Theo đó, 20 đường được đặt tên là: đường La Tiến, Hòa Bình, Trần Xá, Tống Trân, Đậu Từa, Trần Thượng 1, Trần Thượng 2, Trần Thượng 3, Cao Từa, Trần Hạ, Cổng Ba, Cổng Đông 1, Cổng Đông 2, Cổng Đình 1, Cổng Đình 2, Mai Lĩnh, Cổng Trại 1, Cổng Trại 2, đường 14 tháng 8, Trần Thị Khang.
7 phố được đặt tên là: Phố Cao, Phố Từa, Nguyễn Công Tiễu, Doãn Mậu Đàm, Nguyễn Du, Cúc Hoa, Lê Hữu Trác.
Bản đồ các đường, phố được đặt tên của thị trấn Trần Cao
Các đường, phố của thị trấn Trần Cao được xây dựng theo 2 trục chính. Trục thứ nhất dọc theo đường 386 được đặt tên là đường La Tiến dài 1.660m, từ vị trí giáp ranh xã Phan Sào Nam, qua ngã tư Phố Cao, các cơ quan huyện đến giáp ranh xã Tống Phan.
Trục thứ 2 dọc theo quốc lộ 38B và sông Hòa Bình gồm 2 phố là phố Cao, Phố Từa dài hơn 2km nằm trên quốc lộ 38B đoạn từ vị trí giáp xã Đoàn Đào đến giáp ranh xã Quang Hưng. Song song với tuyến này bên kia sông là đường Hòa Bình dài 1.850m.
Đây là 2 trục giao thông chính của huyện Phù Cừ giao cắt với nhau ở ngã tư Phố Cao.
Tuyến Phố Cao - Phố Từa (màu đỏ) giao cắt với đường La Tiến (màu cam) ở vị trí ngã tư phố Cao
Các tuyến đường quan trọng khác là đường Tống Trân dài 1.470m (song song với Phố Cao ở bên kia sông Hòa Bình chạy đến đoạn ngã tư Phố Cao rẽ phải song song với đường La Tiến bên kia sông Sậy – La Tiến), đường Đậu Từa (thôn Trần Thượng) dài 1.370m, đường Cao Từa (thôn Trần Hạ và Cao Xá) dài 1.455m.
Ngắn nhất là các đường Cổng Đình 2 (thôn Cao Xá) chỉ có 200m, đường Cổng Đông 2 (thôn Cao Xá) dài 225m và phố Nguyễn Công Tiễu, phố Doãn Mậu Đàm (khu dân cư số 01) cùng dài 180m.
Một số tên đường, phố được đặt theo các địa danh đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân địa phương như phố Cao, phố Từa, Cổng Ba, Cổng Đình, Cổng Trại, v.v...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng trình bày tờ trình về việc đặt tên 27 đường, phố của thị trấn Trần Cao tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVI
Một số đường, phố mang tên danh nhân là người địa phương hay gắn bó với mảnh đất Phù Cừ như vợ chồng trạng nguyên Tống Trân – Cúc Hoa (quê xã Tống Trân), đại thi hào Nguyễn Du (từng có thời gian làm tri huyện Phù Dung, tức huyện Phù Cừ nay), nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu (quê xã Phan Sào Nam), Anh hùng liệt sỹ Trần Thị Khang (quê ở Mỹ Hào, nguyên Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc, chỉ huy đội du kích Hoàng Ngân huyện, bị giặc Pháp giết hại tại bốt La Tiến).
Đường 14 tháng 8 được đặt theo mốc lịch sử ngày 14/8/1945, ngày huyện Phù Cừ giành chính quyền sớm nhất tỉnh Hưng Yên.
Thị trấn Trần Cao huyện Phù Cừ được thành lập theo nghị định số 50/2000/NĐ-CP ngày 22/9/2000 của Chính phủ. Thị trấn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện Phù Cừ với diện tích 480 ha, gần 6.700 nhân khẩu sinh sống ở 3 thôn.