TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  11/07/2022     |  Lượt xem 492   

Cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ

 

 

Những năm gần đây, khi bàn về kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tha hoá, biến chất của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trước hết là người đứng đầu, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói: Phải kiểm soát quyền lực bằng cơ chế và phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế. Vậy cơ chế là gì? Làm sao nhận diện được và xây dựng nó bằng cách nào?
Thuật ngữ cơ chế (mechanism) có nguồn gốc từ tiếng La-tinh, nghĩa gốc chỉ nguyên lý cấu tạo và làm việc của máy móc. Thuật ngữ này về sau được sử dụng vào các ngành khoa học khác nhau. Theo cách hiểu hiện nay, cơ chế là cách thức tổ chức nội bộ và quy luật vận hành, biến hóa của một sự vật, hiện tượng. Trong kinh tế học, cơ chế được quan niệm là luật chơi, thiết kế cơ chế chính là quá trình xây dựng các luật chơi, nhằm bảo đảm các mục tiêu như trung thực, duy lý, cân bằng chi phí và lợi ích xã hội. Có thể nói, cơ chế là những cách thức, phương pháp nhằm điều phối mối quan hệ nội tại giữa các bộ phận trong một hệ thống quản lý, giúp bộ máy vận hành và phát huy tác dụng. Cơ chế không phải là sự lắp ghép cơ học hay áp dụng tùy tiện các cách thức, phương pháp ngẫu hứng nhất thời mà thường là tập hợp các cách thức, phương pháp đã được thực tế kiểm nghiệm, có tính ổn định tương đối, không dễ bị thay đổi bởi cá nhân nắm quyền.
Cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ là tổng thể những cách thức, phương pháp mà chủ thể kiểm soát (cấp uỷ, người đứng đầu cấp trên) sử dụng nhằm điều phối mối quan hệ nội tại giữa các bộ phận trong cùng một tổ chức hoặc giữa các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, bảo đảm mọi quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ thẩm quyền, quy trình, nguyên tắc của Cương lĩnh, Điều lệ và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để quyền lực luôn vận hành đúng hướng, hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm quyền, lộng quyền, tha hoá quyền lực.
Người đứng đầu chính là người được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc chỉ định giữ chức vụ cấp trưởng trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ hiện nay chưa được quy định một cách rõ ràng, cụ thể đã dẫn đến sự lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, thiếu toàn diện giữa các địa phương, đơn vị. Khảo sát, nghiên cứu cho thấy, chưa có quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu bầu cử, tiến cử, đề nghị bổ nhiệm cán bộ không đúng, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; chưa phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người đứng đầu; chưa tạo được bước đột phá về công tác cán bộ. Không ít nơi đã có tình trạng vừa né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không chịu trách nhiệm cá nhân, dựa vào tập thể, vừa có tình trạng thiếu công tâm, khách quan, gia trưởng, độc đoán, lạm dụng quyền hạn, xen động cơ cá nhân để chi phối, làm sai lệch công tác cán bộ…; khi có thành tích thường nhận về mình, khi có khuyết điểm thì đổ cho tập thể.
