Ông Bùi Xuân Thếp - Đảng viên 65 năm tuổi Đảng ở thôn Hoàng Tranh, xã Minh Hoàng kể về những ngày tham gia cách mạng Tháng Tám ở địa phương
Trải qua 76 năm, nhiều dấu tích lịch sử của những ngày sục sôi khởi nghĩa giành chính quyền ở khắp các địa phương trong tỉnh vẫn còn lưu lại như một sự nhắc nhớ các thế hệ về lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc.Theo dòng lịch sử, chúng tôi đến xã Minh Hoàng là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên (tháng 2.1940) của huyện Phù Cừ để lãnh đạo cách mạng tại địa phương, nhất là lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền sớm nhất tỉnh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Qua thời gian, với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cần cù chịu khó trong lao động của nhân dân, xã Minh Hoàng xưa giờ đã đổi thay rất nhiều. Những tuyến đường năm xưa cha ông đi khởi nghĩa giờ đã được trải thảm nhựa, bê tông hóa khang trang, đời sống người dân nơi đây cũng ngày càng được sung túc, ấm no. Chúng tôi đứng trên nền nhà bia kỷ niệm nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện, mường tượng về những ngày đấu tranh sục sôi ấy, mường tượng về những gương mặt người dân lúc nổi dậy, về lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong ráng chiều, trong lòng cũng rưng rưng niềm tự hào.Với thế hệ sinh ra thời hậu chiến, thì “chiến tranh” đã trở thành lịch sử. Song đó là phần lịch sử không được phép lãng quên và không bao giờ có thể lãng quên. Trong lần về địa phương công tác, tôi đã được gặp và trò chuyện nhân chứng sống của thời khắc lịch sử mùa thu Tháng Tám xưa. Đó là ông Bùi Xuân Thếp, 91 tuổi đời, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng ở thôn Hoàng Tranh, xã Minh Hoàng. Trong hào khí của mùa thu cách mạng năm xưa, ông Thếp không giấu nổi niềm vui để chia sẻ: “Phù Cừ là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong toàn tỉnh vào ngày 14.8.1945. Trong những ngày cách mạng sục sôi ấy, địa phương tôi đã trở thành chứng tích cho phong trào đấu tranh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Thiếp là đội trưởng đội nhi đồng cứu quốc, trực tiếpthao gia cao trào kháng Nhật cứu nước, phá kho thóc chia cho dân nghèo, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Ông Thếp chia sẻ: “Có rất nhiều ký ức đáng nhớ trong cuộc đời nhưng những năm tháng đầu tiên làm cách mạng, tham gia nổi dậy giành chính quyền vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất, thiêng liêng nhất đối với tôi. Giờ đây, tuổi cao nhưng trong những hồi ức của tôi vẫn còn nhớ những buổi nói chuyện, mít tinh và diễn thuyết xung phong, tuyên truyền của mặt trận Việt Minh dậy lên tiếng trống, tiếng đoàn người hô vang khẩu hiệu: “Hoan nghênh phái bộ đồng minh, Việt Nam độc lập muôn năm”; vẫn vẹn nguyên hình ảnh những lá cờ tung bay kiêu hãnh trên các tuyến đường sục sôi khí thế cách mạng.Sau Cách mạng tháng Tám 1945, xã Minh Hoàng là địa điểm mở các lớp học bình dân học vụ, cứu tế và cải cách ruộng đất trong cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt và chi viện cho mặt trận; là nơi chính quyền cách mạng cổ động phong trào thi đua yêu nước đóng góp sức người, sức của cho cáccuộc kháng chiến thắng lợi sau này.
Ngày nay, xã Minh Hoàng cùng nhiều vùng quê cách mạng khác trên địa bàn tỉnh đã mang diện mạo mới. Mùa thu thứ 76 sau ngày giành độc lập, nhân dân các địa phương đã và đang nô nức thi đua đưa nhanh nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể cùng chung ý chí, khát vọng xây dựng Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững. Là đô thị loại IV và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trên khắp các tuyến đường của thị xã Mỹ Hào vào những ngày mùa thu lịch sử này đều được trang trí đèn hoa, cờ hoa, biểu ngữ. Tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng mọi người dân thị xã vẫn lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy đảng, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của các cấp chính quyền trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế để đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.Sau thành công của Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngoài thực hiện tốt các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động, thị xã đã sáng tạo, đổi mới các phong trào thi đua, tạo sức lan toả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Gặp mỗi người dân thị xã ai ai cũng toát lên sự vui mừng, phấn khởi bởi kinh tế tăng trưởng nhanh, chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển thương mại và dịch vụ; tỷ lệ đô thị hóa cao, chất lượng sống của người dân được nâng cao; công tác an sinh xã hội được chăm lo toàn diện; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường... Phát huy truyền thống của vùng quê anh hùng trong những năm tháng kháng Pháp, chống Nhật từng nhiều lần phá khó thóc cứu đói cho dân, 2 lần tổ chức đánh đồn Bần, cán bộ, nhân dân phường Bần Yên Nhân hôm nay đang ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, phường đang có những bước tiến vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Đảng bộ, chính quyền phường luôn đoàn kết thống nhất lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị. Hiện nay đời sống nhân dân trong phường không ngừng được nâng cao. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của phường là 16%; thu nhập bình quân đầu người 88 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt 60 tỷ đồng. Đồng chí Ngô Phương Tuệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường chia sẻ: Người dân nơi đây giàu lòng yêu nước, luôn tự hào về truyền thống cách mạng của địa phương, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Phường phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu kinh tế là: Nông nghiệp 1% - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 46% - Thương mại, dịch vụ 53%; giái trị sản xuất bình quân đầu người đạt 160 triệu đồng; tạo việc làm mới cho 2 nghìn lao động…
Hào khí mùa thu cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn vang vọng trên mảnh đất Hưng Yên văn hiến, giàu truyền thống cách mạng hôm nay. Truyền thống quê hương, hào khí cách mạng đang là động lực để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết tâm xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Bền - BHY