Hồi ức dưới gốc đa cổ thụ

Về thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ (Hưng Yên), Di tích Quốc gia địa điểm Cây đa và đền La Tiến luôn là nơi được nhiều người ghé thăm. Bởi, đó là nơi khắc ghi tội ác dã man của thực dân Pháp, đồng thời là nơi lưu giữ tinh thần hiên ngang, bất khuất của quân và dân Phù Cừ nói riêng, Hưng Yên nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Dưới gốc đa này, trong những năm từ 1949 đến1954, giặc Pháp và tay sai đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bằng nhiều hình thức cực kỳ dã man, trong đó có 121 cán bộ và bà con nhân dân xã Nguyên Hòa.

 Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ phát biểu khai mạc chương trình giao lưu nghệ thuật "Lời thề La Tiến".
Tối 10-12, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời thề La Tiến” được tổ chức dưới gốc đa này lại càng có ý nghĩa đặc biệt, bởi đó chính là sự tri ân sâu sắc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân Hưng Yên nói chung, Phù Cừ nói riêng đối với chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống ở nơi đây. Chương trình giao lưu nghệ thuật cũng là hoạt động thiết thực của Hưng Yên nhân kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 / 19-12-2016), 185 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Chương trình do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, phối hợp với Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết thực hiện; được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) và trên Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh Hưng Yên. Trước khi chương trình giao lưu nghệ thuật chính thức bắt đầu, tại bến đò La Tiến đã diễn ra lễ thả hoa đăng tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này. Chương trình đã dành một phút tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng và nhân dân yêu nước đã ngã xuống bên Cây đa La Tiến.

Phát biểu khai mạc Chương trình giao lưu nghệ thuật, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đã khái quát truyền thống của Hưng Yên trong suốt tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Đồng chí nhấn mạnh, mỗi tấc đất La Tiến, mỗi khúc sông Luộc đều thấm đẫm máu của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào. Di tích Quốc gia Cây đa và đền La Tiến không chỉ là nơi lập bia căm thù, khắc ghi tội ác của kẻ thù mà còn trở thành chứng tích, biểu tượng cho truyền thống anh dũng, bất khuất, kiên cường của quân và dân Hưng Yên. Để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, lời thề La Tiến năm xưa phải trở thành lời hứa hôm nay của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hưng Yên hôm nay, để xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Tòng Thị Phóng tặng hoa các nhân chứng lịch sử. 
Không khí chương trình giao lưu nghệ thuật trở nên trầm lắng, xúc động, khi phóng sự truyền hình do Báo QĐND thực hiện được trình chiếu, tái hiện những ngày đau thương mà bi tráng của vùng đất La Tiến, Nguyên Hòa. Mỗi mấu cây đa phía trên thân cây kia là một cái neo để thực dân Pháp treo các chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước lên, rồi tra tấn bằng những hình thức thể hiện sự man rợ đến tột cùng như cắt tiết, mổ bụng, moi gan; dùng kìm nhổ móng tay, chặt tay, chặt chân, sau đó giết hại và thả xác trôi sông. Khúc sông phía ngoài gốc đa kia có tên “Vụng quạ” cũng kể từ ngày ấy. Quạ đến đen đặc trên sông để rỉa thi thể những người bị giặc Pháp giết hại vứt trôi sông. Vậy nhưng, sự tàn ác, dã man của giặc Pháp cũng không thể khuất phục được tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Nguyên Hòa, Phù Cừ, Hưng Yên. Tháng 1 năm 1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân và dân Phù Cừ tiêu diệt bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Từ đây, con đường thủy huyết mạch trên sông Luộc phục vụ lực lượng kháng chiến và bộ đội chủ lực ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng được khơi thông.

Tham gia giao lưu trong chương trình có một nhân chứng đặc biệt - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đăng Vinh, người đã tham gia bắt sống tướng Đờ Cát-tơ-ri – chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tá Hoàng Đăng Vinh tâm sự, quê ông cách cây đa La Tiến 4 cây số. Năm 1949, anh trai ông bị giặc bắt và giết tại cây đa này. Bản thân ông cũng bị địch bắt và giam ở bốt La Tiến trong 4 ngày đêm và bị chúng tra tấn rất dã man, khiến ông rất căm thù và quyết định trốn đi bộ đội để tiêu diệt kẻ thù, giải phóng quê hương. Có người nói đi bộ đội, tham gia chiến đấu khổ cực lắm, nhưng ông bảo khổ đến mấy ông cũng xung phong lên đường đánh giặc để trả thù cho chiến sĩ, đồng bào và anh trai đã bị chúng giết hại. Ông đã cùng đồng đội lập chiến công bắt sống tướng Đờ Cát-tơ-ri, thực hiện Lời thề La Tiến năm xưa. Vinh dự được Bác Hồ trực tiếp tặng huy hiệu của Người khi mới 19 tuổi, ông luôn coi đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình và là nguồn lực động viên, cổ vũ để sống, làm việc sao cho xứng đáng với Bác, với Tổ quốc, với nhân dân.

 Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đăng Vinh tham gia giao lưu.
Trong những năm chống Pháp, Cây đa La Tiến cũng chứng kiến nhiều mối tình thủy chung giữa các anh Bộ đội Cụ Hồ và các cô gái địa phương. Và đêm nay, 2 trong số những con người ấy lại có mặt bên cây đa này. Đó là cựu chiến binh Nguyễn Đức Khoát và vợ ông- bà Trần Thị Khuyến. Trong những năm tháng Pháp chiếm đóng đất này, chiến sĩ quân báo Nguyễn Đức Khoát đã trà trộn vào bốt La Tiến để nắm tình hình địch, còn thôn nữ Trần Thị Khuyến thì bị địch bắt đi lao động xây bốt, nhưng đã cùng với dân làng cố ý làm chậm tiến độ xây dựng của giặc. Cùng quê, hai người đã được hai bên gia đình đặt vấn đề dạm ngõ, họ thề ước ngày chiến thắng sẽ tổ chức lễ cưới. Đến tháng 8-1955, lễ cưới của hai người đã được tổ chức trên quê hương giải phóng. 61 năm đã trôi qua, họ vẫn bên nhau thủy chung, hạnh phúc.

Báo QĐND và Chiến thắng La Tiến

Có thể nói, lịch sử đã tạo nên sợi dây kết nối giữa Báo QĐND với địa danh La Tiến. Hôm nay, Báo QĐND vinh dự là một trong những đơn vị tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời thề La Tiến”, và cách đây gần 63 năm, cái tên La Tiến và Chiến thắng La Tiến đã nhiều lần xuất hiện trên Báo QĐND, làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước.

 Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình giao lưu.
Ngày 31-01-1954, ta tiêu diệt bốt cây đa La Tiến. Đến ngày 11-2-1954, trên trang nhất Báo QĐND đăng trang trọng tin của Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho đơn vị lập chiến công này. Chính vì tầm quan trọng và ý nghĩa lớn của chiến thắng La Tiến mà cùng với việc tặng thưởng nói trên, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo Báo QĐND phải tuyên truyền nổi bật chiến thắng này. Chấp hành nghiêm chỉ đạo của Đại tướng, Tổng biên tập Báo QĐND đang có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ đã yêu cầu Báo QĐND tại mặt trận và Báo QĐND tại hậu phương cùng đưa tin, bài về chiến thắng La Tiến. Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên ngày 11-2, đưa tin tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3; đến ngày 18-2, chiến thắng La Tiến lại được nhắc đến trong điểm tin Tình hình chiến sự đông xuân năm nay và đến ngày 24-2, trong bài “Hai tháng đông xuân: Quân dân đồng bằng Bắc Bộ tiêu diệt 14 nghìn sinh lực địch” tiếp tục nhắc đến chiến thắng La Tiến. Còn trên Báo QĐND tại hậu phương số báo ngày 22-2-1954, có bài “San phẳng đồn La Tiến” và đến ngày 23-3-1954 trong bài “Tả Ngạn thi đua giành cờ của Hồ Chủ tịch”, Báo QĐND lại một lần nữa nhắc đến chiến thắng này.

Bài viết “San phẳng đồn La Tiến” còn ghi: “Bên bờ sông Luộc không đêm nào là không có cảnh đầu rơi máu chảy, xác nổi trên sông, có những ngày đồng bào không dám ăn nước và giặt rửa. La Tiến là một lò giết người trên bờ sông Luộc”. Bài báo cũng ca ngợi tinh thần của quân và dân ta đấu tranh anh dũng, chống lại kẻ thù. Phần thứ ba của bài báo thông báo tin thắng trận: “San phẳng bốt La Tiến, trả thù cho nhân dân”.

Những tin, bài về chiến thắng La Tiến cùng với các tin bài khác của Báo QĐND đã có tác động sâu sắc đến cán bộ và chiến sĩ ta đang chiến đấu ở ngoài mặt trận, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ...

Hưng Yên đinh ninh lời Bác dạy

“Truyền thống trung kiên vững bước theo cờ Đảng. Quê hương 10 lần đón Bác về thăm. Nhớ lời Người đắp đê, làm thủy lợi phải chăm. Diệt giặc dốt, đoàn kết nhân dân đánh thắng quân cướp nước. Bác dặn các chú các cô không có rừng cây. Nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến...”, là lời bài hát Chèo “Hưng Yên đinh ninh lời Bác”, do Thiếu tướng, Nhà báo Phạm Văn Huấn, Bí thư đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND soạn lời. Đây là tiết mục nghệ thuật mở đầu và cũng là chủ đề phần 3 của Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời thề La Tiến”.

