TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  07/04/2017     |  Lượt xem 3411   

Những sinh hoạt văn hóa tâm linh tại Đền La Tiến và Cây đa lịch sử của quê hương Hưng Yên bên dòng sông Luộc

1.Vùng quê cách mạng và di tích lịch sử anh hùng

Ngày 18-11-2015, Bộ VHTTDL đã có quyết định số 4007/QĐ-BVHTTDL quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm cây đa và đền La Tiến tại xã Nguyên Hoà, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Tin vui đem đến biết bao tự hào cho người dân sở tại cũng như toàn thể nhân dân trong tỉnh và vùng sông Luộc, sông Hồng vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nói rộng ra. Đảng và Nhà nước ghi ơn, công nhận di tích cũng đồng thời với việc ghi nhận lịch sử vẻ vang gắn với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ gồm có đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tại đây với con số lên tới 1145 người, trong đó có 121 cán bộ và nhân dân là người con yêu dấu của xã Nguyên Hòa. Sự công nhận danh hiệu này cũng đồng thời là chứng tích ghi dấu tội ác vô cùng tàn bạo, dã man của thực dân Pháp xâm lược trong thời gian chiếm đóng tại đây (từ năm 1949 -1953).

Nằm ở địa bàn giáp ranh, bên bờ sông Luộc, La Tiến là một thôn nhỏ của xã Nguyên Hòa ngày nay có vị trí địa chiến lược rất đặc biệt, thuận tiện đường thủy, đường bộ, nằm ở phía Nam tỉnh Hưng Yên, phía Bắc tỉnh Thái Bình và phía Tây tỉnh Hải Dương. Bởi vị trí này dễ dàng vận chuyển, tiếp nhận lương thực thực phẩm, đạn dược vũ khí từ đây đi Hà Nội và các nơi nên trong số 72 bốt chiếm đóng của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, địa điểm bốt La Tiến được coi là quan trọng nhất, do sĩ quan người Pháp trực tiếp làm cai bốt chỉ huy. Bốt La Tiến được xây công phu, vững chắc trên bao xương máu của người dân Hưng Yên và các vùng lân cận. Địa điểm bốt La Tiến là nơi được coi là nơi khét tiếng “tầm thanh, trừ cán, diệt cộng”, là  “lò cắt tiết, cối xay người”.v.v… đã bị bộ đội chủ lực phối hợp với quân dân huyện Phù Cừ tiêu diệt hoàn toàn, giải phóng quê hương vào tháng 01 năm 1954.

Thời gian qua đi, nhưng nỗi đau còn đó, nhân dân đồng lòng mong ngóng và thời điểm đúng dịp 27 tháng 7 năm 2010, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được khánh thành dưới tán cây đa cổ thụ xum xuê tỏa bóng. Đền La Tiến nhìn về hướng Đông Nam, dựng theo lối kiến trúc truyền thống, kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung. Tại đây bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị. Trong khuôn viên đền có những đôi câu đối do giáo sư Vũ Khiêu viết tặng.

Đền liệt sỹ người hiền đến viếng/Cửa anh hùng khách quý dâng hương.

Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận/ Trời Phù Cừ cao vút khí anh linh.

Đạo làm người rực sáng ngàn thu/ Gương tuổi trẻ soi dài muôn dặm.

Cây đa cổ thụ cạnh đền cao chừng 30 mét, tán xòe rộng gốc cây 8 người ôm không xuể quanh năm xum xuê tỏa bóng xuống ngôi đền và khoảng sân bên cạnh đài bia tưởng niệm ghi dấu tích về tội ác dã man của giặc Pháp, vừa nhớ về những tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương.

Về thăm quê hương La Tiến anh hùng và thắp hương tri ân tại đền La Tiến, ngậm ngùi bên bia căm thù khiến ai ai cũng bùi ngùi xúc động xen lẫn tự hào về quá khứ vẻ vang của quân và dân của địa phương anh hùng, dân tộc anh hùng.

