MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ ! TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH! ĐOÀN KẾT - DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG - SÁNG TẠO - PHÁT TRIỂN! NHIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2025-2030 TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIV CỦA ĐẢNG
  08/11/2018     |  Lượt xem 1146   

Thông báo: Huyện Phù Cừ tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) huyện Phù Cừ

Ban biên tập Trang thông tin điện tử tổng hợp của huyện (huyenuyphucu.vn) trân trọng đăng tải Quyết định, Kế hoạch của UBND huyện, Thể lệ cuộc thi của Ban Tổ chức và bài viết giới thiệu về huyện Phù Cừ - tỉnh Hưng Yên tới độc giả.

Thông tin về các Quyết định, Kế hoạch và thể lệ cuộc thi sáng tác (logo) xem tại đây 01-QĐ, KH và Thể lệ cuộc thi.pdf


HUYỆN PHÙ CỪ - TỈNH HƯNG YÊN

---

1-    Quá trình thành lập huyện Phù Cừ

Huyện Phù Cừ nằm phía đông nam tỉnh Hưng Yên có lịch sử định cư khá sớm thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; cha ông ta đã tới đây khai phá đất hoang, dựng xóm, lập làng, đắp đê trị thủy; với biết bao thăng trầm mới có được như ngày hôm nay.

 Đầu công nguyên mảnh đất này thuộc huyện Cửu Diên quận Giao Chỉ. Thời Tiền Lê đổi đạo thành lộ địa bàn của huyện thuộc Khoái lộ, sau đổi thành Khoái Châu. Vào năm Nhâm Dần (năm 1252) cả nước có 12 phủ, dưới phủ là huyện, lúc đó mảnh đất này đã có tên gọi là huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu. Khi nhà Mạc lên ngôi, kiêng tên húy của Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung), đổi tên thành huyện Phù Hoa. Đến thời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ là Phù Dung. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (năm 1741) Lê Hiển Tông đổi đạo thành trấn (có thượng trấn và hạ trấn) huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu của Sơn Nam thượng trấn. Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831) tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm có phủ Khoái Châu và phủ Tiên Hưng, từ đó huyện Phù Dung là 1 trong 8 huyện của tỉnh Hưng Yên. Đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi gọi là Phù Cừ. Năm Tự Đức thứ 4 (1858) huyện Phù Cừ từ phủ Khoái Châu chuyển về phủ Tiên Hưng trong tỉnh.

Năm Thành Thái thứ 6 (1894) huyện Phù Cừ lại được chuyển về Phủ Khoái Châu. Từ đó đến trước năm 1947, huyện Phù Cừ là một trong tám huyện của Tỉnh Hưng Yên.

Ngày 26/01/1968, theo Quyết định số 504-NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất, huyện Phù Cừ nằm trong địa bàn của tỉnh Hải Hưng.

Ngày 11/3/1977 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP, huyện Phù Cừ hợp nhất với huyện Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên và là một trong 12 huyện, thị của tỉnh Hải Hưng.

Thực hiện Nghị định số 17- CP, ngày 24/2/1997 của Chính phủ về việc chia tách huyện Phù Tiên thành 2 huyện Tiên Lữ và Phù Cừ theo địa giới hành chính cũ. Căn cứ Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phù Tiên, ngày 12/3/1997 và quyết định số 70-QĐ/TU, ngày 16/4/1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về việc thành lập Đảng bộ huyện Phù Cừ. Ngày 1/5/1997, huyện Phù Cừ chính thức tái lập, ngày 2/5/1997, huyện Phù Cừ trọng thể tổ chức lễ tái lập huyện sau 20 năm hợp nhất.

2-    Mảnh đất và con người Phù Cừ

 Phù cừ là huyện có vị trí địa lý quan trọng; phía nam giáp huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình); phía đông giáp huyện Thanh Miện (tỉnh hải Dương); phía tây giáp huyện Tiên Lữ; phía bắc giáp huyện Ân Thi của tỉnh. Với diện tích đất tự nhiên 9.127,19 ha, trong đó hơn 6.155,78 ha đất nông nghiệp. Dân số 78.410 người (theo niên giám thống kê năm 2015), được phân giới thành 14 xã, thị trấn với 54 thôn. Về giao thông đường thủy có sông Luộc là đường phân giới tự nhiên với tỉnh Thái Bình; đường bộ có quốc lộ 38B, tỉnh lộ 386 (đường 202 cũ) hợp với hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và cải tạo, làm cho Phù Cừ có địa thế quan trọng về quân sự và phát triển kinh tế - văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Phù Cừ vừa chinh phục thiên nhiên vừa chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước. Từ bao đời nay, người dân Phù Cừ một nắng hai sương lấy nghề cấy lúa nước và trồng màu làm nguồn sống chính, xây dựng xóm làng trù phú, hình thành nên truyền thống văn hoá lịch sử, xứng đáng là quê hương của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân - người được cả nước biết đến về sự học rộng tài cao, nhân nghĩa vẹn toàn. Truyền thống ấy là cội nguồn sức mạnh để Phù Cừ tiến những bước dài trong lịch sử xây dựng và phát triển.

