TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN, TOÀN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 - TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH -THƯỜNG XUYÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
  23/09/2014     |  Lượt xem 2555   

Đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân - Điểm đến của lễ hội văn hóa

Hằng năm, vào trung tuần đầu tháng tư (âm lịch) bên ven đê sông Luộc, thuộc xã Tống Trân, phía nam huyện Phù Cừ lại diễn ra một lễ hội văn hóa truyền thống nổi tiếng từ bao đời - Lễ hội đền Quan Trạng.

Hằng năm, vào trung tuần đầu tháng tư (âm lịch) bên ven đê sông Luộc, thuộc xã Tống Trân, phía nam huyện Phù Cừ lại diễn ra một lễ hội văn hóa truyền thống nổi tiếng từ bao đời - Lễ hội đền Quan Trạng. Chuyện xưa kể lại, cách đây vài ngàn năm, hình thành nên vùng đất cổ có tên gọi: xã An Đô thuộc tổng Võng Phan, huyện Phù Dung, ngày nay là xã có địa danh mang tên nhân vật huyền sử - Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân. Đối với nhân dân làng An Cầu, Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân có sức sống mãnh liệt và nó vượt ra khỏi khuôn khổ của những tác phẩm văn học dân gian (Truyện thơ nôm khuyết danh: Tống Trân - Cúc Hoa). Bởi vì, nhân vật Tống Trân đã đi vào đời sống hàng ngày của nhân dân qua phương ngôn, tục ngữ, qua những phong tục, tập quán và đặc biệt là qua lễ hội được tổ chức hàng năm. Người dân không chỉ biết đến Tống Trân như một người học rộng tài cao, một người chồng thủy chung mà còn suy tôn ông, ngưỡng vọng ông như vị thần linh thiêng.

Chính điện của ngôi Đền Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân

Lễ hội tưởng nhớ Tống Trân là sự tái hiện truyền thuyết về Tống Trân - Cúc Hoa. Do đó, lễ hội diễn ra xung quanh cụm di tích này: Đền Tống Trân (thôn An Cầu - Tống Trân), Đền Cúc Hoa (thôn Phù Oanh - Minh Tiến) và đền Nông (An Cầu, thờ thần địa phương). Tương truyền đền được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân từ thời Lý và đã được tu sửa nhiều lần “ Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt; Sứ sự mười năm khét đất Ngô”. Năm 1991, đền Tống Trân được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Sau nhiều lần tu sửa nâng cấp, năm 1998 được nhà nước đầu tư kinh phí, đền Tống Trân được trùng tu lại như hiện nay.


Lễ rước kiệu Cúc Hoa từ thôn Phù Oanh về đền Tống Trân

  Đền Tống Trân có tên tự là "Tiên căn ninh tự” - nhân dân thường quen gọi là "đền Quan Trạng” - nằm trên một khu đất cao thoáng mát ở thôn An Cầu. Ngoài cổng đền ghi hàng chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn”. Phía trước của khu đền chính là miếu thờ “Hổ hàm thư” (liên quan đến chi tiết Cúc Hoa nhờ hổ đưa thư cho Tống Trân trong những ngày chàng đi sứ) và ba gian thờ vọng Cúc Hoa. Ngôi đền chính ba gian: ở giữa là ba gian thờ tượng, ngai và mũ của ngài, bên trái thờ Dương Tam Kha và bên phải thờ Đoàn Thượng. Trong đền bài trí hết sức đơn giản. Nổi bật nhất là bức hoành phi: Lưỡng quốc Trạng nguyên, phụ tể thượng quốc (ý nói là trạng nguyên hai nước, phò giúp đất nước) và đôi câu đối: Bát tuế trạc nho khoa tự hưu tài danh long bách việt, Thập niên trì sứ tiết khước dao vận sự bá thiên thu (Dịch là: Tám tuổi đỗ Trạng Nam đã nổi tài danh long bách việt, Mười năm sang sứ Bắc lại đem vạn sự dõi đời sau)

Lễ hội diễn ra từ ngày mồng chín đến mười sáu tháng tư (Âm lịch) với những nghi thức trang nghiêm nhưng hết sức đơn sơ, giản dị, quy mô của lễ hội nhỏ: - Ngày 9 tháng 4: Lễ rước kiệu Cúc Hoa từ thôn Phù Oanh về đền Tống Trân (nhân dân cả hai thôn cùng tham gia).