2. Thuyết vật linh, đền La Tiến và cây Đa thiêng

Trong truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn thuộc về đạo lý dân tộc, người dân Việt Nam không bao giờ quên ơn những người có công bảo vệ làng xóm quê hương đất nước. Cùng với cây đa bến nước sân đình, những gương anh hùng liệt sĩ vẫn còn được nhắc thường xuyên trong cuộc sống cộng đồng. Những thế hệ con cháu vẫn nhớ về tổ tiên, dù đã đi xa vào quá khứ - nhưng là quá khứ vẻ vang oanh liệt gắn cùng lịch sử chiến thắng của dân tộc nào dễ quên đâu? Bởi thế, trong niềm tin của người dân La Tiến, dù 1145 con người đã mất đi trong thời gian Pháp chiếm đóng ở làng, dù thể xác đã bị hoai hủy mất đi cùng sự tàn bạo của quân thù nhưng phần hồn phách của những người con trung kiên hy sinh vì quê hương đất nước vẫn còn đâu đây, vẫn chờ đợi sự luân hồi, đầu thai, chuyển sinh vào cõi khác.

Xung quanh địa điểm này, quá khứ vẫn còn đâu đây, lẩn khuất, vạn vật đều có hồn như tư duy của người Việt và tư duy của cả thế giới này: “Các mối liên hệ khi còn sống không phải bị tháo gỡ vì cái chết; ngược lại, các mối liên hệ kia, qua tôn giáo, được thần thánh hóa trở nên kiên vững hơn và trường cửu như việc thờ cúng tổ tiên” [1]. Và như thế, dù không chính thức được làm tang cho những người đã khuất nhưng những lễ giỗ tập thể cứ tự phát mà diễn ra, đâu cần ai nhắc nhở, đâu cần ai vận động vì đó là tấm chân tình của người sống dành cho người đã khuất với sự biết ơn. Ngôi đền dựng lên là kết quả tất yếu của nguyện vọng lòng dân có nguồn cội từ sâu xa truyền thống tín ngưỡng dân tộc.

Trong niềm tin dân gian, trước và sau thời điểm ngôi đền, bia di tích được dựng lên, những sinh hoạt tâm linh đã diễn ra trong tâm tưởng và trong thực hành của người dân ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, khi di tích đã được thành hình, đã “có nơi có chốn” khang trang đẹp đẽ thì những sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của người dân được thể hiện cụ thể, đều đặn và thành kính hơn. Chúng tôi đã nhận thấy các sinh hoạt tâm linh đã diễn ra và cần được tôn trọng, khuyến khích để ngày càng tốt hơn tại di tích bao gồm:

Thứ nhất: Về thần điện trong ngôi đền với trung tâm là nhang án thờ những vong linh chiến sĩ cách mạng, đồng chí đồng bào hy sinh tại địa điểm này. Nhang án liền kề thờ Đức Thánh Trần – vị tướng thống lĩnh toàn quân đã trải qua 3 cuộc chiến thắng quân xâm lược Mông – Nguyên khét tiếng thời nhà Trần làm vẻ vang truyền thống Đông A bách chiến bách thắng. Vị tướng quân đội tài ba ấy đã hóa Thánh Trần Triều, bước vào đời sống tín ngưỡng của dân tộc để thành người Cha tâm linh bảo vệ cho con dân được sức khỏe, trừ tai ách trong niềm tâm tưởng Sinh vi tướng, Tử vi thần, bảo ngã lê dân.

Giờ đây, lục thập hoa giáp đã trôi qua (60 năm) anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã an nghỉ trong lòng đất mẹ, trong lòng dòng sông quê hương và được siêu thoát, đúng như là nội dung câu đối trong đền:

Sống giết gian, trừ ác hết lòng cứu nước

Chết ban phúc, tiêu tai gắng sức phù dân.

