TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  28/05/2018     |  Lượt xem 2350   

Lễ hội đền Tống Trân - Lễ hội tôn vinh sự học

Đã thành thông lệ, từ ngày mùng 9 đến Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm, làng An Cầu, xã Tống Trân (Phù Cừ) lại tưng bừng mở hội đền Tống Trân. Dịp này, nhân dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh nô nức về dự hội để tưởng nhớ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Tống Trân, một người con tài danh của quê hương, để được chiêm bái những lễ nghi truyền thống đặc sắc cũng như đắm mình trong các trò chơi truyền thống tại lễ hội, để rồi hun đúc thêm ý chí học hành, xây sáng tương lai.
Trạng nguyên Tống Trân được biết đến thông qua truyện nôm khuyết danh "Tống Trân - Cúc Hoa" nổi tiếng. Theo cuốn Lí lịch di tích đền Tống Trân (Ban quản lý di tích và danh thắng Hưng Yên, chỉnh lý, bổ sung năm 2006): Ông sinh vào ngày Rằm tháng Tư năm Mậu Ngọ (năm 544) trong một gia đình có dòng dõi thi thư ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ). Lên 3 tuổi, cậu bé Trân đã học rất giỏi về âm luật, tỏ rõ là người có khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười. Sau khi cha mất, gia cảnh sa sút, Tống Trân phải dắt mẹ đi ăn mày. Một hôm hai mẹ con lang thang hành khất đến đạo Sơn Tây và vào xin ăn ở một gia đình trưởng giả giàu có nhưng rất keo kiệt và gian ác. Thấy mẹ con Tống Trân, hắn liền đuổi đi và không ngớt lời chửi mắng. Cúc Hoa – con gái trưởng giả thương tình đã đem cơm cho hai mẹ con ăn, bị trưởng giả bắt gặp liền đuổi nàng đi rồi từ chối không nhận con.
Năm 7 tuổi, Tống Trân vào kinh ứng thí, đỗ “Đệ nhất giáp cập đệ nhất danh”, tức Trạng Nguyên. Vua khen rằng “Kẻ sĩ cả nước chỉ có một, tướng tài không có người thứ hai” và ban cho cờ biển, vuông gấm, vàng về vinh qui bái tổ. Sau đó, Tống Trân cưới hỏi Cúc Hoa làm vợ. Chẳng bao lâu, vua cử Tống Trân đi sứ Bắc Quốc 10 năm. Qua nhiều lần thử tài Tống Trân, vua nước Tàu khen là nhân tài thứ nhất trong mười tám nước chư hầu và phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên.
 Làm quan đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về quê, mở trường dạy học, được 5 năm thì mất. Nhận được tin ấy, triều đình cho sứ thần mang sắc chỉ và vàng bạc về địa phương cùng với nhân dân xây dựng đền để tôn thờ Ngài. Triều đình phong Ngài là “Thượng đẳng phúc thần”, “Thượng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương”.
 
Tượng thờ ngài Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân
Tượng thờ ngài Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân

Đền Tống Trân tọa lạc trên một khu đất cao, đẹp thuộc địa phận thôn An Cầu. Ngôi đền nằm tách biệt với khu dân cư, có kết cấu kiến trúc hình chữ Nhị gồm hai tòa tiền tế và hậu cung. Năm 1991, với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đền Tống Trân đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử.