- Ngày 10 tháng 4: chính hội: Lễ rước nước: Dân làng khiêng kiệu đựng chóe và đồ tế ra đền Nông (ở ngã ba Nông - sông Luộc), từ đó dùng đò chở kiệu ra giữa sông. Nước được lấy từ chóe rồi rước về làm lễ mộc dục (lễ tắm tượng) và cúng tế. Các nơi trong xã cũng rước kiệu về để làm đại lễ trước cửa đền.

- Từ ngày 12 - 16 tháng 4: Các đoàn và nhân dân dâng hương cúng tế.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, có nhiều năm còn diễn lại tích chèo Tống Trân - Cúc Hoa.

Đền thờ Cúc Hoa nằm ở thôn Phù Oanh (xã Minh Tiến). Đây cũng là lăng mộ của bà. Đền nhỏ và hòa mình vào với khu dân cư của thôn. Lễ hội diễn ra từ ngày 1- 3 tháng 3:

- Ngày 1 tháng 3: các nơi về tế lễ.

- Ngày 2 tháng 3: Lễ dâng hương

- Ngày 3 tháng 3: Tế giỗ (hội chính)

Trong ngày tế giỗ nấu cỗ cũng hết sức đơn giản: Cơm tám và miến nấu thịt nạc (vì tương truyền bà bị mất do đau bụng nên thức ăn giản dị). Tuy hai đền có liên quan đến nhau nhưng thời gian lễ hội không trùng nhau về thời gian (vì hội đền Tống Trân lấy ngày sinh của ông, hội đền Cúc Hoa lấy ngày mất của bà nên khác nhau - trừ ngày hội đền Tống Trân có rước kiệu Cúc Hoa về). Nhìn chung, lễ hội ở hai đền đều hết sức đơn sơ, giản dị, dù phần lễ vẫn diễn ra hết sức trang trọng, phần hội thật sinh động, nhiều trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức... Điều đó không hẳn vì nhân dân không có điều kiện để tổ chức lớn mà có lẽ cách thức tổ chức lễ hội như vậy có sự phù hợp nhất định với cuộc đời, số phận của Quan Trạng. Tống Trân xuất thân nghèo khó, đã từng dắt mẹ đi ăn xin, chàng được nhân dân biết đến là người chồng thủy chung, trọng đạo hơn là người lập nên những chiến công hiển hách. Cho nên, lễ hội là sự tái hiện phần nào cuộc đời bình dị đó của ông.

 

 

 

Từ sinh hoạt văn hóa tại nơi đây, đã hình thành một số phong tục như tục “con rể để tang bố vợ”:

Từ rày để chế nhạc gia,

Một năm tiểu phục gọi là thế thôi

                                                           (Tống Trân - Cúc Hoa)

Lễ tuyên dương, khen thưởng tại đền thờ Quan Trạng

Các phương ngôn “tra nhành đa” (Câu phương ngôn bắt nguồn từ tình tiết trong việc quan Trạng xử kiện nhành đa để lấy lại tiền cho người đã mất. Chi tiết này thể hiện Tống Trân là người thông minh tài trí hơn người và có sức sống lâu bền trong lòng người dân nơi đây); “chuột cống” (bắt nguồn từ chi tiết: nàng Cúc Hoa gửi biếu mẹ chồng 8 lạng vàng và mâm cỗ, hai quân hầu đem đi nổi tính tham lam lấy mất số vàng đó. Trời thấy vậy sai đàn chuột trộm vàng tha về cho Tống Trân. Thấy đàn chuột có nghĩa, ông phong chúng học vị “hương cống”). Đặc biệt, phong tục có sức sống hết sức lâu bền và là nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt của nhân dân nơi đây là lễ cầu tài, trước khi đi thi cử hoặc sau khi thi đỗ, người ta thường đến đền Quan Trạng để cúng tế, để cầu mong đỗ đạt hay cảm tạ. Đó cũng chính là sự biết ơn, ngưỡng vọng, là sự thành kính của con cháu đời sau với thế hệ trước - mà ở nơi đây là Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân.

                      Vũ Xuân Thủy - Vũ Văn Thiện

                                   (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cừ)


 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 7018072