Ở xã Tam Đa (Phù Cừ), khu vực trồng cam được quy hoạch gọn vùng tại thôn Ngũ Phúc. Thời điểm này, nông dân đang tập trung chăm sóc các vườn cam, chuẩn bị cho thu hoạch. Chị Đào Thị Thủy, thành viên của HTX nông nghiệp Ngũ Phúc cho biết, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gia đình chị đã trồng cam từ 9 năm nay. Hiện tại gia đình chị có 1 mẫu trồng cam, chủ yếu là cam Vinh, cam Bố Hạ và cam đường canh. Thời điểm này đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cam Vinh (cam Bố Hạ và cam đường canh thu hoạch muộn hơn), năng suất, giá cả được dự báo ổn định như năm trước. Chị Thủy cho biết thêm, năm 2018, với 6 sào cam, gia đình chị thu khoảng 8 tấn cam các loại, đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 70 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 lao động của gia đình, cuộc sống nhờ thế mà được cải thiện đáng kể. Năm 2018, HTX nông nghiệp Ngũ Phúc được thành lập, gia đình chị tham gia vào HTX với mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm, phương pháp sản xuất hiệu quả để tạo ra sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn cho người dùng, góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phảm nông sản của địa phương.
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cam chuẩn bị thu hoạch
Anh Trần Văn Bính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngũ Phúc cho biết, xã Tam Đa đã quy hoạch vùng trồng cam ở thôn Ngũ Phúc, rộng 51 héc-ta, trong đó có 21,6 héc-ta cam được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Nông dân đã lựa chọn các giống cam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư sản xuất, trong đó có 7 héc-ta cam Vinh. Toàn xã có 144 hộ trồng cam. Riêng HTX nông nghiệp Ngũ Phúc có 48 hộ với tổng diện tích 18 héc-ta. HTX đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức được 1 lớp tập huấn cho các thành viên về sản xuất cam theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm; các thành viên cũng thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường... Ngoài ra, HTX còn vận động thành viên đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ sản xuất được 48 triệu đồng, dành cho 2 thành viên khó khăn, có nhu cầu về vốn vay đầu tư sản xuất, mỗi chu kỳ vay vốn 1 năm, sau đó quay vòng cho thành viên khác có nhu cầu vay. Song song với hỗ trợ sản xuất, trong khâu tiêu thụ, HTX chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ, phiên chợ nông sản để quảng bá, giới thiệu, bán hàng; chủ động tìm các đầu mối thu mua để từng bước đưa sản phẩm vào các siêu thị... Sản phẩm của các thành viên HTX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap từ năm 2018, HTX thường xuyên tuyên truyền trong thành viên cũng như những người trồng cam luôn bảo đảm quy trình sản xuất tốt nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đồng thời bảo đảm chất lượng đã được chứng nhận, đem lại hiệu quả bền vững. Năm 2018, tổng sản lượng cam của xã đạt 836 tấn (giá bán bình quân 20 nghìn đồng/kg), trong đó 283 tấn cam Vinh. Năm nay, thời tiết bất thuận nên cam Bố Hạ và cam đường canh bị ảnh hưởng dẫn đến tổng sản lượng cam các loại chỉ đạt khoảng 550 tấn, tuy nhiên sản lượng và giá bán cam Vinh vẫn bảo đảm ổn định như năm trước, dự kiến đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng cam. Anh Bính nhẩm tính, chỉ riêng gia đình anh, với 3,5 mẫu, trồng 1 nghìn gốc cam, ước thu khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, công lao động... còn thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Năm nay HTX nông nghiệp Ngũ Phúc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương hỗ trợ 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam; HTX cũng đã in túi có logo của HTX để cung cấp cho thành viên thuận lợi trong đóng gói, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm; đồng thời chủ động tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Ngoài nỗ lực của HTX, các thành viên HTX nói riêng và người trồng cam ở Tam Đa nói chung cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, tạo điều kiện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để giúp nông dân yên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm tốt, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.