Hàng năm, từ ngày mùng 9 đến Rằm tháng Tư âm lịch, lễ hội đền Tống Trân lại được tổ chức tưng bừng để mừng ngày sinh của Ngài. Thành thông lệ, sau khi mở cửa đền, tế lễ khai hội, ngày mùng 10 dân làng An Cầu làm lễ rước nước và nghiên bút từ ngã ba sông Luộc, khu vực Bến đò Nông thuộc thôn An Cầu về đền. Các ngày 11, 12, khách thập phương và nhân dân trong làng tiếp tục dâng hương. Sang ngày 13 thì rước thần từ các đình, đền trong làng về đền để cùng dự hội. Ngày 14 xã tổ chức khai hội, đến ngày 15 thì tế lễ thánh và tổ chức phần hội. 
Trong những ngày diễn ra lễ hội, phần đặc sắc nhất, tạo sự khác biệt của lễ hội đền Tống Trân với các lễ hội khác đó là lễ rước nước và rước nghiên bút. Đây không đơn thuần là một nghi lễ được lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa mà còn là một nét đẹp văn hóa tôn vinh việc học hành. Cụ Bình Văn Khôi, Ban quản lí di tích đền Tống Trân mô tả: Sáng sớm ngày mùng 10, đoàn rước kiệu phật, kiệu thánh, kiệu nước do các nam thanh, nữ tú khỏe mạnh khênh đi trước, ưu tiên những người học hành giỏi giang, theo sau là các đoàn tế nam, tế nữ, kỳ lân, trống kèn… Đến Bến đò Nông, một chiếc phà lớn được bố trí để kiệu phật, kiệu thánh, kiệu nước. Năm chiếc đò nhỏ có cắm cờ hội bảo vệ xung quanh phà lớn. Việc lấy nước được thực hiện sau khi nhà chùa, pháp sư đã làm lễ xin nước tại vị trí xưa kia Trạng nguyên Tống Trân thả nghiên bút. Lúc nghiên bút nổi lên cũng là lúc một cụ già cao niên nhất làng nhưng song tiền (cả hai cụ ông và cụ bà đều còn sống), con cái thành đạt tiến hành lấy nước. Các thao tác lấy nước cũng lắm công phu. Tại vị trí nghiên bút nổi thả một vòng hoa đẹp. Cụ già cao niên sẽ múc từng gáo nước trong vòng hoa lên chậu, sau đó gạn sạch mới đưa vào bình thủy để đưa lên kiệu rước về đền trình lễ. Sau thủ tục này, nước từ bình thủy mới được sử dụng để bao sái (lau rửa) đồ thờ, tắm rửa các tượng tại đền. Một số đình, đền, chùa trong làng cũng về đây xin nước về bao sái đồ thờ hoặc để thắp hương nhân ngày Rằm, mùng Một hàng tháng. Theo tục truyền của người dân nơi đây, khi người dân đến đền làm lễ và xin nước từ chiếc bình thủy đựng nước trong lễ rước nước và rước nghiên bút để ở đền xoa vào đầu trẻ con thì những đứa trẻ đó sẽ sáng dạ và học giỏi. Vì thế, vào trước mỗi mùa thi, khá đông sĩ tử cùng người thân đến làm lễ, dâng vở, bút, xin phước của đức Trạng nguyên Tống Trân cầu mong được thi cử đỗ đạt.
 
Rước nước và rước nghiên bút tại lễ hội đền Tống Trân (Ảnh tư liệu)
Rước nước và rước nghiên bút tại lễ hội đền Tống Trân (Ảnh tư liệu)

Cùng với những phần lễ đặc sắc thì phần hội cũng được tổ chức đa dạng các trò chơi, diễn ra cả ngày lẫn đêm. Trong phần hội có hát chèo, hát quan họ, đánh cờ người, chọi gà, bóng đá, bóng chuyền… Xưa kia, trong các ngày lễ hội, những người có học từ tú tài trở lên sẽ được giao cho việc tổ chức, tiếp đón khách. Những người có học hàm, học vị cao, có vai vế trong làng được tham gia ban khước cho những dòng họ và những gia đình đến lễ, xin lộc từ đức Thánh. Nay, những nét đẹp này vẫn được duy trì tuy có phần giản lược hơn. 

Lễ hội đền Tống Trân là một lễ hội đặc biệt. Đặc biệt từ chính người được tôn thờ tại đền không chỉ là bậc hiền tài mà đã trọn vẹn cả chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Nghĩa. Nhận thức được những giá trị to lớn ấy, để giáo dục lớp lớp thế hệ con cháu, năm nào làng An Cầu, xã Tống Trân cũng tổ chức lễ hội thật long trọng, trang nghiêm. Phát huy truyền thống quê hương, con em xã Tống Trân, thôn An Cầu khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong học tập. Những năm gần đây, làng An Cầu thường có trên 10 học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, chiếm trên 50% tổng số học sinh của toàn xã thi đỗ cao đẳng, đại học. Hiện con em của làng có hai người là phó giáo sư - tiến sĩ, năm người là tiến sĩ, hàng chục người mang quân hàm cấp tá, cấp tướng… Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 5%.
Lễ hội đền Tống Trân - Là một trong những lễ hội lớn của khu vực, qui mô của lễ hội ngày càng được mở rộng, thu hút ngày càng đông đảo khách thập phương về dự lễ hội, do vậy những ngày này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tống Trân, thôn An Cầu đang tập trung cho công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội được chu đáo nhất. Tất cả với mong muốn khơi dậy và phát huy tinh thần hiếu học vốn có của con em địa phương nói riêng, của nhân dân Hưng Yên và người dân Việt Nam nói chung. Đây cũng là cách để bảo tồn các nghi lễ truyền thống, nét đẹp văn hóa đặc sắc từ thời cha ông để lại cho muôn đời sau.
 
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7000419