội (quân tử).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người, sự nghiệp trồng người. Trong giáo dục đạo đức, Người rất coi trọng phương thức “nêu gương”. Người đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” (nghĩa là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói). Người quan niệm, giáo dục đạo đức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trong xã hội ta, ai cũng là chủ thể và cũng là đối tượng của giáo dục đạo đức. Vì vậy, ai cũng có thể và cần phải luôn luôn nêu tấm gương về đạo đức.

Nêu gương đạo đức trước hết là một yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc nêu gương đạo đức của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính” (1). Ngược lại, sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, đặc biệt là sự thoái hóa, biến chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi đạo đức, lối sống ý thức kỷ luật, pháp luật của quần chúng. Người chỉ rõ, người Việt Nam cũng như các dân tộc phương Đông khác vốn rất “giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (2).

Để có được những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra những yêu cầu cao nhưng lại rất sát thực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; có như vậy mới tăng được tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng xây dựng đạo đức mới. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Người cũng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trong đó, điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức.

Để phát huy sự nêu gương trong giáo dục đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và qua đó, tạo ra cả một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong toàn xã hội - phong trào “Người tốt, việc tốt”. Việc nêu gương “Người tốt, việc tốt” đã có tác dụng rất lớn trong giáo dục đạo đức. Qua đó, mỗi người đều tự nhận thấy mình có thể noi theo gương tốt và làm việc tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Ai cũng có thể nêu gương về đạo đức cho người khác học tập. Và, ai cũng cần học tập những gương “Người tốt, việc tốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (3)

Tư tưởng về sử dụng những tấm gương “Người tốt, việc tốt” để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ thể hiện sự quan tâm đến phát triển đạo đức xã hội nói chung, mà còn thể hiện niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào con người, vào khả năng tự giải phóng của mọi tầng lớp xã hội về mặt tinh thần - đạo đức khỏi mọi sự kỳ thị của các hệ tư tưởng thống trị trong xã hội cũ. Tư tưởng đó thể hiện sự bao quát, tầm nhìn của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đối với công tác giáo dục đạo đức, cũng như hiệu quả của công tác này trong xây dựng chế độ xã hội mới.

Hiện nay, đất nước ta chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những yếu tố tích cực cũng có cả những yếu tố tiêu cực tác động đến các giá trị xã hội nói chung và giá trị đạo đức nói riêng. Vì vậy, bên cạnh những người biết trọng cả nghĩa và lợi, biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống, làm tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng tới vai trò, ý nghĩa to lớn của việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Cho nên, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để không ngừng nâng cao nhận thức và “làm theo” phương pháp “nêu gương” về đạo đức, lối sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng, phải trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết của công tác giáo dục, rèn luyện về đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.

Vận dụng tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phương pháp nêu gương vào quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên có tác dụng rất lớn đến xây dựng các tổ chức đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, trong sạch. Trong thực hiện ph­­ương pháp nêu gương về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, không chỉ đơn thuần là việc biểu dư­ơng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, mà điều quan trọng là phải nuôi d­­ưỡngnhững điển hình tiên tiến đó. Đồng thời, phải khắc phục mọi biểu hiện của tư­­ tư­­ởng tự mãn, chủ quan, dừng lại, hoặc chỉ dựa vào những truyền thống đã có để khuếch trương thành tích. Thực hiện nêu gương cần phải luôn gắn liền với nhân điển hình tiên tiến, kịp thời phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tốt trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả “làm theo” phương pháp nêu gương về đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần:

Thứ nhất, thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”.

“Nói đi đôi với làm” là một phương châm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp “nêu gương”; đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta, các dạng biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương về chính trị, kinh tế không thể không ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới tư tưởng và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, “nói đi đôi với làm” theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đúng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng càng trở nên cần thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong hoạt động thực tiễn, mỗi người cần học tập và “làm theo” Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phong cách làm việc thận trọng, tỉ mỉ, giờ nào việc ấy, tinh thần trách nhiệm cao, thói quen đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Khi đã đề ra chủ trương, biện pháp thì phải nêu cao đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm lãnh đạo thực hiện cho bằng được. Đồng thời, phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm. Những biểu hiện đó hoàn toàn trái với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho phương pháp “nêu gương” mất ý nghĩa, tác dụng trong giáo dục đạo đức, lối sống ngay trong nội bộ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình.

Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu của phương pháp “nêu gương” được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Vì vậy, lúc sinh thời, Người thường xuyên đặt ra yêu cầu bức thiết đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội là phải rất coi trọng thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình.

Trong tình hình mới, khi lợi ích cá nhân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm, quyền lợi vật chất luôn gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức nói chung, thì công tác tự phê bình và phê bình càng phải được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Bởi vì, do lợi ích và uy tín cá nhân mà không ít cán bộ, đảng viên rất có thể giấu giếm khuyết điểm của mình. Đồng thời, khi phê bình, góp ý về những khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp mình thì lại có thể xuê xoa, “hòa cả làng”, vì sợ họ cũng sẽ động chạm đến lợi ích và uy tín chính trị của mình. Điều đó rất có nguy cơ dẫn đến chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa “bè phái” trong các tổ chức đảng và do vậy, làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng.

Việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phương pháp “nêu gương” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình. Bởi vì, quần chúng nhân dân luôn chú ý tới lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên để xem có nên noi theo hay không noi theo. Và cũng qua đó, họ biết rất rõ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, có những ưu điểm, nhược điểm gì, và đã sửa chữa nhược điểm, phát huy ưu điểm đến đâu. Cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu, càng phải hết sức nêu gương tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mỗi thành viên của tổ chức cần phải giữ đúng thái độ trung thực, mực thước, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì muốn làm cho người ta bắt chước thì tự mình phải “chính” trước đã; phải khắc phục triệt để các căn bệnh hình thức, thành tích, địa phương chủ nghĩa, cục bộ, bè phái... Phải hết sức tránh những biểu hiện dễ mắc phải trong sinh hoạt là, khi tiến hành tự phê bình và phê bình thì “không nói trước mặt”, nhanh chóng “nhất trí theo chủ tọa”, nhưng lại luôn “hục hặc sau lưng”, dẫn đến nội bộ xảy ra tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, hiềm khích, nghi kỵ nhau, ngày càng trở nên mất đoàn kết. Như vậy, chẳng còn nêu gương được với ai nữa.

“Làm theo” trong thực hiện nêu gương khi tiến hành tự phê bình và phê bình cũng phải có phương pháp để bảo đảm tính khách quan, khoa học, phù hợp và hiệu quả. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp đó là: Tự phê bình và phê bình phải từ trên xuống; các cấp ủy, cấp lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên nêu gương tự phê bình và phê bình cho cấp dưới và quần chúng noi theo; phải trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của cấp dưới, kể cả những ý kiến trái ngược nhau, ý kiến của những người ngoài Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân.

Thứ ba, nâng cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Hiệu quả của việc “làm theo” phương pháp nêu gương đạt được ở mức độ nào đều phải trực tiếp thông qua việc tiếp thu và thực hiện của chủ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng nh­ư “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Như vậy, việc nêu gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thực chất là một quá trình tự luyện vàng, để không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức và phẩm chất cách mạng.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, quyền tự do, dân chủ không ngừng được mở rộng, thì việc tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên càng có điều kiện thuận lợi và dễ thực hiện. Thực tế cho thấy, trong cơ chế thị trường, nếu không kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, thì người cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước cám dỗ của lợi ích vật chất.

Quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, phải luôn gắn với việc tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giống như­ thói quen “rửa mặt hằng ngày”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực; phương pháp thực hiện tự giáo dục, rèn luyện cũng phải linh hoạt, năng động, tránh bệnh hình thức, phô trư­ơng. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch 10 thì biện pháp phải 100, bởi có như­ vậy, ng­ười cán bộ, đảng viên mới thực sự được tôi luyện, mới đạt được mục tiêu trở thành tấm gương để quần chúng noi theo, và qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội./.

Nguồn: Nguyễn Đức Thắng, “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, trang 94-105

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 6, tr 130

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t1, tr 284

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t15, tr 672

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7052253