  Từ sự mất mát, hy sinh vì nghĩa lớn, những sinh hoạt tín ngưỡng mới tại ngôi đền đã hình thành, như là, nghi lễ cầu siêu của Giáo hội Phật giáo, như là sự tham gia đại lễ của các con em những người đã khuất tại địa phương và khách hành hương cùng chính quyền vào các dịp lễ 27-7, rằm tháng 7, 22-12 hay tết nguyên đán là những sinh hoạt tâm linh vừa gắn với sự thờ cúng linh hồn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vừa gắn được với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần Triều đã tích hợp vào di tích, vừa gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc và triết lý từ bi hỉ xả của Phật giáo Việt Nam. Ngôi đền thiêng là ngôi đền của sự thờ phụng những linh hồn đã khuất được kết nối với truyền thống chống giặc ngoại xâm từ hào khí Đông A đến thời đại con cháu Hồ Chí Minh và được dẫn dắt đến cõi cực lạc của Địa Tạng Vương Bồ Tát trong khuôn viên di tích thiêng này.

Thứ hai: Hình ảnh cây đa có tuổi cây khoảng 200 năm, là cây được ghi vào sách “Cây cổ thụ Hưng Yên” nhưng trong tâm thức dân gian, đây là cây thiêng. Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.

Biểu tượng gốc đa La Tiến, gốc đa căm thù, gốc đa kỳ lạ… là những tên gọi hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng nhất người ta dành để nói về cây đa đang xum xuê tỏa bóng này. Các câu chuyện rất thực còn nhắc nơi cửa miệng người dân về việc cây đa trụ vững trong gió bão khi mà mấy chục nóc nhà bị bật bay năm 2008; Cây đa thiêng đã bảo vệ người dân khi cành mục rơi xuống nhưng không gây nguy hiểm cho người lớn, trẻ em đang chơi vui, nghỉ mát dưới gốc; hay là sự xuất hiện kỳ diệu của những đóa hoa nấm hình nải chuối, đài sen [2] chỉ mọc ra dưới gốc Đa dịp 27 tháng 7, đúng lúc chuẩn bị xây dựng lại bia căm thù ghi lại tội ác giặc Pháp với chiến sĩ, đồng bào ngay tại gốc đa cổ thụ..v.v…

Xưa nay, đa là cây điển hình của tín ngưỡng thờ cây. Cây cổ thụ là cây sinh mệnh [3]. Cây đa càng nhiều mấu, mắt, càng cổ kính thì cây càng huyền bí linh thiêng vì tư duy vạn vật hữu linh khiến nó trở thành nơi trú ngụ của nhiều kiếp đời đã qua.

Mới đây, hơn 60 năm qua đi hình ảnh tra tấn dã man, máu chảy đầu rơi đã lùi vào dĩ vãng, cây đã sống đời cây kiên cường với thời gian đã trở thành cây di sản tự hào trong khuôn viên rủ bóng che chở cho di tích thêm bề thế, linh thiêng. Tự hào truyền thống quê hương chắc chắn người dân sẽ ngày càng trân trọng giá trị cây đa bền bỉ chứng kiến lịch sử quê hương đổi mới theo chiều dài năm tháng với khói hương tưởng niệm ngan ngát tỏa ra từ đền và đài tưởng niệm này.

Nơi đây, điểm sinh hoạt tâm linh mới sẽ còn thu hút nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa khác như là nơi giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Nhân kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh Hưng Yên (1831 - 2016), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1941 - 2016) và 20 năm tái lập tỉnh (1/1997 - 1/2017), tối 10-12-2016, tại Di tích lịch sử Quốc gia cây đa và đền La Tiến đã diễn ra đêm giao lưu nghệ thuật với tên gọi Lời thề La Tiến đầy xúc động [4].