Tháng 02/1940, chi bộ Quế Ải được thành lập (tại nhà đồng chí Đinh Trọng Phương), là chi bộ đầu tiên của huyện Phù Cừ (gồm 3 đồng chí Lý Anh, Đinh Trọng Phương, Nguyễn Đức Vũ) do đồng chí Lý Anh làm Bí thư Chi bộ. Sự ra đời chi bộ đầu tiên ở Phù Cừ là bước ngoặt lớn, quan trọng, phong trào cách mạng trong toàn huyện đã có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo. Từ ngày được thành lập, chi bộ đã tăng cường lãnh đạo nhân dân, chăm lo xây dựng mở rộng cơ sở mới, tích cực tuyên truyền khơi gợi lòng yêu nước, chống cường quyền ở hương thôn. Nhờ đó mà cơ sở cách mạng được mở rộng ở nhiều nơi trong huyện, ngày 15/8/1943 bên khóm tre “Thánh Gióng” trên cánh đồng Hầm thôn Đông Cáp diễn ra hội nghị thành lập chi bộ đảng Đại Duy – Đông Cáp (chi bộ thứ 2 của huyện Phù Cừ). Đồng chí  Lê Ngọc Tăng (Kim Quang) là bí thư đầu tiên của chi bộ đảng Đại Duy – Đông Cáp. Đã là những nhân tố quan trọng để vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh chống thuế, chống giặc Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay và tiến tới sắm vũ khí đuổi thù chung.

Từ tiếng nói đòi tự do, dân chủ, trên báo chí công khai của Đảng những năm 30 (thế kỷ XX) được những thanh niên ưu tú tiếp nhận, về huyện tuyên truyền đến việc cán bộ Việt Minh trực tiếp vận động, chỉ đạo đồng bào đấu tranh thể hiện quá trình nhận thức có tính cách mạng của nhân dân Phù Cừ. Đó là một quá trình từ nhận thức tự nhiên về quyền sống con người đến nhận thức sâu sắc về con người giai cấp, con người xã hội, về quyền dân tộc và mối quan hệ của nó. Tiến trình các cuộc đấu tranh ban đầu đòi quyền lợi kinh tế như chống nhổ ngô, lúa trồng đay, chống Pháp, Nhật cướp thóc của dân dẫn tới cao trào cách mạng quần chúng như phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân, đứng lên theo Đảng tiến hành tổng khởi nghĩa vũ trang Tháng Tám 1945, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ độc lập tự do và lao động quên mình xây dựng chủ nghĩa xã hội là diễn trình từ đấu tranh tự phát đến tự giác. Con đường đến với cách mạng của nhân dân Phù Cừ là con đường tất yếu của lịch sử hiện đại, phù hợp với quy luật cách mạng vô sản và chân lí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang); đêm 14/8/1945, Việt Minh huyện Phù Cừ đã chớp thời cơ tấn công vào huyện đường giành được thắng lợi; đồng chí Lương Phần thay mặt lực lượng Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân – phong kiến từ huyện đến tổng, xã và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Ngày 18/8/1945, nhận được thông báo của Kỳ bộ Việt Minh và lệnh tổng khởi nghĩa, ngày 19/8/1945, Chi bộ Đảng đã lãnh đạo triệu tập cuộc mít tinh tại huyện để thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân Phù Cừ tự hào là địa phương giành chính quyền sớm nhất tỉnh (14/8/1945), góp phần cùng nhân dân cả nước phá tan mắt xích của chủ nghĩa thực dân, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, giương cao ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Việc giành chính quyền của Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã cùng nhân dân cả nước đập tan xiềng xích hàng ngàn năm của chế độ phong kiến và ngót một trăm năm của chế độ thực dân Pháp, xoá bỏ ách thống trị của Phát xít Nhật lập lên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông nam Á.