Nhà báo Hà Đăng và đồng chí Nguyễn Văn Phóng tham gia giao lưu.
Tham gia giao lưu tại chương trình có nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Tuy không sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên nhưng ông luôn dành tình cảm sâu sắc cho mảnh đất và con người nơi đây. Nhà báo Hà Đăng tâm sự, ông may mắn được làm việc và sống tại Hưng Yên trong một thời gian dài, và có những kỷ niệm rất đáng nhớ tại đây. Ông rất ấn tượng và xúc động trước tình cảm của Bác Hồ dành cho nhân dân Hưng Yên và tình cảm của nhân dân Hưng Yên đối với Bác kính yêu. Trong kháng chiến chống Pháp, Hưng Yên anh dũng kiên cường. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hưng Yên lại đắc lực chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Hưng Yên đang là một trong những điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Tham gia giao lưu, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tự hào được 10 lần Bác Hồ về thăm, được tiếp thu những bài học sâu sắc của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên luôn tăng cường đoàn kết, chú trọng phát triển văn hoá-xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng cơ bản để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Có như vậy mới xứng đáng với Bác, với các thế hệ cha anh đi trước.

Có thể nói, từ khi tái lập tỉnh (ngày 01-01-1997) đến nay, Hưng Yên là một trong những địa phương có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Cơ cấu kinh tế của Hưng Yên được chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp và thủy sản. Việc xây dựng các khu đô thị sầm uất, phát triển các khu công nghiệp rộng hàng trăm héc-ta, những cánh đồng thâm canh gối vụ, những con đường rộng rãi thênh thang... thể hiện tầm quy hoạch chiến lược và tư duy mới trong sự phát triển của vùng đất văn hiến Hưng Yên. Sau 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, thu ngân sách của Hưng Yên gấp hơn 100 lần, đạt gần 9.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch Trung ương giao.

Tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật, đông đảo cán bộ và bà con nhân dân địa phương thực sự ấn tượng và bị cuốn hút bởi những câu chuyện của các nhân chứng tham gia giao lưu và sự hấp dẫn từ những bài hát đi cùng năm tháng được thể hiện bởi các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Lan Anh, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Trọng Tấn và các nghệ sĩ, ca sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Hưng Yên...

 Tiết mục Đường chúng ta đi do các ca sĩ Đăng Dương và Trọng Tấn thể hiện.
Thông qua chương trình giao lưu nghệ thuật, những tháng ngày La Tiến bị giày xéo dưới gót giày thực dân Pháp, và thời khắc La Tiến vùng lên tiêu diệt quân thù như được tái hiện trong ký ức những người cao tuổi. Và lịch sử đấu tranh anh dũng, bất khuất, kiên cường của quê hương như mạch nguồn trào dâng, sáng rõ trong hình dung của lớp trẻ hôm nay. Bà Phạm Thị Phiến, năm nay đã 78 tuổi, người thôn La Tiến, tâm sự: Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, chưa bao giờ tôi được xem một chương trình sâu sắc như hôm nay. Xem chương trình, tôi lại nhớ những ngày tôi còn ở tuổi chín, mười, mỗi lần giặc Pháp vào làng là một lần bà con, nhất là phụ nữ khiếp đảm”. Bà Nguyễn Thị Đào, 78 tuổi, cũng là người thôn La Tiến, vui mừng chia sẻ: “Có Đảng dẫn đường, La Tiến mới giành được tự do. Cũng nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm mà chúng tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay, không còn ăn đói, mặc rét; đường làng khang trang; các công trình công cộng bề thế; trường làng, trạm y tế đều phát huy tốt tác dụng”. Còn với cô Đặng Thị Vân Anh, giáo dạy môn lịch sử của Trường THCS Nguyên Hòa, thì chương trình giao lưu nghệ thuật hôm nay không chỉ giúp cô hiểu hơn về lịch sử quê hương mình, mà những gì cô được nghe, được thấy sẽ đi vào mỗi bài giảng, tiết học, để cô truyền thụ cho các thế hệ học trò về truyền thống của quê hương, giúp các em sống, học tập và làm việc xứng đáng với các thế hệ cha, ông đi trước.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cùng các đại biểu và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo QĐND, tặng hoa các nghệ sĩ tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời thề La Tiến” bên gốc đa cổ thụ hôm nay vừa là lời nhắc nhớ về một thời liệt oanh của quê hương La Tiến, vừa như lời nhắn nhủ mỗi người không ngừng phát huy truyền thống quê hương, phấn đấu vươn lên xây dựng Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là quê hương được 10 lần đón Bác về thăm./.