3. Tạm kết

Như bao làng quê Việt đã trải qua chiến tranh khốc liệt thời chống Pháp và chống Mỹ, người dân xã Nguyên Hòa đã có những động thái thiết thực, cụ thể nhằm tưởng nhớ những người đã khuất tại địa phương mình. Về bản chất, đối mặt với cái chết đơn lẻ và cái chết mang tính tập thể lên tới con số ngàn người như ở thôn La Tiến là sự kiện quá khốc liệt, gây choáng váng, sốc tập thể cho những người còn sống. Dù cho như bao người dân quê khác, họ được tôi luyện để có thái độ bình thản trước cái chết – nhưng là những cái chết  tốt -  tức là chết do tuổi già (thậm chí nông thôn Bắc Bộ khi người chết ở độ tuổi thập cổ lai hy trở lên, con cháu còn tổ chức đốt pháo vì chết trẻ làm ma, chết già làm hội), còn ở đây, phải thẳng thắn nhìn nhận là những cái chết của đồng chí, đồng bào đều xảy ra trong đau đớn vì đòn thù nên nỗi buồn đau, thương tiếc dành cho họ thật sâu sắc. Tư duy nhị nguyên và tư duy vạn vật hữu linh đã khiến niềm tin  con người chết đi là chấm dứt sự sống hiện sinh nhưng sẽ bắt đầu một sự sống trong tâm tưởng. Tư duy nhị nguyên đầy mâu thuẫn mất – còn về cái chết của con người đã chi phối ứng xử của những người còn sống ngày hôm nay tưởng niệm về người xưa qua những ứng xử văn hóa có sự cộng tác giữa các tổ chức quan phương và phi quan phương ở La Tiến.

Thế nên, những nghi lễ tự phát gắn với lễ giỗ những người đã khuất thuộc về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sau này tích hợp với niềm tin vạn vật hữu linh và truyền thống uống nước nhớ nguồn và ảnh hưởng văn hóa Phật giáo hướng tới cõi Niết Bàn nhờ sự tiếp dẫn linh hồn của Địa tạng vương Bồ tát, Đức Phật A Di Đà mà di tích đền La Tiến được dựng lên như một thiết chế thiêng, như một bàn thờ chung cho những người con đã hy sinh cho vùng đất quê hương. Di tích thiêng sẽ thiêng hơn nhờ kết hợp với các cảnh quan thiêng (Bãi Quạ, Bến sông), cây Đa thiêng, các câu chuyện thiêng và các nghi lễ thiêng được thực hành thường xuyên tại đó.

Những hình thức sinh hoạt thiêng đã diễn ra trước đây và hiện nay do chính quyền và người dân La Tiến thực hiện đều đáng khuyến khích bởi lẽ nó không chỉ gắn với lịch sử quân sự và chiến tranh Việt Nam và còn là lòng dân khi hướng đến sự biết ơn và niềm tin thiêng về lực lượng đông đảo những người con quê hương đã hóa thành thần trong niềm tâm tưởng dân gian như nét văn hóa truyền thống bao đời ở nước ta.

Tóm lại: Có thể khái quát nét văn hóa đặc sắc của quê hương La Tiến xã Nguyên Hòa tỉnh Hưng Yên là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia bao gồm:

Địa điểm La Tiến → đền thiêng, cây thiêng → nơi sinh hoạt cộng đồng.

Người La Tiến (và lân cận) vì nước quên thân → được thờ cúng, tôn vinh → tích hợp vào hệ thống nhân thần đất Việt.

Đất thiêng và Người thiêng → địa điểm thu hút tâm linh, có khả năng phát huy giá trị lịch sử - văn hóa vùng đất và giáo dục thế hệ trẻ cao.

Quá trình thiêng hóa Đất và Người ở địa phương này là quá trình tích hợp rất lâu dài từ trong lịch sử theo quy luật địa linh sinh nhân kiệt. Cùng với di tích ở địa phương, các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh đã và đang thực hành tại đây chắc chắn sẽ còn là điểm sáng văn hóa để người dân ghi nhớ và tự hào về truyền thống văn hóa quê hương Hưng Yên trên con đường kiếm tìm Hạnh Phúc, Bình an và Phát triển./.

