TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  09/09/2014     |  Lượt xem 2593   

Phù Cừ phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng

Những năm qua, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở ở Phù Cừ, Hưng Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội của địa phương.
Huyện Phù Cừ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hưng Yên, là huyện giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, với diện tích tự nhiên 9.382,33 ha, dân số hơn  80.000 người. Đảng bộ huyện có 4.597 đảng viên, sinh hoạt tại 33 chi, đảng bộ cơ sở (tính đến tháng 12/2012)

Những năm qua, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội của địa phương. Huyện ủy đã xây dựng, triển khai Kế hoạch quán triệt, nghiên cứu và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong các cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể ở huyện, cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn trên địa bàn; triển khai quán triệt Chỉ thị số 27/CT-TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị ''Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội''; ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2001-2005”, Nghị quyết số 08-NQ/HU về Chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao huyện Phù Cừ, giai đoạn 2011-2015”...

Qua 15 năm quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, môi trường văn hóa trên địa bàn huyện từng bước được xây dựng lành mạnh hơn, trật tự, kỷ cương xã hội trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thiết lập. Nhận thức về pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật được nâng lên, hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về văn hóa được khẳng định rõ rệt. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương, đơn vị trong huyện. Hầu hết các xã, thị trấn đã xây dựng hội trường lớn là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân. Tỷ lệ làng văn hoá, gia đình văn hoá không ngừng được tăng lên. 

Năm 2012, toàn huyện có 53/54 làng được công nhận danh hiệu làng văn hoá (năm 1997, toàn huyện có 3/54 làng văn hoá); có 20.020 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá (năm 1998, toàn huyện có 9.800 gia đình văn hóa); có 57/57 khu dân cư tiên tiến. Huyện đã cơ bản xoá xong nhà tranh vách đất, được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi công. Trên cơ sở tiêu chuẩn xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định, Liên đoàn lao động huyện tích cực phối hợp các đoàn thể và ngành chuyên môn triển khai, hướng dẫn tuyên truyền, đảm bảo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc đăng ký phấn đấu xây dựng cơ quan đạt danh hiệu văn hoá. Năm 2012, huyện có 58/69 cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan, đơn vị văn hóa, đạt 84% (Năm 2003, toàn huyện có 23/45 cơ quan, đơn vị văn hóa, đạt 51%), trong đó có 28 cơ quan, đơn vị 5 năm liền được công nhận cơ quan, đơn vị văn hóa.

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, toàn huyện có 198 câu lạc bộ (CLB) các loại đang hoạt động, một số câu lạc bộ hoạt động có nội dung phong phú đa dạng, hiệu quả như: CLB Người cao tuổi xã Đình Cao, CLB gia đình văn hóa thôn Thọ Lão (xã Quang Hưng), thôn Nghĩa Vũ (xã Minh Tân), CLB thể thao thôn Thị Giang (xã Nguyên Hòa)… số thôn có đội văn nghệ thường xuyên hoạt động tốt như: đội văn nghệ thôn Hà Linh (xã Đình Cao)…, nhiều chương trình giao lưu biểu diễn văn nghệ thiết thực, giúp nhân dân nâng cao nhận thức và hành động đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể được quan tâm đầu tư như: Đầu tư xây dựng; đền thờ các anh hùng liệt sỹ huyện; đền La Tiến (thờ hơn 1.000 các anh hùng liệt sỹ, đồng chí đồng bào bị giặc Pháp sát hại tại cây đa La Tiến, thời kỳ 1953-1954); khu di tích đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân, các di tích lịch sử, văn hóa, đình, đền, chùa… được đầu tư, trùng tu, phục chế. Nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng nhà văn hóa thôn, bia tưởng niệm liệt sỹ. Toàn huyện hiện có 21 di tích xếp hạng (trong đó có 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Phong trào hoạt động tại các nhà văn hoá, câu lạc bộ thư viện, tủ sách được duy trì thường xuyên, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng với nhiều chuyên đề sinh hoạt bổ ích, thiết thực, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đến nay, toàn huyện có 40/54 nhà văn hóa cấp thôn độc lập, 14/54 thôn có nhà văn hóa chung với đình làng; có 5 sân vận động cấp xã và 21 sân chơi bãi tập thể thao ở các thôn. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trong 15 năm đạt gần 60 tỷ đồng, với các công trình tiêu biểu như: Nhà văn hoá huyện được đâu tư hơn 4,5 tỷ đồng; sân vận động của huyện hơn 3 tỷ đồng; đền thờ các anh hùng liệt sĩ của huyện và các công trình phụ trợ trị giá hơn 5 tỷ đồng; đường vào khu di tích Tống Trân - Cúc Hoa trị giá hơn 19 tỷ đồng…và các công trình nhà văn hoá xã, thôn, nghĩa trang liệt sỹ và các khu di tích lịch sử văn hoá được tu bổ đầu tư nâng cấp, trị giá hàng chục tỷ đồng.