Có thể thấy rõ những vi phạm chủ yếu của người đứng đầu trong thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm (hoặc cấp phó khi được uỷ quyền) tại tổ chức, cơ quan, đơn vị, theo thống kê những năm gần đây là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền trong công tác cán bộ, áp đặt ý chí cá nhân, không tham khảo ý kiến tập thể hoặc thông qua quyết nghị của tập thể để hợp thức hoá ý chí chủ quan của mình; chỉ đạo, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; để xảy ra sai phạm của tập thể cấp uỷ do mình lãnh đạo; chịu trách nhiệm liên đới do cấp dưới vi phạm… Ví dụ: Khai trừ ra khỏi Đảng: Đinh La Thăng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Văn Minh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương…; Cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng (khoá XI), Bí thư Ban Cán sự đảng nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Tất Thành Cang; Cách chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam…
Những năm gần đây, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức lớn, khi mà các vi phạm pháp luật trong các tổ chức đảng và đảng viên ngày càng gia tăng, với những dấu hiệu ngày càng tinh vi, phức tạp và khó phát hiện. Thực tế cho thấy, đã và đang xuất hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, kéo dài mà đối tượng mắc sai phạm là những cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn cao trong các cơ quan, tổ chức lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng triệt để các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng 4.0 như thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sao chụp, làm giả các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nhân thân… để thực hiện hành vi vi phạm với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và kín đáo để dễ dàng che đậy, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan thanh tra, kiểm soát... Mặt khác, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và bảo mật thông tin còn nhiều yếu kém, quản lý an ninh mạng thiếu đồng bộ, nhất là việc kiểm soát, xử lý các thông tin trên mạng in-tơ-nét chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, từ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ, có thể đi sâu nghiên cứu một số cách thức, phương pháp kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ như: kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch; phát huy dân chủ; cạnh tranh lành mạnh; kiểm soát xung đột lợi ích; báo cáo, giải trình; truy cứu trách nhiệm và xử lý kỷ luật..., cụ thể như sau:
Một là, giám sát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ
Thực hiện nghiêm chế độ giám sát thường xuyên đối với công tác cán bộ theo quy định, chú trọng giám sát ngườị đứng đầu, tập thể, cá nhân làm công tác cán bộ. Hằng năm, cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề, chuyên ngành về công tác cán bộ đối với cấp dưới.
Cơ quan làm công tác cán bộ và người được phân công phụ trách, theo dõi địa bàn, lĩnh vực thực hiện chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm đổi với nội dung báo cáo, nhận xét, đảnh giá của mình về công tác cán bộ.
Thực hiện nghiêm cơ chế giám sát, phản biện của mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; giám sát, phản ánh của nhân dân đối với cán bộ và công tác cán bộ.
Trường hợp phát hiện đối tượng giám sát có dấu hiệu vi phạm thì tập thể, thành viên thực hiện việc giám sát phải báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận, xử lý theo quy định.
Hai là, kiểm tra, giám sát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ
Hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng kế hoạch và tiến hành tự kiểm tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất theo quy định. Chú trọng kiểm tra của cẩp trên với cấp dưới, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện các nội dung công tác cán bộ.
Cơ quan làm công tác cán bộ của cấp ủy cấp trên định kỳ kiểm tra việc tham mưu, đề xuất, thẩm định và quyết định trong thực hiện các nội dung công tác cán bộ của cấp dưới trực tiếp. Kịp thời thẩm tra, xác minh, kết luận những trường hợp có nhiều dư luận, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Khi phát hiện có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải kịp thời chỉ đạo kiểm tra, kết luận, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Ba là, phát huy dân chủ kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ
Các chủ trương, chính sách lớn phải được tham khảo ý kiến, đánh giá tác động, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, khách quan, khả thi và tạo sự đồng thuận khi triển khai, thực hiện. Thành viên tham dự hội nghị được quyền thể hiện hết chính kiến và chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung thông tin, ý kiến của mình; người chủ trì không được áp đặt ý kiến chủ quan của mình làm ảnh hưởng đến kết quả biểu quyết hội nghị.
Thực hiện bỏ phiếu kín đối với những nội dung cần biểu quyết; bảo đảm không gian, thời gian và tính độc lập cho người ghi phiếu biểu quyết. Thực hiện nghiêm túc, dân chủ, thực chất trong đánh giá tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bốn là, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ
Công khai, minh bạch thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cản bộ; nâng ngạch, nâng bậc lương, xét thăng hạng hằng năm hoặc đột xuất phải được thông báo đến cán bộ, đảng viên tại hội nghị hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ tiêu, kế hoạch tuyển dụng phải được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, cơ cấu, quy trình tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử; bản nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền phải được thông báo tại hội nghị thực hiện quy trình nhân sự của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trích ngang lý lịch, nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền và bản kê khai tài sản của nhân sự phải được cung cấp cho thành viên tham dự các hội nghị khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Không được lợi dụng, lạm dụng quy định bảo mật để hạn chế, ngăn cản việc tiếp cận thông tin hoặc lợi dụng, lạm dụng việc công khai, minh bạch để phát tán thông tin về cán bộ và công tác cán bộ với dụng ý xấu.