PGS.TS Phạm Lan Oanh

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

 

[1] Lesopold Michel Cadière (2006),  Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière, Đỗ Trinh Huệ biên khảo, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 160.

[2] Sự linh ứng khó lý giải về những hiện tượng lạ bên gốc đa cổ thụ, LĐĐS Bình Minh - Vũ Loan 4:43 PM, 28/08/2013 .http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/cay-da-la-tien-noi-ghi-dau-ang-su-hao-hung-483322.

[3] Trước đây tôi đã viết về Tín ngưỡng thờ cây, đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 291, năm 2008, tr 22-25. Xin trích lại nội dung liên quan bao gồm: “Người ta tin rằng con người và cây cỏ có mối quan hệ qua lại. Trong tín ngưỡng người Việt, nếu một ai đó trong gia đình chết đi, tất cả cây cối trong vườn nhà - đặc biệt những cây do người quá cố trực tiếp trồng và chăm sóc - đều phải để tang. Có thể dùng vôi trắng bôi lên thân cây hoặc lá cây. Có thể đeo/buộc một mảnh khăn trắng - khăn tang quanh gốc hoặc cành cây để chứng tỏ sự liên hệ giữa người đã khuất và các cây cối trong nhà. Sự liên hệ này còn đặc biệt linh nghiệm nếu người quá cố là chủ gia đình và có địa vị cao trong xã hội. Trong một vài trường hợp, những cây cổ thụ trở nên còi cọc, héo úa và chết đi sau khi người chủ của nó đi về thế giới bên kia thì người ta lập tức liên hệ với đám tang và nghi lễ để tang cho cây cối. Nếu đã làm thủ tục để tang cho cây mà cây vẫn chết thì đó là dấu hiệu chấm dứt vĩnh viễn sự liên hệ của người và cây. Cây quá thương nhớ người chủ cũ mà "đi" theo chủ. Trường hợp quên không "để tang" cho cây thì việc cây cổ thụ trong nhà "chết" là một hệ quả tất yếu trong suy nghĩ của mọi người. Cũng có những trường hợp liên hệ ngược giữa cây và người. Những cây cối cổ thụ trong vườn nhà hoặc những cây cảnh lâu năm gắn bó được người trồng ra nó, chăm sóc nó tự nhiên không lý do mà héo úa, chết đi - đó là những dấu hiệu xấu báo hiệu cho sức khỏe, thậm chí cả sinh mạng của người chủ đang bị đe dọa. Người ta liền nghĩ ngay đến vận xấu sắp tới và tìm mọi cách phòng trừ. Trường hợp bất khả kháng, kết thúc bằng cái chết thì được "quy kết" là người đó số mạng kém, và cái chết là một tất yếu vì "cây chết" là bằng chứng cho cái chết của người chủ nó. Như vậy, với tín ngưỡng người Việt - cây được hiểu ngầm một vế nào đó chính là cây sinh mệnh, cây thiêng. Với đất nước thảo mộc như Việt Nam, mối liên hệ giữa cây và người, cây và thần thánh, cây và sự thiêng liêng được kết gắn chặt chẽ trong đời sống tâm linh. Chả thế, đến với di tích nào chúng ta cũng bắt gặp những loài cây thiêng được trồng xung quanh như cây đa, cây si, cây muỗm, đại, bồ đề, thông... Những cây thiêng này khiến di tích "thiêng" hơn vì bản thân những cây này được coi là "cây vũ trụ", cây có nhiều mấu, mắt gồ ghề như trường tồn cùng thời gian và không gian. Cây thiêng đó là nơi cả thần và người đều gửi gắm nhiều thông điệp. Cây thiêng là nơi thần (hoặc ma) thường đến: Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề; Cây gạo có ma, cây đa có thần; Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa - Cây thiêng thường là nơi con người gửi tới những khẩn cầu, mong muốn, nguyện ước về may mắn, xa rời bất hạnh, rủi ro. Chúng ta vẫn thường thấy quanh cây thiêng trong di tích chùa, đền, đình, miếu hoặc chợ... của không gian làng xã Việt, còn lưu nhiều dấu vết tâm linh như những ông bình vôi, những cối đá cũ, chày giã cua sứt mẻ, những hòn đá kỳ dị, những hòn đá đã từng là ông đầu rau.v.v... được gửi/để quanh thân cây, gốc cây. Tức là từ mối liên hệ giữa cây và người trong phạm vi gia đình bé nhỏ, với sự thăng hoa của niềm tin tín ngưỡng, mối quan hệ giữa cây và người đã bước vào các di tích thiêng liêng và mãi mãi trở thành một biểu tượng thiêng để con người ngưỡng vọng. Ở đây, mối liên thông qua lại giữa cây và người cũng còn được hiểu rộng hơn vì lẽ, có thể ngược lại, từ di tích thiêng, mối liên quan cây - thiêng và người bước vào không gian gia đình như một sự lây lan văn hóa tự nhiên. (v.v.….).