 Hệ thống thư viện từ huyện đến cơ sở hoạt động có nề nếp, huyện có 70 tủ sách, 01 thư viện huyện và 01 thư viện gia đình hoạt động thường xuyên, đầu sách phong phú, đa dạng, thu hút độc giả đến đọc, nghiên cứu. Thư viện huyện thường xuyên bảo quản tốt với 4.000 đầu sách phục vụ bạn đọc, công tác luân chuyển sách về cơ sở được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về văn hoá đọc của nhân dân.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng được đẩy mạnh. Hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, số lượng, chất lượng tin bài ngày càng được nâng cao. Từ năm 1997, 100% xã, thị trấn trong huyện có đài trạm cơ sở. Đài truyền thanh huyện được trang bị máy phát sóng mới với công suất 300W. 100% số xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa. Việc đặt mua, phát hành, quản lý và sử dụng báo chí của đảng được thực hiện nghiêm túc, 100% các tổ chức cơ sở đảng đã đặt mua và sử dụng hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng như: báo Nhân Dân, báo Hưng Yên, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí xây dựng Đảng... Công tác nghiên cứu, biên soạn phát hành sách lịch sử Đảng bộ địa phương được quan tâm, huyện Phù Cừ được đánh giá là một trong số ít những đơn vị của tỉnh Hưng Yên đã tích cực chỉ đạo về công tác nghiên cứu, biên soạn và phát hành lịch sử Đảng bộ huyện, các xã, thị trấn. Huyện đã hoàn thành 2 tập lịch sử Đảng bộ huyện: tập 1 (giai đoạn 1938 – 1975), tập 2 giai đoạn (1975 – 2005), có 9/14 xã, thị trấn đã phát hành Lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân, 2 xã đang trong quá trình thẩm định, phấn đấu đến 2014 có 100% các xã, thị trấn hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đáng viên và nhân dân địa phương...

Sau 15 năm quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong các năm của huyện đều được hoàn thành, trong đó có những chỉ tiêu được hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 13%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2012, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng đã tăng lên 30%, thương mại, dịch vụ chiếm 32% (năm 1997, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 10%, thương mại dịch vụ chiếm 20%); thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 24 triệu đồng, tăng gấp 12 lần so với thời điểm năm 1997. Các công trình phúc lợi như: trạm y tế, hệ thống điện thắp sáng, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Hệ thống giao thông đã tương đối hoàn thiện, thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài huyện. 100% đường huyện quản lý được trải nhựa, trong đó có hơn 5 km được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, 100% đường giao thông liên xã, 85% đường thôn xóm được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, 13/13 xã hoàn thành việc lập Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới; tích cực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo lộ trình đề ra. Các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV được tích cực triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 trên địa bàn huyện còn có những hạn chế như: nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò của văn hóa trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đầy đủ, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cá biệt có tình trạng phó mặc cho ngành văn hoá; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sự nghiệp văn hóa ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xây dựng "làng văn hoá”, "gia đình văn hoá”, "Cơ quan đơn vị văn hoá" tuy phát triển mạnh và được nhân rộng, song ở một số nơi chưa coi trọng chất lượng; một số làng văn hoá sau khi được công nhận chưa tiếp tục có biện pháp củng cố để phát triển, còn để xảy ra vi phạm các tiêu chí; những tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm...), hành vi bạo lực, thiếu tôn trọng luật lệ giao thông, gây mất trật tự công cộng vẫn xảy ra...

Trên cơ sở thực trạng và những kinh nghiệm rút ra sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), huyện Phù Cừ xác định những các giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) gồm:

Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, vai trò quản lý của chính quyền từ huyện đến cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; đặc biệt là xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là tấm gương về đạo đức lối sống, về xây dựng văn hóa mới cho quần chúng học tập. Khắc phục tư tưởng xem nhẹ việc xây dựng và đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa. Phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy chính quyền, đoàn thể.

Hai là, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, ngăn ngừa có hiệu quả sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với xây dựng thiết chế văn hoá, tổ chức thực hiện cam kết đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, làng, khu phố văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng và sửa đổi bổ sung quy ước làng, khu phố, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, tinh thần tự quản trong khu dân cư, tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, tiến bộ.

Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực, trong tất cả các cơ quan, đơn vị tổ chức chính trị - xã hội, các nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để triển khai tốt các phong trào thi đua trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Năm là, các địa phương tiếp tục tăng cường nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá như: Nhà văn hoá, tủ sách, sân vận động..., quan tâm nhiều đến công tác xã hội hoá; có cơ chế hỗ trợ động viên cho những người làm công tác văn hoá, thông tin văn nghệ, thể dục thể thao tự nguyện, tổ nhóm tự quản ở cơ sở. Đề nghị tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ các làng, xã để xây dựng thiết chế văn hoá tại cộng đồng; đặc biệt có mức đầu tư thoả đáng để hỗ trợ những làng, xã còn gặp nhiều khó khăn, những làng, xã xa trung tâm huyện kinh tế - văn hoá xã hội phát triển chậm, tạo sự đồng đều về lượng và chất trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa từ huyện đến cơ sở. Hằng năm tổ chức khảo sát, thống kê, nắm tình hình thay đổi cán bộ chuyên trách cơ sở, kịp thời tham mưu và tổ chức bồi dưỡng tại chỗ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Trong công tác tuyển dụng cần ưu tiên tuyển được cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, năng khiếu nhiệt tình công tác. Từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, khuyến khích cán bộ học tập nâng cao nghiệp vụ.

Bảy là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, bám sát cơ sở để đánh giá đúng tình hình, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện phong trào. Bồi dưỡng, phát hiện những nhân tố mới, những kinh nghiệm và mô hình tốt để phổ biến rộng rãi; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào, cổ vũ, khích lệ mỗi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia.

Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân. Với những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, thời gian tới, Phù Cừ tiếp tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, góp phần tiếp tục khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.


Vũ Xuân Thuỷ - Ủy viên ban Thường vụ,
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phù Cừ
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7018080