Năm là, kiểm soát quan hệ lợi ích trong thực hiện công tác cán bộ của người đứng đầu
Những người có quan hệ cha (mẹ), con (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi); vợ, chồng; anh (chị), em ruột không được cùng đảm nhiệm chức danh bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ cùng một địa phương; là thành viên cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu của cùng cơ quan, đơn vị; là thành viên cùng hội đồng tuyển dụng, thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức,
Người đứng đầu và người trực tiếp tham mưu về công tác cán bộ chịu trách nhiệm về việc nhận xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ và đề xuất quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ thuộc thẩm quyền, nhất là người cổ quan hệ cha (mẹ), con (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi); vợ, chồng; anh (chị), em ruột với mình.
Người được giao theo dõi, phụ trách về công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực không quá 5 năm liên tiếp.
Cấp có thẩm quyền rà soát, thực hiện điều chuyển cán bộ sang vị trí, địa bàn công tác khác đối với các trường hợp nêu trên. Thực hiện nghiêm theo lộ trình bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và một số chức danh khác theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước không là người địa phương.
Sáu là, cạnh tranh lành mạnh trong thực hiện công tác cán bộ
Cơ bản thực hiện bầu cử có số dư, bổ nhiệm cán bộ có cạnh tranh, thông qua thi tuyển hoặc bảo vệ chương trình hành động.
Mọi đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có cơ hội ngang nhau và được tạo môi trường bình đẳng trong tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ.
Người thuộc đối tượng giới thiệu quy hoạch, ứng cử, dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; đánh giá, xếp loại chất lượng, lấy phiếu tín nhiệm. Không được mua chuộc, gây sức ép để tranh thủ phiếu bầu, phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm cho mình dưới mọi hình thức.
Bảy là, báo cáo, giải trình trong thực hiện công tác cán bộ của người đứng đầu
Khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị làm công tác cán bộ và người trực tiếp tham mưu, đề xuất nhân sự có trách nhiệm giải trình đầy đủ, khách quan, trung thực.
Tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử khi người đứng đầu có quyết định nghỉ hưu hoặc thông báo chuyển công tác.
Bố trí, phân công ủy viên ban thường vụ cấp ủy khác với cơ cấu được quy định. Nhân sự không tham gia cấp ủy nhưng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở cơ quan, tổ chức có cơ cấu cấp ủy.
Tám là, truy cứu trách nhiệm và xử lý kỷ luật trong thực hiện công tác cán bộ của người đứng đầu
Tạm đình chỉ công tác, chức vụ để kiểm điểm, kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ tham mưu về công tác cán bộ; cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực; thành viên đoàn kiểm tra, giám sát có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ.
Tạm dừng quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước đổi với cán bộ, đảng viên; thành viên của tập thể lãnh đạo đang trong quá trình bị thẩm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành.
Đình chỉ công tác, chức vụ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, kiểm tra, thanh tra, nội vụ; không phân công theo dõi địa bàn, lĩnh vực, tham gia đoàn kiểm tra, giám sát đối với người đã có kết luận vi phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Đưa ra khỏi quy hoạch, không luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử có thời hạn đối với cán bộ vi phạm trong công tác cán bộ.
Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định đã có kết luận vi phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân có liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm hoặc không chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý.
Đưa ra khỏi danh sách quy hoạch đối với người có trên 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp. Cho từ chức, thôi giữ chức vụ đối với người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên hoặc có 2 năm trong nhiệm kỳ hoặc thời hạn giữ chức vụ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ động bố trí công tác khác đối với những người làm công tác cán bộ có nhiều phản ánh, dư luận đã được xác minh, kiểm chứng về lộng quyền, lạm quyền, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác cán bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Trường hợp tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương bị xử lý kỷ luật hình thức nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó sẽ bị xử lý kỷ luật cá nhân tương ứng hoặc cao hơn hình thức xử lý kỷ luật tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đó.
Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 6895740