Vào đầu tháng 01/1946, Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ lần thứ nhất được tổ chức tại nhà cụ Lý Chỉnh thôn Cát Dương với tổng số 17 đồng chí của 2 chi bộ Đảng. Đại hội tuyên bố thành lập Đảng bộ huyện và kiểm điểm việc thực hiện chương trình của Mặt trận Việt Minh huyện, bàn nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đầu tiên gồm 05 đồng chí. Đồng chí Vạn Quốc được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, là Bí thư Huyện uỷ đầu tiên của Đảng  bộ huyện Phù Cừ.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vận mệnh đất nước đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Đêm 19/12/1946, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến". Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã tập trung nhân tài, vật lực ủng hộ kháng chiến và thực hiện hiệu quả việc tiêu thổ kháng chiến. Có Đảng lãnh đạo, một lần nữa, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta lại được khơi dậy. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đã được đảng bộ Phù Cừ vận dụng một cách sáng tạo để phục vụ cho cuộc chiến đấu tại chỗ và chi viện cho tiền tuyến. Các tổ chức cách mạng hăng hái thi đua trong phong trào: "Thi đua ái quốc" "Xây dựng làng kháng chiến"... phát triển lực lượng cách mạng tại chỗ như bộ đội Sông Luộc, dân quân du kích, đội nữ du kích Hoàng Ngân, đội Bạch đầu quân...làm nòng cốt đánh giặc.

Trong cuộc kháng chiến gian khổ và quyết liệt, Đảng bộ luôn luôn sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh hoạt động vũ trang, làm thay đổi tình thế chiến trường. Các lực lượng cách mạng ở địa phương đã kết hợp với bộ đôi chủ lực diệt đồn bốt, phá tề, trừ gian thu được nhiều kết quả. Khu du kích Phù Cừ ra đời làm hạt nhân cho phong trào mở rộng khu du kích của tỉnh. Khẩu hiệu "Mỗi làng là một pháo đài", "Mỗi người dân là một chiến sỹ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phát động đã trở thành một thực tiễn sinh động trên quê hương Phù Cừ. Có Đảng lãnh đạo, nhân dân thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, lấy chông tre, gậy gộc, đòn gánh, dao găm, súng trường, mìn tự tạo... chống lại xe tăng, xe bọc thép của quân thù lập lên những chiến công hiển hách. Những trận đánh vang dội như trận Phan Tống Xá (Tống Phan), Bạch binh Tam Đa (xã Tam Đa), Viên Quang - Thọ Lão (Quang Hưng) Phú Mãn - Long Cầu, chiến thắng Bốt La Tiến – Nguyên Hòa và một số nơi khác trong huyện mãi mãi đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết thắng của nhân dân ta.

Để góp phần cùng cả nước giành thắng lợi, nhân dân huyện nhà gửi ra tiền tuyến hàng ngàn tấn lương thực và thực phẩm. Toàn huyện đã có hàng ngàn người hăng hái tòng quân giết giặc. Với sự đãng góp to lớn ấy, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương kháng chiến các loại và hàng ngàn người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến...

Hoà bình được lập lại trên Miền Bắc, mở ra cục diện mới cho cách mạng Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đã cụ thể hóa đường lối của Đảng, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân khắc phục khó khăn gian khổ, hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ huyện, nhân dân ta đã hăng hái, tích cực làm thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng, khôi phục cơ sở hạ tầng, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Giữa lúc nhân dân ta đang khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh, giặc Mỹ đã ồ ạt đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ và gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ để leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình cả nước có chiến tranh. Cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với quyết tâm "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, ra sức xây dựng hậu phương ngày càng lớn mạnh. "Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời", khẩu hiệu ấy đã xuyên suốt những tháng năm chống Mỹ. Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã cùng quân, dân Miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện tích cực sức người sức của cho Miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Cùng với cả nước Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân huyện vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tham gia hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng bộ huyện đã triển khai nghiêm túc theo các hoạch định đường lối đổi mới của Đảng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khoá IV (tháng 8/1979); Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Đến Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã ra sức phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Tổng kết 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ cùng 8 xã của huyện (Tống Phan, Quang Hưng, Phan Sào Nam, Minh Tân, Đoàn Đào, Tam Đa, Nguyên Hòa và Minh Hoàng) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Phù Cừ và phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 8/13 (đạt 61,5%) xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Quang Hưng, Đình Cao, Đoàn Đào, Minh Tân, Tống Trân, Phan Sào Nam, Tống Phan, Nhật Quang); các xã Tam Đa, Nguyên Hòa, Minh Hoàng, Tiên Tiến, Minh Tiến tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và đề nghị tỉnh thẩm định công nhận.

Truyền thống quí báu đã tiếp tục được Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước sau này. Thế hệ ngày nay tiếp nối sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước và luôn biết ơn sâu sắc đến các cơ sở cách mạng đã vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy che chở, nuôi dưỡng, cất dấu cán bộ; chúng ta ghi nhớ công ơn to lớn của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, những người con của quê hương Phù Cừ đã không tiếc máu xương sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ biết ơn sâu sắc các bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với nước đã cống hiến công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.


 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7287195