Tục thờ cây cối ở người Việt Nam được đánh giá là một trong những tục bản xứ. Tục đặt bình vôi dưới gốc cây thực chất không phải để cúng cây mà nó là một thứ ma thuật. Bình vôi chứa sức mạnh ma thuật liên quan đến vận mệnh gia đình nên người ta phải tôn trọng gọi là ông bình vôi. Từ lúc mua bình vôi, mua vôi, tôi vôi, sử dụng vôi trong thờ cúng và ăn trầu là liên hoàn những thao tác chứa đầy sự kiêng né. Miệng bình vôi càng có nhiều vôi bám thì chứng tỏ gia đình đó càng làm ăn thịnh vượng, bên cạnh đó, tất nhiên, trái lại thì là điểm gở. Ngay cả việc dùng chiếc chìa vôi cũng phải theo nguyên tắc "ra vào hợp lý", chỉ được cho que vào và rút que ra lấy vôi. Vôi nhiều quá thì quệt vào miệng bình (miệng ông bình vôi), tuyệt nhiên không bao giờ được phép ngoáy chìa vôi trong bụng ông bình vôi. Các bà các mẹ tin rằng nếu ngoáy chìa vôi lung tung sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, mà "ứng" ngay lập tức là họ sẽ bị đau bụng, sôi bụng. Khi miệng ông bình vôi đã đầy, hoặc bình vôi bị rạn, sứt mẻ thì ngay lập tức phải thay bình vôi mới để tránh rủi ro. Những ông bình vôi cũ thường đem ra gốc cây cổ thụ để lại đó, hoặc có người treo ông bình vôi (loại có quai xách) lên những rễ cây để tránh cho ông bình vôi (cũ) nhà mình không bị tiếp tục trầy xước. Họ cũng nghĩ rằng vôi có tác dụng trừ tà nên khi trẻ con sài đẹn đau yếu, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, họ thường lấy vôi bôi vào rốn để chúng có sức khỏe trong cả năm.

Nói đến ông bình vôi là nói đến mối quan hệ cau - trầu - vôi, một nét văn hóa tâm linh được tổ tiên ta coi là mối quan hệ khăng khít đặc biệt. Trong văn hóa Việt Nam, miếng trầu là đầu câu chuyện không chỉ đơn giản là mời nhau ăn để làm quen mà sâu sa trong triết lý quanh miếng trầu chính là một loại bùa yêu ma thuật. Mối quan hệ trầu - cau - vôi chính là quan hệ Cây - đá - người, là mối quan hệ gắn với tập tục thờ cây cối. "Vôi với trầu cau là một phối hợp ma thuật giữa chất đá và chất mộc, tự nó đã như linh thiêng, chứa chất ở gốc cây cổ thụ càng làm tăng thêm khí thiêng cho cây. Một gốc cây có nhiều bình vôi cũ chồng chất thành đống tự nhiên biến thành một nơi linh thiêng đáng thờ cúng. Đấy là từ ma thuật biến sang tôn giáo rồi vậy"(1). Gắn bó với tục thờ cây là những hình thức thờ cúng như sau:

Một cái gò có cây cổ thụ;

Một cái gò có án xây dưới gốc cổ thụ;

Một gốc cổ thụ với một cái án xây.

Sau này, đình làng thay thế dần cho vị trí của hình thức thứ hai (Một cái gò có án xây dưới gốc cổ thụ) cho nên thổ thần được mở rộng biên độ cai quản một khu đất nhỏ nâng lên thành bảo hộ cho dân trong một ngôi làng. Việc thờ cúng tại đình thay thế cho việc cúng tại gốc cây nên "sự chuyển dịch từ gò đống, án, miếu đến đình vẫn còn lại cái cây để tượng trưng cho ý nghĩa linh thiêng. Nhưng đáng lẽ các thần linh ngự tại trên cây thì ở đình các ngài lại ngự nơi bài vị với sắc phong của nhà Vua để trong hòm sắc trên ngai đình"  (2).

Thổ thần và thành hoàng đều là thần được thờ phụng theo nghi lễ địa phương và phân thành 4 cấp trật: Chúng sinh cô hồn, thổ thần, thành hoàng và đức thánh. Những thần này được gọi là hệ thống Dương thần có quan hệ với cây linh. Do quyền uy to lớn của đức thánh bao phủ khắp một xứ nên nghi lễ và độ linh thiêng của thánh cũng rộng hơn. Người ta tin tưởng rằng những cây cổ thụ nguy nghiêm trong di tích có quyền năng huyền bí. Thời "vua Lê Thái Tôn có lệnh cấm không chặt những cây to và nhân dân tin rằng chỉ phạm vào một cái lá cũng đủ đau ốm. Cái đức linh ấy là vì một phần năng lực thần linh của Đức Thánh đã ngự vào những cây ấy" (3). Đó là chuyện cây cối và các nam thần.

Đối với nữ thần - Âm thần, cây cối gắn với lực lượng này thường được biểu hiện ra bằng những đồ mã treo gắn lên cành cây, thân cây trong di tích do những người phụ nữ mang đến cúng tiến. Từ 5 hạng cây:

Cây không đứng một mình;

Cây có bệ xây;

Cây che phủ một ngôi miếu;

Cây che phủ một ngôi đền;

Cây vừa che phủ đền, vừa che phủ miếu;

người ta nhận thấy mức độ linh thiêng được nâng cao dần. Thấp nhất là hàng Cô - con gái đồng trinh chết yểu. Thứ đến là Bà - gái có chồng nhưng giữ được trinh tiết. Cao nhất là Thánh Mẫu hay Mẫu là Chúa. "Trên đây là tín ngưỡng bản xứ chưa pha trộn với các yếu tố ngoại lai. Những tín ngưỡng cổ xưa của bình dân về cây cối linh thiêng, về đá đất, mà thành một bộ ba đầy đủ, nhất là sự "hợp nhất thờ cúng một nữ thần như Thánh Mẫu, một cây cổ thụ và một tảng đá thành tinh". Cây, đá, linh hồn phụ nữ đấy là bộ ba tối linh trong tín ngưỡng Việt Nam bình dân cổ xưa. Tín ngưỡng ấy về sau mới pha trộn với Phật giáo và Đạo giáo thành một phức thể tôn giáo Việt Nam"(4)”…... (Chú thích: 1.2.3.4. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tái bản, tập 1, Nxb Tp HCM, 1992, tr 226, tr 228, tr 229, tr 232)

[4] Thứ Bảy, 10/12/2016 23:00 http://baotintuc.vn/thoi-su/pho-chu-tich-quoc-hoi-du-dem-giao-luu-nghe-thuat-loi-the-la-tien-20161210230011264.htm

 

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7018065